Bún mọc gà Nguyễn Chế Nghĩa - Người Hà Nội nào mê món này mà chưa đến đây ăn thì phí đời!
Ở Hà Nội có ti tỉ hàng ăn nhưng để tìm ra một quán ngon - bổ - rẻ lại chẳng hề dễ dàng. Vì thế, ăn quen ở một chỗ, đã trót ưng cái bụng rồi, người ta thường không nỡ rời đi nơi khác. Cũng vì thế mà hàng bún trên phố Nguyễn Chế Nghĩa này 25 năm luôn đông đúc khách.
Ở Thủ đô, có nhiều hàng quán nhìn vẻ ngoài tuềnh toàng, giá đồ ăn không đắt, không rẻ nhưng khách ra vào thường tấp nập, phục vụ không kịp. Đừng vội bỏ qua chúng vì rất có thể khi bạn tìm kiếm trên google, nó đã là hàng ăn nức danh nhiều năm. Hoặc có thể nán lại trò chuyện cùng chủ quán, bạn sẽ thấy rằng, phía sau hàng ăn bình dân đông khách ấy, luôn có nhiều câu chuyện dài để kể.
Nhiều hàng ăn bình dân, nhìn xưa như trái đất, giá cả cũng chẳng phải quá rẻ nhưng đồ ăn lại chất lừ.
Đó có thể là thâm niên bán hàng lâu ơi là lâu; vài công thức nấu ăn siêu tỉ mỉ hay sự tần tảo sớm hôm, nỗi nhọc nhằn làm nên những thức ăn thơm lừng... bấy nhiêu đó, chắc hẳn sẽ khiến bạn cảm động. Câu chuyện của họ khiến việc đi ăn không còn đơn giản nhằm lấp đầy khoảng trống của dạ dày, nó sẽ trở thành niềm vui bình dị - niềm vui khám phá món ăn ngon ở Hà Nội.
Bát bún mọc thập cẩm ở quán bà Năm.
Một trong số nhiều địa chỉ đáng để bạn khám phá chính là quán bún mọc, giò, gà nằm ở con phố nhỏ Nguyễn Chế Nghĩa. Quán ăn chỉ mở vào buổi sáng nhưng tầm khoảng 8-10h, thực khách thường xuyên phải đợi. Bàn ghế ít ỏi, không gian quán chật hẹp nên nhiều người sốt ruột, chẳng đủ kiên nhẫn để chờ. 25 năm qua, ngày nào khung cảnh này cũng lặp lại.
Bà Năm (53 tuổi, chủ quán bún) tâm sự: "Quán ăn tôi nối nghiệp từ mẹ chồng, công thức nấu nướng từ ngày đó vẫn giữ nguyên, đến giờ đã ngót nghét 25 năm". Bún mọc, bún gà đều là những món đã cũ. Để làm nên sự mới lạ, mẹ chồng bà Năm đã tích hợp chúng lại trong cùng một tô. Thành phần món ăn này gồm mọc giò, mọc nấm, thịt gà ta xé phay, hành trần, măng khô và tất nhiên, không thể thiếu bún.
Bà Năm (53 tuổi) - chủ quán bún.
Bát bún mọc gà ở phố Nguyễn Chế Nghĩa đặc biệt vì nước dùng rất ngọt. Chủ quán dùng nước ninh xương gà, lợn, nước luộc gà và các loại mọc. Ngần ấy thứ ninh, luộc trong cùng nồi nước đã tạo nên loại nước dùng đặc quánh, siêu chất. Nếm thử một chút đã thấy đậm vị, thơm dậy mùi thịt gà.
Thịt gà ở đây cũng khá dai, thơm. Các loại mọc nấm, mọc giò đều giòn, dễ ăn. Bát bún giá chỉ 28.000 đồng song khá đầy đặn, đủ làm bữa chính trong ngày chứ không chỉ là ăn sáng lót dạ.
Bước vào quán, mùi gà, mùi hành và măng khô bốc lên nghi ngút. Nó khiến nhiều người nhớ đến khung cảnh giỗ chạp, Tết nhất. Bà Năm nói món ăn này vốn được mẹ chồng bà nấu đãi mọi người khi sum họp hoặc lúc nhà có công việc. Thấy ngon, mọi người động viên bà mang bán. Không ngờ tay nấu hợp ý khách, quán mở ra từ đâu, đông khách từ đó.
Từng nguyên liệu đều nhìn rất ngon mắt.
Thịt gà cũng là gà ta, dai và giòn.
Bà Năm nói bí kíp nấu ăn ngon của bà là buổi sáng, khi thức dậy mới bắt đầu làm mọi thứ, sử dụng hết nguyên liệu trong ngày để đảm bảo sự tươi ngon.
"Nhiều năm liền, bát bún thập cẩm như thế này, tôi chỉ bán giá 20.000 đồng, sau tăng lên 25.000 và đầu năm nay mới lên 28.000 đồng", bà Năm kể. Giá bán rẻ nên có hôm đắt hàng, tiêu thụ hết hơn yến gà xé phay, doanh thu vẫn chẳng đáng là bao.
"Nói thế chứ nghề này cũng giúp tôi chèo lái, nuôi cả gia đình, một chồng hai con đấy", bà Năm cười vui vẻ, lật ngược ý vừa mới khẳng định. "Nhưng cũng nhọc lắm, 6h sáng mở hàng, hôm nào cũng đều đều 3h30 đã phải dậy. Vất vả nên tôi chẳng để các con nối nghiệp mẹ làm gì".
Những bát bún khi còn chưa tưới nước dùng đã rất hấp dẫn.
Phần thịt, mọc xếp ở trên khá nhiều.
Buôn bán từ khi còn trẻ đến nay đã 53 tuổi, bà Năm chỉ ấn tượng nhất chuyện nhiều thực khách quen ăn ở đây, dù có đi đâu xa lắc, mất tăm cả chục năm trời đến khi có dịp về Hà Nội, họ lại tìm đến thăm quán bún của bà.
"Có ngày mưa gió, hàng ế ẩm, tôi chỉ muốn nghỉ việc buôn bán cho đỡ thua lỗ. Song lúc ấy, tôi lại nghĩ đến những người quen ăn ở đây. Tôi lo nhỡ lúc họ lặn lội từ xa đến, khi họ đang phấn khởi tìm đến quán tôi ăn bún mà không thấy, chắc họ thất vọng lắm. Nghĩ như thế, tôi lại có thêm động lực", bà Năm kể.
Nấu ăn ngon, giúp thực khách hài lòng là niềm vui sống mỗi ngày của bà Năm. Bà bảo làm nghề hàng ăn như làm dâu trăm họ, mỗi người một ý nên chiều chuộng rất khó. Vì thế, nếu có khách nào ăn quen, nhớ mặt bà, nhớ mùi vị món ăn ở đây bà đều rất trân trọng.