BS Cao Hữu Thịnh: Có duyên với phẫu thuật thẩm mỹ nhưng lại theo đuổi sản khoa
Hơn 9 năm về trước, ca sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam gây chú ý lớn trong cộng đồng. Ngoài sự ngưỡng mộ dành cho người mẹ, 'ông đỡ' ca sinh 5 cũng khiến nhiều người phải xuýt xoa.
"Ông đỡ" mát tay của hàng nghìn đứa trẻ, nổi tiếng từ vụ sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam
Mỗi sáng đến nơi làm việc, công việc đầu tiên của "ông đỡ" này là vào phòng ngủ đông "đánh thức" các phôi thai dậy, rồi chuyển vào tử cung mẹ, đưa con đến với thế giới. Công việc đều đặn như vậy mỗi ngày nhưng ThS.BS Cao Hữu Thịnh (điều trị khoa phụ sản, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) vẫn rất vui vẻ. Bởi với anh, mang lại hạnh phúc đến các gia đình hiếm muộn là điều tuyệt vời nhất mình được làm mỗi ngày.
Hơn 9 năm về trước, ca sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam diễn ra suôn sẻ, gây chú ý lớn trong cộng đồng. Đây cũng được đánh giá là một bước tiến rất đáng ghi nhận trong nền y học Việt Nam. Ngoài sự ngưỡng mộ dành cho người mẹ vất vả mang thai 5 em bé, người ta cũng không ngừng gửi lời trầm trồ, xuýt xoa đến vị bác sĩ mát tay làm nên kỳ tích này.
Vị bác sĩ đó chính là ThS.BS Cao Hữu Thịnh. Nói về ca sinh đặc biệt này, BS Thịnh chia sẻ, chị Lê Huỳnh Anh Thư (sản phụ sinh 5) tới phòng khám của anh với tình trạng buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn, trứng không rụng nên không có thai. BS Thịnh quyết định kích trứng, hướng dẫn vợ chồng quan hệ tự nhiên.
Sau đó, siêu âm cho thấy chị Thư đa thai, BS Thịnh lại đau đầu tư vấn những rủi ro, khuyên giảm thai nhưng gia đình nhất quyết không chịu. Thương tình, BS Thịnh đành tự nhủ cố hết sức để giúp sản phụ cán đích thành công.
Trong thời gian chị Thư dưỡng thai, BS Thịnh hồi hộp từng phút một. Đến tuần 28 thì yên tâm hơn. Được 33,5 tuần, chị Thư gọi điện báo vỡ ối. Lúc đó BS Thịnh còn đang bận đánh cầu lông, vội chạy về mổ cho chị.
Anh nhận định, đây là ca khó vì tử cung quá lớn. Bình thường tử cung nhỏ, khi mang thai 5 đứa, nó giãn ra rất nhiều. Khi lấy 5 bé ra, nhau bong ra, tử cung không co lại sẽ gây chảy máu ồ ạt, sản phụ rất dễ tử vong.
Tiên lượng những chuyện đó, BS Thịnh càng lo lắng. Nhưng không còn cách nào khác, anh vận dụng mọi kinh nghiệm, kiến thức, tiến hành mổ thật nhanh. Cùng sự giúp sức của các đồng nghiệp, ca mổ đã diễn ra thành công, "mẹ tròn con vuông".
Kể từ sau đó, BS Thịnh càng gắn chặt với chuyên ngành sản khoa, nhất là lĩnh vực chữa hiếm muộn hơn nữa.
Thế nhưng ít ai biết, đây không phải là chuyên ngành anh dự định làm ngay từ đầu. Trở thành bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn đúng là cái duyên, là nghề chọn người đúng nghĩa...
Ban đầu theo đuổi chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ... nhưng rồi lại gắn chặt với sản khoa
Không ít lần tâm sự với báo chí, BS Thịnh đã từng thú thật, ngành y không phải là lựa chọn ban đầu của anh. Anh chọn nghề y bởi lời hứa với người mẹ quá cố của mình. Hồi đó, khi đang học lớp 10, mẹ anh bị phát hiện ung thư cổ tử cung. Trước khi mất, bà nhắn nhủ con trai hãy chọn ngành y để chữa bệnh cứu người.
Thế nên sau khi thi đỗ cùng lúc 3 trường đại học, cậu sinh viên Cao Hữu Thịnh quyết định theo ngành y. Học y xong, anh sang thực tập ở khoa sản.
Thế nhưng sau đó, BS Thịnh lại định lựa chọn chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ để gắn bó cả đời. BS Thịnh kể, trong quá trình thực tập ở khoa Sản, thấy anh mổ khéo, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) tạo điều kiện cho anh sang Pháp du học 2 năm về phẫu thuật thẩm mỹ.
Sau đó về nước, BS Thịnh cũng có cơ hội làm chuyên về thẩm mỹ. Nhưng cuối cùng, anh vẫn quay sang sản khoa, lựa chọn điều trị vô sinh hiếm muộn vì muốn chữa bệnh đúng nghĩa - theo đúng như lời mẹ dặn năm xưa.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, BS Thịnh cho biết, mình không bao giờ bỏ sản khoa vì ngày càng nhiều người gặp vấn đề về sinh sản và phải điều trị hiếm muộn. Anh mong muốn giúp được càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Càng làm, anh càng thấy mình có duyên với nghề.
Giờ đây, khi xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, các nội dung chia sẻ của BS Thịnh cũng liên quan đến sản khoa, nhận được đông đảo sự quan tâm của chị em phụ nữ.
(Tổng hợp)