Bỏ việc văn phòng để làm công việc tay chân có thật sự ‘như mơ’?
“Trốn chạy" khỏi tòa nhà văn phòng để đi làm những công việc chân tay dần trở thành cách họ "giải cứu" chính mình. Đều là "đi làm", tại sao không tìm một nơi mà tâm hồn không bị giam cầm quá sâu?
Mỗi một thế hệ có đời sống tinh thần riêng của thế hệ mình. Ngày nay, "trốn chạy" là một cụm từ đang trở nên rất phổ biến trong giới trẻ: trốn chạy khỏi sự vội vã, sự cạnh tranh có lẽ đang là câu chuyện phổ biến ở xã hội đương đại.
Có rất nhiều chủ đề phái sinh về "trốn chạy", trong đó có hiện tượng "thoát xác" khỏi những tòa nhà công sở đang gây tranh luận sôi nổi trong xã hội thời gian gần đây. Theo đó, một bộ phận người trẻ hiện đang "trốn chạy " khỏi các tòa nhà văn phòng để đi làm công việc thể chất.
Một vài nhân viên của các nhà máy lớn chuyển sang bán đồ ăn, một vài nhà thiết kế chuyển sang chăm sóc thú cưng, một bộ phận người lại làm nhân viên y tế bán thời gian. Nhiều người nói rằng họ đã tìm lại được niềm hạnh phúc và sự viên mãn đã mất từ lâu nhờ những công việc lao động chân tay không quá nặng nhọc này. Mặc dù hiện tượng này không phải mới xuất hiện trong xã hội ngày nay, và nó cũng không phải là xu hướng chủ đạo của xã hội, nhưng với tình hình việc làm, thực trạng nơi làm việc và tâm lý xã hội hiện nay, nó dường như là nguồn sáng đem lại những ý nghĩa mới, và cũng là điều không thể tránh khỏi.
"Không muốn làm công việc lao động trí óc"?
Theo quan điểm truyền thống, "trốn chạy" khỏi các tòa nhà văn phòng để làm công việc thể chất là một sự "hạ cấp" trong cấp độ nghề nghiệp, bởi lẽ hầu hết chúng ta đều cho rằng, công việc đầu óc có "thể diện" hơn công việc chân tay.
Ở nông thôn, nhiều bậc cha mẹ luôn mong con có thể thoát khỏi công việc đồng áng vất vả và trở thành những người lao động trí óc. Trong mắt họ, ngồi trong văn phòng với máy tính và có điều hòa tốt hơn nhiều so với việc đồng áng trong mưa gió.
Thực tế, những bạn trẻ "trốn chạy" khỏi các cao ốc văn phòng không thực sự làm những công việc nặng nhọc cường độ cao, những gì họ chấp nhận là "công việc chân tay nhẹ nhàng" hơn như nhân viên pha chế, người chăm sóc thú cưng, đầu bếp bánh ngọt, nhân viên dọn dẹp…
Một cư dân mạng đã chia sẻ cảm giác của cô ấy khi rời nhà máy để "giúp việc" trong một nhà hàng: "Công việc mỗi ngày là đi chợ, rửa, cắt, chiên đồ ăn, phân loại và rửa bát đĩa, làm xong hết những việc đó sẽ được tan làm. Không còn báo cáo công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, không còn KPI, không còn phải bắt chuyện xã giao... Dù cơ thể mệt mỏi nhưng tâm trạng rất vui vẻ."
Rất nhiều "công việc chân tay nhẹ nhàng" tuy mệt mỏi nhưng lại dễ dàng hơn trong việc giải quyết các mối quan hệ giữa các cá nhân, tan sở đúng giờ, không có áp lực xã hội quá tải, không có các cuộc họp vô tận. Bạn không chỉ có thể thấy kết quả nhanh chóng và nhận được phản hồi ngay lập tức mà còn có thể lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống và và sự yên bình bên trong, hoặc ít nhất, nó chỉ đơn giản là cột sống cổ và đĩa đệm thắt lưng được giải cứu.
Đối với công việc trí óc, chỉ cần có điện thoại di động và Internet, bạn có thể làm thêm giờ ở bất cứ đâu, chính vì vậy, nó thường ngốn không gian và thời gian cá nhân của bạn. Nhiều nhân viên văn phòng hoàn toàn không có khái niệm tan sở, thậm chí sau giờ làm việc cũng chẳng khác gì đi làm ở nơi khác.
Một họa sĩ truyện tranh từng mượn truyện tranh để bày tỏ nỗi lòng mình: "Đi làm 8 tiếng một ngày thực sự là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ này, nhưng nó đồng thời cũng là tấn bi kịch và hài kịch tập thể dài nhất". Nhìn những nhân viên công sở hiện này, có bao nhiêu người thực sự chỉ làm 8 tiếng một ngày?
Rất nhiều cái gọi là lao động trí óc cũng chỉ là những hoạt động lặp đi lặp lại và không hiệu quả, thay vì nói là tiêu hao tế bào não, nó tiêu hao nhiều năng lượng tinh thần và thể chất hơn - rất nhiều thời gian bị lãng phí chỉ để giải quyết mối quan hệ với lãnh đạo, khách hàng và đồng nghiệp.
"Không muốn kiếm tiền bằng bộ não", có lẽ là bởi đã quá mệt mỏi với việc bộ não bị bóc lột quá mức. "Trốn chạy" khỏi tòa nhà văn phòng là cách để "thoát xác".
"Trốn thoát" khỏi các cao ốc văn phòng đi làm công việc chân tay, cũng là một kiểu "giải cứu" bản thân
Romain Rolland từng nói: "Gánh nặng lớn nhất trong đời không phải là công việc mà là sự tẻ nhạt". Và "cạnh tranh" là hiện thân cuối cùng của sự nhàm chán. Hầu hết những người gọi là dân công sở trong xã hội ngày nay đều bị vây quanh bởi cái gọi là tăng ca, khối lượng công việc quá tải, kiệt sức với mức lương trần không cao. Và chính trong trạng thái cảm giác như bị bóc kiệt đó, cảm giác cuộc sống thật vô nghĩa đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Cứ như vậy, "trốn chạy" khỏi tòa nhà văn phòng để đi làm những công việc chân tay dần trở thành cách họ "giải cứu" chính mình. Đều là "đi làm", tại sao không tìm một nơi mà tâm hồn không bị giam cầm quá sâu?
Nhà văn Nhật Bản Kakuda Mitsuyo từng nói: "Nếu cảm thấy ở đó khổ sở quá, vậy thì hãy trốn đi, trốn chưa chắc đã là chuyện xấu. Nếu bản thân hiểu rõ ý nghĩa của cuộc trốn chạy đó, vậy thì nó không phải chuyện xấu. Không phải cứ chiến đấu tới cùng mới là giỏi giang."
Nhiều công việc thể chất nhẹ nhàng có thể mang lại giá trị tinh thần nhưng thu nhập lại ảm đạm, trong khi nhiều công việc trí óc có thể mang lại thu nhập đáng kể nhưng cũng sẽ mang lại nhiều cảm xúc tiêu cực. Phần lớn những người từ bỏ công việc trí óc và chọn công việc chân tay thường xuất phát từ việc những bất lợi của công việc trí óc vượt quá ngưỡng chịu đựng của bản thân.
Theo một dữ liệu khảo sát của một trung tâm lập kế hoạch nghề nghiệp tại Trung Quốc, có tới 80% nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến mơ ước "trốn chạy" khỏi các tòa nhà văn phòng, nhưng chỉ 20% trong số họ "trốn chạy" thành công.
Từng mơ ước được đi vòng quanh thế giới, nhưng lại phải để nó đó vì PPT chưa hoàn thành, có lẽ là lựa chọn của hầu hết chúng ta. Ngay cả khi tòa nhà văn phòng tràn ngập những lời lăng mạ của ông chủ và sự ném khó chịu từ khách hàng, chúng ta, những nhân viên văn phòng vẫn sẽ thuyết phục bản thân bằng câu nói "ở dưới mái hiên, làm sao có thể không cúi đầu".
Scott, giáo sư xã hội học tại Đại học Yale, đã từng quan sát thấy rằng các công nhân trong dây chuyền lắp ráp của nhà máy sẽ "lẻn đi", "tìm một góc để chợp mắt", "chơi khúc côn cầu" và "đọc sách", chống lại sự nhàm chán của nhà máy và khẳng định quyền tự làm chủ của mình.
Ông coi những cuộc "đào ngũ" này là sự theo đuổi quyền tự chủ và phẩm giá của mọi người, nó là mong muốn sâu bên trong của mỗi người. Ông cũng quan sát thấy rằng những công nhân đó thường có ước mơ thoát khỏi nhà máy, đi mở nhà hàng hoặc làm trang trại, bởi dẫu sao thì "Con người sinh ra không phải để ở trong một căn phòng nhỏ, ngồi trước màn hình máy tính hết ngày này qua ngày khác…", vậy nhưng, biết bao người dám biến nó thành sự thật, hay chỉ tự nhủ rằng bản thân rất đồng tình với câu nói đó, để rồi sau đó, khi trời rạng sáng, lại đành phải vứt nó sang một bên…