23 tuổi ra đảo Phú Quý xây homestay với 200 triệu và những “kiếp nạn" lần đầu khởi nghiệp

Nguyễn Quỳnh Trang,
Chia sẻ

Bỏ phố ra đảo lập nghiệp khi còn trẻ buộc bạn phải đương đầu với nhiều thử thách hơn.

Sáng sớm ngồi cafe hóng gió biển, chiều đến xách con xe cub ra chạy bon bon dọc bờ kè ngắm hoàng hôn. Tự do tự tại làm điều mình thích, gặp người mình muốn và lập nghiệp lần đầu tiên. Đó là cuộc sống của cô gái 23 tuổi - Phạm Nguyễn Thanh Ngân (TPHCM) đã nỗ lực giành lấy. 

Gặp không ít khó khăn từ định kiến của mọi người, cộng thêm khả năng tài chính chưa đủ nên quá trình để Thanh Ngân bỏ phố ra đảo cũng sóng gió chẳng kém những cơn bão Phú Quý là bao.

Hành trình bỏ phố ra đảo của Thanh Ngân.

 Tự do tự tại nhưng lại bị “đồn” là tự kỷ

Trước khi ra đảo Phú Quý, Thanh Ngân từng là một dân văn phòng điển hình: sáng đi tối về, làm đủ 9 tiếng. Nhưng vì tính cách yêu tự do, ghét sự gò bó, cộng thêm khoảng thời gian gặp rắc rối với nhiều mối quan hệ toxic (độc hại), Ngân chuyển qua làm sáng tạo nội dung và freelancer toàn thời gian. Đây cũng là thời điểm nguồn thu nhập được cải thiện nhờ làm việc với các nhãn hàng, giúp Ngân tích góp được số vốn nhỏ để bỏ phố ra đảo.

Thời điểm có ý định ra đảo sống, gia đình Ngân cũng bất ngờ, không hiểu sao con gái mình lại muốn ra nơi xa xôi đó để ở một mình. Không ít những lời bàn ra tán vào, nhìn Ngân với ánh mắt đầy sự hoài nghi “liệu bé này có đang bị tự kỷ không?”

Nhưng với Ngân, lựa chọn này hiểu đơn giản thì chỉ là trốn phố thị, ra đảo ở ẩn tìm lại cảm giác bình yên.

Với Ngân, lựa chọn bỏ phố ra đảo hiểu đơn giản thì chỉ là trốn phố thị, ra đảo ở ẩn tìm lại cảm giác bình yên.

Và quả thực, Ngân tìm được năng lượng tích cực nhờ gần gũi với thiên nhiên: Trốn đến nơi không có tiếng còi xe hay khói bụi, bớt đi những xô bồ vội vã; Được làm bạn với ngư dân hiền lành chất phác; Sáng dậy nghe tiếng chim hót, chiều mang kính lặn ra biển bơi vài vòng; Lâu lâu thì đi picnic cùng bạn bè, bắt ốc, đánh cá cùng dân đảo,... “Không còn nhộn nhịp như thành phố nhưng vui lắm. Đây là một trong những trải nghiệm đúng đắn của đời mình”.

Dĩ nhiên, những ngày tháng như thế rồi cũng sẽ đến lúc cảm thấy chán. Để không phí hoài nhiệt huyết của tuổi trẻ, Thanh Ngân chọn gom hết tiền đem ra đảo mở homestay. Một phần vì nhìn thấy tiềm năng ở đảo, khi chưa quá phát triển thì đây là lúc để những người trẻ như Ngân tận dụng cơ hội. Phần còn lại, Ngân muốn xây cho chính mình một góc nhỏ, để không cần lông bông khi từ đảo trở về.

Chi 200 triệu xây homestay và “kiếp nạn” khởi nghiệp

Ý tưởng có rồi, giờ đến bước thực hiện. Đây cũng là lúc Ngân gặp 7749 “kiếp nạn” khi lập nghiệp xây homestay ở hòn đảo chưa quá phát triển. 

Đầu tiên, là tiền đâu? Với một cô gái 23 tuổi làm việc tự do thì số tiền 200 triệu bỏ ra để xây homestay là một thử thách, chưa kể còn có chi phí phát sinh. Và cách Ngân giải quyết vấn đề này, là gom hết số tiền tích góp từ trước và vay mượn ba mẹ phần còn thiếu. Mất hơn nửa năm “cày” liên tục, sống tiết kiệm và nhận hỗ trợ từ ba mẹ, chiếc homestay đầu tiên đã ra đời.

Tiếp theo là tìm nhà và làm hợp đồng thuê. Ngân cho biết để tìm được căn nhà ưng ý rất khó, vì đa số những ngôi nhà xây ở Phú Quý đều có lối kiến trúc khá cũ. Nếu đập đi xây lại toàn bộ thì mất rất nhiều thời gian, ngốn thêm cả đống chi phí nữa. Vậy nên, cô bạn quyết tâm tìm bằng được một căn nhà ưng ý và thuê với giá 30 triệu/năm. 

Để có được giá “mềm” thế này, Ngân nhận về một căn nhà khá cũ và xuống cấp. Phần ký hợp đồng và xin giấy phép kinh doanh cũng đem lại nhiều rắc rối vì hộ khẩu một nơi khác nhưng kinh doanh một chỗ khác.

Đến hiện tại vẫn tiếp tục sửa nhưng trộm vía mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát. 

Ra đảo Phú Quý xây homestay với 200 triệu và “kiếp nạn" lần đầu khởi nghiệp - Ảnh 3.

Căn homestay nhỏ của Ngân.

Kế đến là chuyện sửa chữa căn nhà cũ. Tìm và thuê là một chuyện, nhưng làm cho căn nhà trở thành nơi khiến khách muốn thuê lại phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của chủ.

Làm một mình, Ngân chọn tự sơn lại để tiết kiệm chi phí, nhưng không nổi nên phải thuê thợ. Thêm nữa, dù có sơn chống thấm nước nhưng tường của homestay thi thoảng vẫn ẩm ướt vì mưa bão nhiều. Có tháng, cả căn homestay bị dột, mốc gương, hư giường, bếp điện, 20kg gạo dự trữ,... nói chung là tanh bành. Cả tháng không làm ăn được gì mà chỉ lo sửa chữa. 

Và còn những chuyện Ngân không ngờ tới vì chưa có kinh nghiệm khởi nghiệp. Nhưng cuối cùng, sau khoảng 3 tháng vật lộn với rủi ro, căn homestay cũng được hoàn thiện và mở cửa đón những vị khách đầu tiên. Đến hiện tại, homestay của Ngân đã hoạt động được 3 tháng.

“Nếu ở thành phố lớn cho bạn phát triển về trí tuệ, học thức và văn minh. Thì ở những nơi yên bình như Phú Quý sẽ cho bạn phát triển về mặt tâm hồn, sáng tạo và thẩm mỹ".

Khép lại câu chuyện của mình, Ngân cho biết một năm này là khoảng thời gian khiến cuộc sống của cô bạn thay đổi nhiều nhất. Từ tinh thần cho đến tiền bạc, và cả khả năng phát triển trong tương lai. Dù ở đảo, một nơi xa xôi và chưa có nhiều sự phát triển như phố thị, nhưng Ngân cho rằng ở đâu cũng sẽ học hỏi được. “Nếu ở thành phố lớn cho bạn phát triển về trí tuệ, học thức và văn minh. Thì ở những nơi yên bình như Phú Quý sẽ cho bạn phát triển về mặt tâm hồn, sáng tạo và thẩm mỹ. 

Vậy nên, chỉ cần biết tận dụng cơ hội và sống với đam mê, thì ở dù ở đâu cũng sẽ có chỗ riêng cho mình!”.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ