Hội chứng kiệt sức, chuyện người trong cuộc
Hội chứng kiệt sức là tình trạng thường thấy ở người lao động với cường độ, mức độ khác nhau. Với những người chịu được áp lực lớn, kiệt sức như một “dư vị” trạng thái mà họ chủ động đối mặt hằng ngày và có thể vượt qua. Tuy nhiên, với nhiều người trẻ, khi kìm nén và phớt lờ trạng thái này họ dễ rơi vào căn bệnh tâm lý như trầm cảm hay chọn cách giải thoát cực đoan.
Bài 1: Cháy sạch năng lượng
Nhiều lao động trẻ đang rơi vào trạng thái quá tải, nghi ngờ khả năng của bản thân, mất động lực làm việc, trì hoãn nhiệm vụ hoặc mất nhiều thời gian hơn bình thường để hoàn thành… Đó là những dấu hiệu của Hội chứng Burnout (kiệt sức, cháy sạch năng lượng) thường xảy ra phổ biến với giới văn phòng, các nghề nghiệp như giáo viên, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng hay dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Quá cầu toàn, ôm việc
Anh Huỳnh Huy Hoàng, 26 tuổi, hiện làm giảng viên ngoại ngữ tại Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM. Ngoài giờ đứng lớp, anh cần hoàn thành các nhiệm vụ khác như soạn giáo án, chấm bài, nghiên cứu khoa học, dạy thêm…và những việc đó ngốn mất nửa quỹ thời gian mỗi ngày.
Nam giảng viên trẻ cũng thường xuyên tham gia các buổi họp chuyên môn, workshop ngoài giờ (hình thức đào tạo tương tác) để nâng cao kiến thức chuyên môn. Vì vậy, một ngày của anh thường có tần suất làm việc, “vận động” đầu óc từ 14 -16 tiếng. Nếu nghỉ hay hủy bỏ nhiệm vụ nào, anh sẽ cảm thấy có lỗi với bản thân và không thể an tâm đi ngủ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội chứng Burnout là trạng thái kiệt quệ sức lực, cháy sạch năng lượng cả về thể chất và tinh thần do căng thẳng kéo dài mà không được kiểm soát tốt tại nơi làm việc. Trong khảo sát của Anphabe (một trong những đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm tại Việt Nam) với gần 60.000 người đi làm, tại hơn 500 công ty trong năm 2022, có tới 42% người đi làm trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên và dễ thúc đẩy xu hướng “nghỉ việc trong im lặng”.
Để duy trì được khối lượng công việc như trên, Hoàng thừa nhận, anh có khả năng chịu áp lực tốt, nhưng chưa hoàn toàn nhận ra vấn đề về sức khỏe tinh thần của bản thân. Chỉ khi nhận được lời khuyên từ đồng nghiệp về cách quản lý và thêm bớt khối lượng công việc, anh mới thực sự nhận ra, mình đã bị mắc Hội chứng Burnout từ trước đó.
“Tôi khó bỏ lỡ một nhiệm vụ vì lúc nào cũng nghĩ rằng việc đó là quan trọng. Đặc biệt, khi đã có nhiều nguyên tắc cố hữu bản thân tự đặt ra và sự cầu toàn quá mức trong công việc đã khiến tôi “lao” vào deadline, không ngại “ôm” việc về nhà”, Hoàng kể.
Có hôm, thất thểu về nhà lúc 19h tối, anh lại gắng gượng để tiếp tục đến lớp dạy thêm cho sinh viên. Khi thời gian dành cho bản thân ngày càng eo hẹp, Hoàng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng hơn, không có sức bền mỗi khi bắt đầu một nghiên cứu mới và dễ cáu gắt với mọi người xung quanh. “Trạng thái cháy sạch năng lượng kéo dài khiến tôi dần mất đi cảm hứng và sự yêu thích trong công việc”, Hoàng tâm sự.
Mặc dù đã nhận ra bản thân đang mắc phải hội chứng này, nhưng nam giảng viên vẫn chưa có cách nào tự “kéo” mình thoát khỏi trạng thái ấy. Anh cho rằng, bản thân chỉ có thể thích nghi và tự nâng cao thể lực tinh thần để tải hết khối lượng công việc, để đạt được thành tựu hay kỳ vọng đã đặt ra trước đó.
Vật vờ như xác sống
Bạn Phạm Hồng Hải (24 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã từng “dứt áo ra đi” hơn 5 công ty khác nhau, có nơi làm được 3 ngày đến 1 tuần, lâu nhất là trụ được 6 tháng. Hải hiện làm sale cho một công ty và được giao chỉ tiêu tiếp cận 10 khách hàng mỗi ngày để tư vấn, chăm sóc, thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của công ty.
Mỗi ngày đi làm, Hải thấy “nghẹt thở”, bí bách, phần vì không nhận được sự hỗ trợ, cảm thông từ cấp trên nên càng chán chường và thụ động hơn. “Làm sale, đôi khi tôi không thể lường trước được những tình huống, trường hợp khách hàng khó tính, khó chiều nên thi thoảng bị vạ miệng, dễ cáu giận. Tôi kỳ vọng về sự hỗ trợ, chia sẻ của cấp trên về kinh nghiệm xử lý tình huống nhưng chỉ nhận lại một dấu tích vào ô chưa hoàn thành chỉ tiêu, không thưởng”, Hải kể.
Điều này khiến Hải luôn hoài nghi về khả năng của bản thân và dần cô không thể hiện sự nỗ lực của mình nữa, chỉ gắng hoàn thành chỉ tiêu được giao, giảm sự quan tâm, cam kết, trách nhiệm với công việc.
Ngoài ra, cô cũng bị gọi tên, điểm mặt trong những nhiệm vụ không tên để làm hài lòng đồng nghiệp, trong khi công việc chính vẫn phải hoàn thành đúng tiến độ. Cộng dồn những áp lực về sếp, đồng nghiệp, lương thưởng, Hải luôn tự nghĩ bản thân thấp kém, mỗi ngày đến văn phòng đều vật vờ như xác sống, không thoát ra được khỏi những suy nghĩ tiêu cực quẩn quanh.
“Tôi cảm nhận, mình đã bị mắc kẹt trong hội chứng này cách đây 2 năm, vấn đề chính bắt nguồn từ bản thân. Năng lượng luôn âm, không đủ vững vàng, có quá nhiều vấn đề, quá nhiều vết sẹo không dám đối diện và giải quyết nên làm ở đâu cũng thấy kiệt sức, dễ bị tổn thương và không tìm được môi trường công sở nào hoàn hảo theo lý tưởng của mình”, Hải nói.
Vì đâu làm việc “cầm chừng”?
Lý giải tình trạng làm việc vật vờ như xác sống, kiệt sức của một số nhân viên văn phòng, TS. Bùi Nguyệt Quỳnh - Phó Giám đốc vận hành Cty TNHH Gami Lab cho rằng, vấn đề nằm ở cả hai phía công ty và nhân sự.
Về phía nhân sự trẻ, TS. Quỳnh cho rằng, một số bạn chưa được chuẩn bị tinh thần đi làm. Xã hội phát triển nên môi trường làm việc hiện nay được giới trẻ kỳ vọng đầy đủ trang thiết bị, có sự hướng dẫn đầy đủ từ đồng nghiệp, người quản lý và môi trường truyền cảm hứng cho nhân viên.
Tuy nhiên, không phải môi trường nào cũng đạt được kỳ vọng này. Hơn nữa, xã hội phát triển cũng đòi hỏi các nhân sự trẻ phải làm việc chuyên nghiệp, chủ động hơn, trình độ làm việc cao và phức tạp hơn, do đó, có một sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế. Khi đó, nhân viên dễ bị choáng ngợp bởi công việc, môi trường làm việc chuyên nghiệp và cường độ cao.
Nhiều công ty gặp khó khăn khi kết nối các thế hệ tại nơi công sở, việc xây dựng cách thức giao tiếp lành mạnh, tạo động lực, sự tương tác giữa các cấp với nhau, từ lãnh đạo, quản lý, và các nhân viên đồng cấp, cùng phòng ban và khác phòng ban cũng đang là một định hướng “dài hơi” đã, đang nỗ lực thực hiện.
Theo chị Quỳnh, khi thiếu giao tiếp chuyên nghiệp trong công việc và cuộc sống, nhiều nhân sự, không chỉ giới trẻ mà cả các thế hệ khác đều cảm thấy mình khó hòa nhập vào môi trường làm việc.
“Khi có vấn đề trong công việc, các nhân sự gặp khó khăn, rơi vào bế tắc và không tìm được cách giải quyết, dẫn đến kiệt sức”, chị Quỳnh phân tích và cho rằng, nhân sự cũng nên chấp nhận sai sót và sẵn sàng chịu trách nhiệm, thay đổi để tốt hơn.
(Còn nữa)