"Bó tay" với mẹ chồng
Lúc này, chị mới vỡ lẽ ra một điều: đừng bao giờ nuôi hy vọng thay đổi được mẹ chồng.
Cách mạng thay đổi mẹ chồng
Trước khi đến với Anh Tú (29 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), Ngọc Linh đã biết "chất" mẹ chồng chuyên "vác tù và hàng tổng" nhưng chị vẫn rất tự tin với Tú: “Chỉ cần em hết lòng chăm sóc, ngọt nhẹ với mẹ thì thể nào mẹ cũng xuôi”.
Linh xuất thân trong một gia đình khá giả được bố mẹ chiều từ nhỏ nhưng chị khá hiền và chịu khó. Chị và Tú yêu nhau từ thời học đại học. Nhà hai người cũng gần nhau.
Linh khá ngây thơ và tự tin khi nghĩ sẽ khiến mẹ chồng “lung lay” nhưng khi cưới rồi, chị mới chán toàn tập.
Mẹ chồng chị là người rất ham họp hành phố phường, dù mưa nắng bão lũ, bà vẫn xách ô đi “bôn ba” khắp nơi. Bà sớm tối đi vận động tranh chức này nọ với mấy bác hưu trí.
Sáng trưa chiều tối, bà “lặn mất tăm” ở ngoài phường khi thì tổ chức cho mấy bác già đi thăm quan khi thì tổ chức Trung Thu cho bọn trẻ con trong xóm.
Khi bố chồng và chồng chê trách bà chẳng quan tâm tới gia đình, Linh lại bênh mẹ: “Thôi mẹ về hưu rồi tham gia mấy cái đó cho vui. Sau này có cháu, thể nào mẹ cũng ‘nhất cháu’ thôi”.
Chị cứ ngỡ rằng, mình nhẹ nhàng, ngọt nhẹ sẽ khiến mẹ chồng thay đổi (Ảnh minh họa)
Linh sai hoàn toàn. Đến khi cả nhà sung sướng đón 2 thành viên sinh đôi chào đời thì bà mẹ chồng chị vẫn tối ngày "vi vu" với các công tác ở ngoài phường xã.
Chị nhớ lại: “Lần đầu tiên giận mẹ đó là lần mình trở dạ. Chồng thì đi công tác xa, bố chồng thì về quê, nhà có hai mẹ con. Mình nhờ thì mẹ lại nhờ bác hàng xóm sang giúp 'để mẹ còn đi họp'. Bác hàng xóm lại ngãng tai, mình nói gì bác cũng phải hỏi đến câu thứ 10. May sao, lần đó mình vẫn ‘lết’ được tới bệnh viện một mình và sinh con thành công. Nằm trong viện chỉ có nhà ngoại và chồng đến. Mẹ chồng tuyệt nhiên vẫn đi họp hăng say”.
Linh hiền lành, chịu khó bao nhiêu nhưng đến khi sinh con, chị khó chịu với sự vô ý của mẹ chồng bấy nhiêu.
Bố mẹ chồng thống nhất là không thuê người giúp việc và mẹ chồng sẽ là người giúp con dâu từ A – Z thế nhưng bà chưa giúp nổi cái gì.
Một ngày bà lên phòng chăm cháu được vài phút thì bà viện đủ lý do thoái thác; lúc thì: “Con chờ tí mẹ chạy ra chợ mua đồ gì ngon ngon cho con tẩm bổ”, khi thì: “Ngay đầu ngõ có tiệm tạp hóa bán cái mũ trẻ con yêu lắm, mẹ ghé qua đó chút”. Một chút của mẹ kéo dài cả ngày.
Chị biết, bà nói thế thôi chứ bà lại túi bụi với sự nghiệp công cán của mình. Chồng chị biết, mắng bà thì bà bảo: “Các con làm sao hiểu được, trách nhiệm của mẹ với các phường này vô cùng lớn. Không ai làm được như mẹ”.
Anh chị quyết thuê người giúp việc cho đỡ khổ. Từ khi có cô Yến - người giúp, chị nhàn hẳn đi, chị vẫn có thể tung tẩy ra ngoài mua sắm đồ cho con mà không lo lắng các con ở nhà.
Nhưng rồi, tình cờ chị phát hiện cô giúp việc và bố chồng rất hay tâm sự riêng, Linh sợ có điều chẳng lành, chị đành cho cô Yến nghỉ việc. Bố chồng hiểu ý, tâm sự với con dâu: “Chuyện chưa có gì mà con. Có lẽ do mẹ con họp hành nhiều quá, quên cả gia đình này rồi”...
Linh hiểu, cô Yến tuy xuất hiện không lâu trong gia đình nhưng dường như điều gì trong nhà cô cũng biết. Cô nấu nướng ngon, chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa tốt, đến chị còn quý chứ huống hồ bố chồng.
Vậy là mọi việc lại đến tay Linh. Chị quyết định đưa các con về nhà ngoại để tiện chăm sóc. Phải sau khi chị đi khỏi nhà 2 tuần, mẹ chồng mới sực hỏi: “Ơ, mẹ con con Linh đi đâu hay sao vậy ông? Nhà cửa yên ắng quá”.
Bố chồng thở dài nói: “Bà bận trăm công nghìn việc, bọn trẻ nói chuyện đó từ lâu rồi chắc bà không để tâm”.
Mẹ chồng ky bo
Nhiều nàng dâu thời nay khi bước chân về nhà chồng thường mang theo hy vọng “làm một cuộc cách mạng” nhằm thay đổi những thói quen “xấu” của mẹ chồng... Hương cũng nằm trong số đó.
Khi bước chân về làm dâu, Hương (26 tuổi, Hoàn Kiếm) tự hào lắm vì nhà chồng khá giả và rất có học.
Lại được thể, ngày ngày, bố mẹ chồng khoe trước đi Mỹ, đi Nhật công tác suốt, văn minh phải biết. Rồi có lần cả nhà đang ngồi nói chuyện, tivi có trình bày về vấn đề vàng tăng.
Hương buột miệng: “Con chưa nhìn thấy 1 lượng vàng thế nào, chắc hẳn nó to lắm nhỉ”. Mẹ chồng hớt hải chạy lên phòng mang xuống 1 gói vàng. Mẹ bảo: “Đây là 10 lượng này con”.
Chị nhận xét: “Nặng thật mẹ ạ”. Bà mẹ chồng ra điều hãnh diện lắm.
Thời gian vừa cưới, chị bận một dự án của công ty phải làm việc tối ngày. Chồng chị thường chờ đón rồi hai vợ chồng cùng ăn ở ngoài. Sau 2 tháng kết thúc dự án, chị bắt đầu “hòa nhập” cùng bữa ăn tối với gia đình nhà chồng.
Chị giật mình khi mâm cơm có đĩa lạc rang với canh rau muống chua. Trước ánh mắt ngạc nhiên của con dâu, mẹ chồng bảo: “Ăn thế này mới khỏe con ạ. Thịt gì bây giờ chẳng độc hại. Nhật bảo rồi, lạc tốt nhất”.
Hôm sau cũng vậy, nhưng bữa cơm được cải thiện thêm món đậu phụ luộc.
Chị hỏi chồng: “Vợ chồng mình vẫn đóng góp đều đặn với các cụ đúng không anh?”. Anh bảo: “Ừ, em thích ăn gì thì anh sẽ mua thêm. Chứ phụ huynh nhà anh cũng thuộc diện tiết kiệm và toàn thích ăn những món đó thôi”.
Hôm sau đi làm về, chị chạy ra chợ mua thêm con vịt quay béo ú, vừa cho lên đĩa, chưa kịp mời, mẹ chồng đã "tay năm tay mười".
Nhìn bố mẹ ăn ngong miệng, chị cũng vui. Chị nghĩ thầm: “À, bố mẹ tiết kiệm đây mà”.
Thế là hàng ngày chị cứ mua thêm đồ về. Chị nghĩ: “Mình cứ chăm lo nhiều hơn rồi bố mẹ cũng sẽ thoáng ra ngay ấy mà”.
Thi thoảng mẹ đẻ chị làm cho nồi thịt kho tàu hoặc đĩa sườn xào chua ngọt cho con gái tẩm bổ. Vừa đem về chưa kịp ăn, nồi đã hết sạch. Hóa ra, các cháu bố mẹ đến chơi, mẹ chồng bỏ đồ ra và dỗ dành các cháu ăn hết.
Đến thế này, chị thấy mẹ chồng chị ky thật. Nhưng để nói ra thật là khó…
Hoang mang, Hương không biết mình nên làm gì bèn đi gặp chuyên gia tâm lý. Lúc này, chị mới vỡ lẽ ra một điều: đừng bao giờ nuôi hy vọng thay đổi mẹ chồng.
Sẽ chẳng bao giờ có chuyện bà mẹ chồng có thể thay đổi cách sống của mình chỉ vì một cô con dâu mới về.
Nhiều cô con dâu còn phải "chạy mất dép" vì mẹ chồng