Biết mình bị ung thư chỉ sau 1 tháng thấy dấu hiệu đầu tiên, việc làm của người phụ nữ này được khen ngợi
Câu chuyện của người phụ nữ 38 tuổi này là một bài học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần đi kiểm tra mọi thay đổi bất thường trên cơ thể ngay khi chúng xuất hiện.
Năm 2021, Charlotte Madden đến từ Lancashire nhận được chẩn đoán mà cô đã lo sợ từ lâu. Vào tháng 2 năm đó, cô được thông báo rằng mình bị ung thư ruột ở tuổi 38. Chẩn đoán được đưa ra chỉ một tháng sau khi cô phát hiện những dấu hiệu đầu tiên. Chia sẻ trên trang Express.co.uk, Charlotte cho biết: "Tôi biết có điều gì đó không ổn khi nhận thấy có máu trong phân. Tôi đã lo lắng đến mức phải đi kiểm tra. Tôi biết có rất nhiều lý do dẫn đến việc bị ra máu nhưng có điều gì đó trong tâm trí thôi thúc tôi phải đi kiểm tra một cách nhanh chóng".
Thực ra, Charlotte có lý do để lo lắng. Cô đã mất cha mẹ vì căn bệnh ung thư cách đây vài năm nên cô ấy nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm. "Điều này thôi thúc tôi đặt lịch hẹn với bác sĩ gia đình của mình", Charlotte nói. Kết quả chẩn đoán đúng là đã khiến Charlotte đau lòng. Cô nghĩ về những ngày sinh nhật sắp tới của các con mình, và tự hỏi không biết mình sẽ còn được gặp bao nhiêu người nữa.
Đừng bao giờ nghĩ mình còn quá trẻ nên không thể mắc bệnh ung thư
Rất may, Charlotte có vẻ như là đáp ứng tốt với điều trị. "Tôi đang khỏe dần lên, các hạch bạch huyết của tôi đều sạch nên tôi không cần hóa trị. Tôi đang được theo dõi thường xuyên và chờ đến lần nội soi tiếp theo", cô nói.
Trong thời gian chờ đợi lần kiểm tra tiếp theo, Carlotte cũng dành thời gian tập luyện cho cuộc thi marathon ở London để hỗ trợ bệnh nhân ung thư ruột ở Vương quốc Anh. Cô cũng muốn gửi thông điệp tới tất cả mọi người là "bất kì ai trong chúng ta đều nên đi kiểm tra nhanh chóng nếu phát hiện những biểu hiện bất thường của cơ thể. Chẩn đoán sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong điều trị và kết quả".
Charlotte nói thêm: "Hãy kiểm tra phân của bạn thường xuyên và nhớ rằng BẠN KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC COI LÀ CÒN QUÁ TRẺ NÊN KHÔNG THỂ MẮC BỆNH UNG THƯ!".
Việc làm của cô được khen ngợi trong cộng đồng y tế, lời khuyên của cô cũng được chia sẻ rộng rãi. Genevieve Edwards, Giám đốc điều hành tại tổ chức Ung thư tại Anh Bowel Cancer UK, cho biết: "Sau khi đọc câu chuyện của Charlotte, tôi thực sự khuyến khích mọi người nên kiểm tra phân của mình và nếu có gì đó thay đổi hoặc không ổn thì đừng chờ đợi – hãy liên hệ với bác sĩ".
"Ung thư ruột là loại ung thư phổ biến thứ tư ở Vương quốc Anh và là bệnh ung thư giết người thứ hai. Bệnh có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm. Các triệu chứng chính cần chú ý bao gồm chảy máu ở hậu môn, có máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện mà không giải thích được, sụt cân không rõ nguyên nhân, cực kỳ mệt mỏi mà không có lý do rõ ràng và đau hoặc có khối u ở bụng. Nếu bạn gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng trong số đó, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức", bà Edwards nói thêm.
Bệnh ung thư ruột không chỉ có tỷ lệ mắc và tử vong cao mà còn ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của Liên hiệp Anh và 19 nước châu Âu, từ 2005, số ca mắc ung thư đại trực tràng (ung thư ruột) ở độ tuổi 40-50 tăng 1,4% mỗi năm. Đến giai đoạn 2008-2016, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở độ tuổi 20-39 đã tăng 7,4% (tăng nhiều nhất là nhóm từ 20-29 tuổi), tỷ lệ ung thư trực tràng của cùng độ tuổi cũng tăng 1,8% mỗi năm từ năm 1990.
Ung thư đại trực tràng do nhiều nguyên nhân như chế độ sinh hoạt, môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Đặc biệt, những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư đại trực tràng. Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm các triệu chứng thường âm thầm, kín đáo nên rất khó phát hiện. Ung thư đại trực tràng, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.