Bí quyết vượt qua cảm giác uể oải khi trở lại làm việc sau Tết
Bạn có cảm thấy chán nản và mất động lực khi phải quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết? Hãy lắng nghe những lời khuyên từ các chuyên gia từ Đại học Monash để có thể nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc.
Sau kỳ nghỉ Tết sum vầy bên gia đình và bạn bè, không ít người cảm thấy khó khăn trong việc quay lại công việc. Sự thay đổi từ không khí lễ hội rộn ràng sang guồng quay công việc tất bật có thể khiến nhiều người cảm thấy thiếu động lực, thậm chí căng thẳng. Các chuyên gia từ Đại học Monash đã đưa ra những góc nhìn về tình trạng này, cùng giải pháp thiết thực giúp bạn dễ dàng thích nghi và tìm lại cảm hứng làm việc.
Vì sao chúng ta cảm thấy như vậy?
Giáo sư Herman Tse từ Trường Kinh doanh Monash lý giải rằng cảm giác uể oải sau kỳ nghỉ xuất phát từ ‘dư âm cảm xúc’- giống như khi tỉnh giấc khỏi một giấc mơ đẹp nhưng quá ngắn ngủi. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và không đồng nghĩa với việc mất động lực hay không hài lòng với công việc.
Giáo sư Herman Tse (Trường Kinh doanh Monash)
Giáo sư Tse cho biết: "Một trong những cách hiệu quả nhất để vượt qua tâm trạng chán nản khi trở lại làm việc là ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần. Những điều đơn giản như linh hoạt thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và tham gia các hoạt động phát triển bản thân có thể giúp nhân viên lấy lại động lực".
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của sự linh hoạt trong môi trường làm việc hiện đại. "Không có công thức chung cho tất cả. Các công ty, tổ chức thành công trong năm 2025 sẽ là những đơn vị biết cách kết hợp giữa hợp tác trực tiếp và sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống cá nhân cho đội ngũ nhân viên".
Bí quyết lấy lại năng lượng làm việc sau kỳ nghỉ
Tiến sĩ Zen Goh từ Trường Kinh doanh Monash nhận định những kỳ nghỉ dài đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo năng lượng. Theo Tiến sĩ Goh, quá trình này diễn ra qua hai cơ chế chính:
- Phục hồi thụ động: Thời gian nghỉ giúp cơ thể và tinh thần giải tỏa áp lực, tách khỏi công việc để thư giãn hoàn toàn.
- Phục hồi chủ động: Việc tham gia vào những hoạt động ý nghĩa như dành thời gian cho gia đình, theo đuổi sở thích cá nhân giúp nâng cao tinh thần và sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Goh cũng cảnh báo về hiện tượng ‘hiệu ứng phai mờ’, khi cảm giác thư giãn từ kỳ nghỉ có thể biến mất chỉ sau hai tuần trở lại làm việc. Từ góc nhìn chuyên gia, bà khuyến khích mọi người thực hiện những việc sau:
- Chia sẻ về dịp Tết với đồng nghiệp: Kể về những trải nghiệm đáng nhớ trong dịp nghỉ lễ giúp kéo dài niềm vui và tăng cường kết nối với các đồng nghiệp.
- Duy trì thói quen tốt: kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, thực hành các bài tập chánh niệm, duy trì giấc ngủ chất lượng và dành thời gian cho các sở thích cá nhân.
- Chuẩn bị tốt trước và sau kỳ nghỉ: Hoàn thành công việc trước khi nghỉ và phân bổ khối lượng công việc hợp lý sau khi trở lại nhằm giúp giảm căng thẳng, tạo điều kiện để bản thân tái hòa nhập công việc một cách nhẹ nhàng hơn.
- Hào hứng chờ đón kỳ nghỉ tiếp theo: Lên kế hoạch cho những chuyến đi hoặc hoạt động thư giãn trong tương lai gần để có thêm động lực và khiến tinh thần lạc quan hơn.
Làm chủ sự cân bằng
Việc trở lại làm việc sau Tết hay các kỳ nghỉ dài không nên mang đến cảm giác nặng nề. Bằng việc hiểu rằng cảm giác uể oải sau kỳ nghỉ là hoàn toàn tự nhiên, bạn nên chủ động áp dụng những chiến lược phù hợp để lấy lại phong độ và tinh thần làm việc. Những công ty, tổ chức ưu tiên tạo điều kiện cho môi trường làm việc linh hoạt và cân bằng sẽ không chỉ giúp nhân viên vượt qua giai đoạn này dễ dàng mà còn thúc đẩy động lực làm việc và tăng hiệu suất về lâu dài.