Dấu hiệu phân biệt cúm và cảm lạnh, 8 yếu tố làm cho bệnh cúm trầm trọng và giai đoạn vàng điều trị cúm mọi người không được bỏ qua
Nữ diễn viên Đài Loan Từ Hy Viên (Đại S) vừa qua đời ở tuổi 48 do biến chứng viêm phổi từ cúm, khiến dư luận bàng hoàng. Câu hỏi về sự nguy hiểm của bệnh cúm cũng được nhiều người đặt ra.
Bài viết này sẽ phân tích chi tiết về bệnh cúm, sự khác nhau giữa cúm và cảm lạnh thông thường, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả.
Cúm - Mối nguy hiểm tiềm ẩn thường bị đánh giá thấp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch cúm mùa hằng năm ước tính gây ra khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và 290.000 đến 650.000 ca tử vong liên quan đến bệnh hô hấp trên toàn cầu. Bác sĩ Lý Đồng Tăng, Trưởng khoa Truyền nhiễm tổng hợp, Bệnh viện Hữu An Bắc Kinh (Trung Quốc) trong một cuộc phỏng vấn với tờ Life Times cho biết: "Nhiều người vẫn coi nhẹ bệnh cúm, cho rằng nó tương tự như cảm lạnh thông thường. Sự việc đáng tiếc vừa qua một lần nữa cảnh báo về nguy cơ gây bệnh nặng, nguy kịch và tử vong do cúm gây ra".
Cúm không chỉ là cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường thường có các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi và sốt nhẹ. Cảm lạnh hiếm khi gây đau đầu, đau cơ hoặc các triệu chứng khó chịu toàn thân khác.
Ngược lại, cúm thường khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh. Người bệnh thường sốt cao (có thể lên đến 39-40 độ C), kèm theo đau họng, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi và chán ăn. Một số trường hợp còn có thể bị nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Các biến chứng cúm nguy hiểm như thế nào?
Mặc dù đa số trường hợp cúm sẽ tự khỏi nhưng một số bệnh nhân có thể gặp biến chứng nghiêm trọng, như Đại S đã bị viêm phổi sau khi mắc cúm và một số trường hợp khác có thể bị viêm cơ tim.
Giáo sư Joel Kahn, Khoa Tim mạch, Đại học Y khoa Wayne State (Mỹ) cho biết: "Virus cúm có thể trực tiếp gây tổn thương tế bào cơ tim. Sự nhiễm trùng kéo dài dẫn đến rối loạn chức năng và chuyển hóa của tế bào cơ tim, cuối cùng gây ra sự phân hủy, hoại tử tế bào cơ tim".
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy nhiễm cúm làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tính, đặc biệt là ở những người không mắc bệnh mạch vành. Khi nhiễm virus cúm, cơ thể sẽ phản ứng viêm mạnh mẽ, làm tăng nhu cầu chuyển hóa, dẫn đến mảng xơ vữa không ổn định hoặc vỡ ra, tăng tỷ lệ nhồi máu cơ tim.
Theo thông tin, Đại S từng nhiều lần nhập viện cấp cứu do động kinh tái phát. Mẹ của cô cũng tiết lộ cô mắc bệnh sa van hai lá. Những yếu tố này có thể đã làm tình trạng bệnh của cô trở nên nghiêm trọng hơn.
8 yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh cúm
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã phân tích dữ liệu của những bệnh nhân nhập viện do cúm từ năm 2010 đến 2023. Họ đã tổng kết được 8 yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm bệnh cúm. Đó là:
- Tuổi tác: Trẻ nhỏ và người già có khả năng chống lại nhiễm trùng kém hơn nên tỷ lệ nhập viện cao nhất.
- Chưa tiêm phòng cúm: Những người chưa được tiêm phòng cúm có nhiều khả năng phải nhập viện vì cúm hơn.
- Các bệnh về thần kinh: Trẻ bị rối loạn thần kinh như bại não, động kinh, giảm chú ý và rối loạn tăng động có thể không tự ho hoặc không thể lấy dịch ra khỏi đường hô hấp kịp thời. Điều này có thể làm trầm trọng thêm bệnh cúm hoặc gây viêm phổi.
- Các bệnh về phổi: Những người bị hen suyễn, viêm đường hô hấp mạn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể bị khó thở do cúm.
- Mang thai: Hệ thống miễn dịch bị ức chế trong thời kỳ mang thai, khiến việc chống nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn. Gần 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhập viện vì cúm đang mang thai.
- Thừa cân, béo phì: Béo phì ảnh hưởng đến hơi thở sâu - điều cần thiết để loại bỏ nhiễm trùng phổi. Béo phì cũng thường liên quan đến các bệnh chuyển hóa khác, chẳng hạn như tiểu đường và cúm có thể khiến lượng đường trong máu khó kiểm soát hơn.
- Bệnh tim: Khoảng một nửa số người trưởng thành nhập viện vì cúm bị bệnh tim. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cúm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ ở những người mắc bệnh tim mạch.
- Tăng huyết áp: Khoảng 75% bệnh nhân nhập viện trên 65 tuổi trong hai mùa cúm gần đây nhất ở Mỹ bị huyết áp cao, và bệnh cúm cũng có thể gây căng thẳng cho tim của họ.
Bác sĩ Vương Dật Quần, Phó Giám đốc Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Trường Canh trực thuộc Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) nhận định: "Đối với hầu hết người khỏe mạnh, cúm thường tự khỏi sau 3-5 ngày, các triệu chứng toàn thân cũng giảm dần. Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ cao có thể gặp biến chứng nghiêm trọng".
Một cuộc khảo sát cho thấy bệnh nhân mắc bệnh mãn tính nền có nguy cơ tử vong do cúm cao gấp 11,3 lần so với người cùng tuổi khỏe mạnh.
Đối phó với cúm một cách khoa học và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Các hướng dẫn khuyến cáo nên sử dụng thuốc kháng virus sớm (trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng), đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Nắm bắt thời điểm vàng điều trị cúm
48 giờ đầu tiên sau khi phát bệnh là thời điểm vàng để điều trị cúm. Lúc này, virus đang nhân lên mạnh mẽ, việc sử dụng sớm thuốc kháng virus (như Oseltamivir, Baloxavir marboxil) có thể cải thiện triệu chứng nhanh chóng và giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.
Ngoài thuốc kháng virus, có thể dùng thêm thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt khi sốt cao, thuốc giảm ho khi ho nhiều và thuốc cảm thông thường khi sổ mũi. Nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tự ý dùng thuốc có thể gây hại cho gan và thận.
Nghỉ ngơi tốt là chìa khóa
Nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng nhất khi bị cúm. Bên cạnh việc điều trị kịp thời, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, bổ sung dinh dưỡng và uống nhiều nước. Nếu người khỏe mạnh có triệu chứng cúm nhẹ, có thể theo dõi tại nhà trong 3 ngày, nếu không đỡ thì đi khám.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên đi khám ngay. Nếu xuất hiện các triệu chứng khó chịu về tim như đau ngực, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh kèm theo sốt và đau đầu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng lên, cần đi khám ngay lập tức.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cúm một cách hiệu quả?
Để phòng ngừa nhiễm cúm hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm cao điểm di chuyển mùa xuân và gia tăng các bệnh về đường hô hấp, cần thực hiện 5 biện pháp sau:
Tiêm vắc xin cúm hàng năm
Tiêm phòng cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa cúm và có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc cúm cùng các biến chứng nghiêm trọng.
Thông thường, nên đến bệnh viện cộng đồng để tiêm phòng cúm vào tháng 9 - tháng 11 hàng năm. Những người có nguy cơ cao phát triển cúm nặng có thể tiêm bất cứ lúc nào.
Đeo khẩu trang một cách khoa học
Nên đeo khẩu trang trong suốt quá trình khám bệnh, ở những nơi đông người hoặc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (ví dụ: máy bay, tàu hỏa, tàu điện ngầm...).
Nếu có thể, hãy cố gắng duy trì khoảng cách xã hội hơn một mét.
Thực hành vệ sinh tốt
Rửa tay thường xuyên và cố gắng tránh chạm vào mắt, mũi, miệng. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng và mũi bằng khăn giấy.
Tránh những nơi đông người
Vào mùa có tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cao, các nhóm có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ nên cố gắng tránh đi đến những nơi có môi trường kín và đông đúc. Khi thực sự cần đi, bạn nên đeo khẩu trang một cách khoa học để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Ngăn ngừa lây nhiễm chéo
Nếu một thành viên trong gia đình bị nhiễm trùng đường hô hấp, hãy cố gắng tránh tiếp xúc gần với các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là người già và trẻ em.