Bí quyết trồng cà chua thu hoạch mỏi tay không hết quả của bà mẹ đảm Đà Nẵng
Những ai làm vườn chắc chắn đều yêu thích trồng cà chua. Tuy nhiên không phải ai cũng vượt qua "thử thách" để gặt hái thành công. Bạn có thể tham khảo thêm cách trồng từ những người có nhiều kinh nghiệm để tự tin hơn khi bắt đầu.
Theo kinh nghiệm của chị Trúc Hòa, trồng cà chua điều quan trọng nhất chính là chọn giống. Chị thường chọn một vài giống điển hình bao gồm cà chua bạch tuộc, cà chua thường và cà chua bi.
Chị Trúc Hòa cho biết: "Nếu như ở miền Bắc, mùa cà chua thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 5 thì miền Trung và miền Nam do mưa bão nên trồng muộn hơn, từ tháng 11 đến tháng 5". Trong khu vườn sân thượng, chị Hòa ưu tiên trồng cà chua bạch tuộc vì không phải chăm sóc nhiều, thu hoạch được nhiều đợt trong năm. Đặc biệt là quả có hương vị thơm ngon.
Cà chua bạch tuộc thích hợp trồng khi thời tiết mát mẻ khoảng 25 độ trở xuống, cây ưa lạnh nhưng không thích mưa dầm, có nắng.
Sau khi chọn giống, chị Hòa chuẩn bị đất trồng và phân bón. Chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp cây phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh. Đất chị thường trộn: 50% đất thịt (Đất trồng nên luân canh tốt nhất là lấy đất vừa trồng rau để trồng cà chua), 30% chất tạo xốp thông thoáng (như tro trấu, bã đậu, bánh dầu, xơ dừa, đá trân châu), 20% phân (cà chua thích phân bò, trùn quế, phân cá, phân dơi, những phân có thành phần kali nhiều).
Khi trộn đất, chị Hòa thường cho thêm một ít vỏ trứng xay mịn bổ sung canxi giúp ra hoa, đậu quả. Theo kinh nghiệm của chị, cà chua thường không ưa những loại phân quá nhiều đạm như phân gà, phân dê... Sau khi chuẩn bị đủ các thành phần, chị trộn tất cả hỗn hợp đất, chất tạo xốp, phân, thêm một ít vôi và tưới đẫm, để khoảng 10 - 15 ngày. Trước khi trồng, chị trộn thêm nấm đối kháng Trichoderma, một nắm nhỏ NPK và một ít lân kích rễ, tạo sức bật cho cây phát triển tốt.
Quá trình ươm cây được chị Hòa thực hiện khá bài bản. Chị ngâm hạt trong nước 2 sôi 3 lạnh, để khoảng 3 - 4 tiếng và cho vào giấy ẩm, khoảng 2 - 4 ngày thì hạt nứt nanh rễ dài, chị tiếp tục cho ra bầu ươm. Khi cây lớn 15 - 20cm thì sang chậu lớn. Quá trình từ cây con đến khi cây chuẩn bị ra lứa hoa bói, chị chỉ tưới nước vì trong đất có đủ lượng dinh dưỡng cần cho cây. Khi cây bắt đầu ra hoa, chị bổ sung canxi tuần/lần. Bên cạnh đó, chị cũng đều đặn tưới phân bò, trùn quế, phân dơi xa gốc 1 tuần/lần; tưới dịch chuối, trứng, sữa (tự ủ) 1 lần. Lưu ý cần pha thật loãng, tỉ lệ 80 lít nước 1 lít hỗn hợp dịch chuối. Ngoài ra, chị còn rắc thêm vỏ trứng xay mịn bổ sung canxi tránh rụng hoa, nứt quả, thối quả.
Về tưới nước, chị Hòa lưu ý chỉ tưới khi mặt đất khô, nên chú ý giai đoạn ra hoa, đậu quả nuôi quả, cần lượng nước và phân nhiều hơn bình thường. Giai đoạn này có thể tưới ngày 2 lần. Đặc biệt, chị Hòa thường tưới nước buổi sáng, những ngày bận có thể tưới buổi chiều nhưng không để ướt lá. Trong giai đoạn ra hoa, đậu quả, nuôi quả, cần lượng nước và phân nhiều hơn bình thường. Giai đoạn này có thể tưới ngày 2 lần. Mỗi tuần chị đều hòa loãng Trichoderma hoặc imo để tưới gốc, đồng thời thường xuyên tỉa lá già lá bệnh cho gốc cây luôn được thông thoáng.
Không gian đẹp mát mắt với sắc màu thiên nhiên.
Sau hai năm đúc kết kinh nghiệm trồng cà chua, chị Hòa thấy loại cây này thường gặp một số bệnh như tuyến trùng rễ, bọ phấn chích hút, xoăn ngọn, nấm, thối thân, sương mai do thời tiết, héo xanh, bọ trĩ chích hút... Để phòng bệnh tuyến trùng, chị Hòa thường phơi đất 2 ngày trước khi trộn. Khi trồng, chị trồng xen cây hoa cúc vạn thọ, rễ của loài cúc này có rất nhiều kháng sinh có thể bảo vệ bộ rễ của cà chua.
Với bọ phấn, chị trồng xen cây sen cạn quanh chậu cà chua. Đối phó với xoăn ngọn, chị thường pha 1 lít nước ấm, 10ml thuốc lào ngâm rượu, 5 giọt nước rửa chén phun liên tục 3 ngày vào sáng sớm và chiều mát.
Để phòng nấm, chị ngâm nước vôi trong pha loãng phun lên hai mặt lá và cây vào buổi sáng sớm và chiều tối theo định kỳ tuần 1 lần. Bệnh héo xanh thường gặp lúc cây ra hoa và nuôi quả. Nguyên nhân thường gặp do thối rễ hoặc cây không đủ nước, dinh dưỡng nên kiệt sức, chết đột ngột.
Ngoài ra, khi cà chua bắt đầu chín, chị Hòa sẽ ngưng tưới phân. Với cà chua bạch tuộc, đây là loại cà chua cảnh nên khi quả chuyển sang màu đỏ, chị vẫn để trên cây rất lâu. Khi ấn tay vào thấy mềm mới bắt đầu thu hoạch.
Nguồn ảnh: NVCC