Mẹ Hà Nội chia sẻ bí quyết "vàng" trồng cây cà chua bạch tuộc trên sân thượng để quanh năm quả sai trĩu cành
Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Hương Trinh nếu bạn muốn sở hữu một giàn cà chua bạch tuộc đẹp "nao lòng".
Cà chua bạch tuộc là một giống cà chua leo giàn sai quả và ăn cũng rất ngon. Cà chua bạch tuộc có dạng quả to và quả bi. Những ai yêu vườn, mê vườn thì có thể tham khảo cách trồng của chị Hương Trinh chia sẻ dưới đây.
"Hai cây cà chua bạch tuộc mình trồng vào hai thùng xốp nhỏ kích thước 40x30cm, cao tầm 45 phân vậy mà sai quả khủng khiếp. Giống cà chua này khoẻ, tạo tán rất rộng nên dùng chậu càng to thì càng tốt, đất trộn lúc trồng cứ đủ dinh dưỡng thì cây sẽ phát triển khỏe và mập", chị Trinh chia sẻ.
Theo chị Trinh muốn cây cà chua bạch tuộc khỏe và sai quả cần đáp ứng đủ 6 điều quan trọng sau:
1. Đất
Đất phải sạch - không mầm bệnh, đủ dinh dưỡng nuôi cây. Thành phần đất gồm: 60% đất đã trồng vụ trước còn lại 40% gồm 1/2 bao phân bò, 1/2 phân trùn quế, 0,5kg vôi bột, 3 lạng phân lân, 1 ít trấu, 1kg vỏ trứng, 1 bát con phân gà viên, 1kg bột đậu tương.
Tất cả trộn đều rồi ủ trong 3 tuần, khi đất nguội thì trồng cây xuống. Trước khi trồng lót một lớp phân rác khô ở đáy chậu để khi cây lớn sẽ đủ dinh dưỡng nuôi quả.
2. Nắng
Nên trồng cây chỗ nắng cả ngày vì cây cà chua thiếu nắng sẽ khó đậu quả.
Là dòng họ leo nên cây có thể phát triển trên giàn rất khỏe.
3. Giống cà chua
Chọn cây ươm khỏe mập, cây giống khi ươm khỏe thì trồng phát triển tốt và rất nhanh. Cố gắng chọn cây không bị bệnh, để ý cây thường xuyên nếu có biểu hiện sâu bệnh là xử lý ngay. Tránh để bị nặng thì khó chữa dẫn đến ảnh hưởng việc phát triển và ra hoa đậu trái.
4. Cách chăm sóc, bón phân
Loại cà chua này không hợp phân gà vì quá nhiều đạm nên giai đoạn cây con cần bón ít để tránh bị sun lá. Loại phân nên bón là trùn quế, phân bò. Còn khi ra hoa đậu quả hãy bón phân gà vì giai đoạn này quả nhiều và cần lượng đạm và canxi lớn để nuôi.
Không nên tưới nước nhiều quá, tưới đủ ẩm. Kiểm tra bằng cách nếu thấy mặt đất khô hãy tưới còn đất vẫn ẩm thì không cần tưới. Nên tưới buổi sáng hoặc chiều mát và không tưới buổi tối. Cà chua bạch tuộc cần lượng canxi lớn để nuôi quả nên cần bón thêm vỏ trứng, vỏ tôm, cua.
Nên bón trùn quế, phân bò. Còn khi ra hoa đậu quả hãy bón phân gà vì giai đoạn này quả nhiều và cần lượng đạm và canxi lớn để nuôi.
Khi cây đậu trái thì tưới nước phân rác pha loãng với một ít phân trùn hoặc ít tro bếp để cung cấp dinh dưỡng nuôi quả. Cứ 1 tuần tưới phân cá, phân gà hoặc phân đậu tương 1 lần, cứ 15-20 ngày bón phân bổ sung xa gốc một lần.
Ngoài ra, không nên tỉa lá cà chua khi chưa đậu quả, chỉ tỉa lá già, bị bệnh để thích hợp cho việc quang hợp của cây. Khi cây đậu quả nhiều và lá xum xuê quá thì mới tỉa bớt cho thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
5. Tạo tán
Tạo tán bằng cách nuôi một thân chính và chọn một nhánh khỏe ngay chùm hoa đầu tiên. Các nhánh và hoa còn lại ngắt hết đi để dưỡng cây lên giàn cho nhanh, cứ ra hoa là ngắt. Khi cây bò tới giàn thì nó bắt đầu phân các nhánh con chúng ta không ngắt nhánh mà chỉ ngắt hết hoa để khi tán rộng theo ý rồi bắt đầu để hoa đồng loạt lúc đấy giàn rất nhiều nhánh con, ra rất nhiều hoa.
Thời gian lên giàn tạo tán mất khoảng 1,5-2 tháng tùy theo giàn cao hay thấp và theo tán to hay nhỏ. Giàn cao 1,5-1,8m là vừa nếu giàn cao quá thì cây bò hơi lâu.
Thời gian lên giàn tạo tán mất khoảng 1,5-2 tháng tùy theo giàn cao hay thấp và theo tán to hay nhỏ.
Trong thời gian cây leo giàn cần kiên nhẫn đừng sốt ruột thì mới có giàn cà chua bạch tuộc đẹp. "Trước mình trồng bị hơi sớm, ra hoa rụng nhiều nên sốt ruột. Sau đó mới phát hiện khi nó ra hoa rồi thì quả nhiều hơn lá. Chỉ cần nhớ chăm sóc tốt cho cây và phòng bệnh".
6. Thu hoạch
Khi thu hoạch quả xong thì cần tỉa cành già, lá già sau đó bón thêm phân. Cây sẽ lại ra nhánh và ra hoa tiếp, quả đợt hai sẽ không nhiều bằng đợt đầu.
Chị Hương Trinh mỗi lần thu hoạch được vài rổ là chuyện bình thường.
Ảnh: NVCC