Bí quyết thành công trong giao tiếp của nghệ sĩ Nhật: Sử dụng nụ cười làm "vũ khí"!
Nếu thuộc lòng hết các nguyên tắc của nghệ sĩ Nhật, tin chắc rằng trong tương lai gần bạn sẽ trở thành một người sử dụng nụ cười chuyên nghiệp, luôn thành công trong các cuộc giao tiếp.
Môi trường công sở lắm thị phi, nhiều ồn ào và lúc nào cũng gây áp lực, chính vì lẽ đó khó tránh khỏi mỗi nhân viên văn phòng lắm lúc trở nên khó chịu cáu gắt. Sáng vào công ty mặt đã cau có, trưa họp với sếp cũng chẳng hào hứng gì, đến chiều gặp khách hàng đối tác, tâm trạng lại càng âm trì hơn.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, nếu mỗi ngày đều là một ngày u ám như thế, dân văn phòng chẳng những không thể giải quyết được gì, mà còn vô tình làm rạn nứt nhiều mối quan hệ quý giá. Hậu quả là sẽ bị xa lánh, bị tẩy chay thậm chí con đường thăng tiến cũng đứt đoạn.
Để giúp dân văn phòng có thể tránh gặp phải hậu quả đáng tiếc như trên, cũng như là cứu vãn những tình huống xấu trong các cuộc giao tiếp thường ngày trong và ngoài công sở, mới đây, một nghệ sĩ hài Nhật Bản có tên là Nakakita đã chỉ ra một bí quyết cực kỳ đơn giản. Đó chính là sử dụng nụ cười.
Hãy cười hoặc thú vị theo cách riêng của bạn
Nakakita cho rằng, trong một cuộc giao tiếp có phần gượng gạo như cuộc gặp gỡ khách hàng hay lúc đang chán nản nhưng không muốn đồng nghiệp xung quanh bị lây năng lượng tiêu cực, nhoẻn miệng cười một phát hay thử kể một câu chuyện cười thì mọi thứ nhanh chóng sẽ được hóa giải.
Nụ cười thật sự là vũ khí lợi hại giúp mọi người mở lòng với nhau hơn và hào hứng hơn để cùng ngồi xuống nói chuyện về công việc, trao đổi về các dự án trong tương lại cũng như là tháo gỡ các khúc mắc mà bình thường khó nói ra.
Tuy nhiên, nếu là một người ít cười và không có khiếu hài hước để kể chuyện cười thì Nakakita khuyên rằng vẫn hãy cứ thú vị theo cách riêng của mình. Ví như với riêng ông, trên cương vị là một nghệ sĩ hài, ông có cách khiến cho đối phương phải cười mà chẳng cần kể chuyện hay cố chọc cười bằng những trò hài hước.
Cụ thể, ông tự thiết kế cho riêng mình một cái danh thiếp thật đặc biệt, nó to đùng như một cái máy tính bảng. Trong cuộc gặp ông chỉ cần đưa nó ra khi cả hai trao đổi thông tin liên lạc, đảm bảo đối phương sẽ bật cười trước độ "bá đạo" của nó. Nếu không bật cười ra mặt, đối phương cũng sẽ cười thầm trong bụng.
Và khi đối phương cười, không khí gượng gạo, căng thẳng của cuộc nói chuyện nhanh chóng tan biến đi. Thậm chí sau đó, đối phương vẫn sẽ nhớ tới Nakakita hoài vì ấn tượng không lẫn vào đâu được: "À à, anh ta là người có tấm danh thiếp to đùng đây mà".
Ranh giới giữa "hài hước" và "vô duyên" rất mong manh
Có một điểm lưu ý Nakakita hy vọng mọi người phải ghi nhớ dựa trên câu nói "vui thôi đừng vui quá" của người Việt: Ranh giới giữa hài hước và vô duyên mong manh như một sợi tóc, vì vậy cười thì cười, vui thì vui nhưng phải biết kiểm soát mình.
"Kiểm soát bản thân" - 4 từ mà đảm bảo mọi người cảm thấy quá dễ thực hiện, tuy nhiên, thông thường một người khi đã hòa vào cuộc vui sẽ bị quên mất điều này. Từ đó tự biến mình thành một kẻ vô duyên thượng thừa. Hết nói năng bỗ bã rồi lại lấy việc body shaming người khác làm niềm vui,...
Chưa kể, không khéo léo trong cách nói chuyện hài hước cũng sẽ khiến người đối diện cảm thấy phật lòng. Đơn cử như việc "tự thú" cho rằng mình béo trong khi đối phương lại béo hơn mình, hào hứng kể về cô bạn gái mới quen trong khi đối phương vừa chia tay,... Tóm lại phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói.
Ngoài ra, mỗi người cũng có một khái niệm về sự hài hước khác nhau. Bạn nhận định mình hài hước, chưa chắc người khác cũng nghĩ như vậy. Vậy nên, trong cuộc trò chuyện hay thảo luận, hãy tinh tế dò xét thái độ đối phương bằng nhiều cách khác nhau, trước khi tung ra các chiêu gây cười mà mình tâm đắc.
Nếu thuộc lòng hết các nguyên tắc được Nakakita hướng dẫn bên trên, tin chắc rằng trong tương lai gần bạn sẽ trở thành một người sử dụng nụ cười chuyên nghiệp, được lòng tất cả mọi người trong công ty và luôn luôn thành công trong các cuộc giao tiếp.