Bí quyết nấu chè khoai môn đơn giản, chuẩn vị Huế
Nhắc đến Huế nhất định phải nhắc đến các loại chè như bột lọc, xanh đánh, bắp... và trong đó, món chè khoai môn cũng được nhiều người ưa chuộng.
Nói đến ẩm thực Huế, ngoài những món ăn còn có tới mấy chục loại chè sang trọng, đài các có, bình dân có. Mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Người Huế khéo tay, ăn uống cầu kỳ, tinh tế nên chế biến được nhiều thứ chè lạ, ngon và bổ.
Món chè khoai môn được nhiều thực khách ưa thích vì màu sắc và hương vị. Chè được nấu từ khoai môn tím với nước cốt dừa và để nhỏ lửa đến khi vừa sánh là được, một số nơi biến tấu thêm các nguyên liệu như bột báng, trân châu, bột sắn…
Chè khoai môn ngon có sự kết hợp của vị bùi của khoai, vị thơm của bột, vị béo của nước cốt dừa tất cả cùng hòa quyện vào nhau rất hấp dẫn. Món này bạn có thể dùng chung với đá hoặc không cũng đều ngon, sẽ là món ăn vặt hấp dẫn trong mùa hè.
Khoai môn là nguyên liệu tạo nên nhiều món ăn hấp dẫn nhưng đồng thời nó còn chứa đựng nhiều giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Trong khoai môn có nhiều vitamin rất cần thiết cho cơ thể như vitamin C, E, B6. Ngoài vitamin, chất xơ… khoai môn còn chứa rất nhiều khoáng chất quan trọng cho sự điều hòa chức năng tim và huyết áp, tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các chất gây lão hóa da, tăng cường sức đề kháng.
Để làm món chè khoai môn, nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: khoai môn (500gr); bột báng (50gr); nước cốt dừa (150gr); bột sắn dây (2 thìa) và đường. Nên chọn những củ khoai tròn nhỏ là những củ khoai bùi, bở, những củ có thêm màu tím lại càng thơm ngon hơn.
Cách nấu
Bước 1: Bột báng rửa bằng nước sạch rồi ngâm trong nước lạnh từ 30 – 60 phút. Khoai môn gọt vỏ rửa sạch rồi cắt miếng vuông khoảng bằng 1 đốt ngón tay.
Bước 2: Bắc nồi nước lên bếp rồi cho khoai môn vào ngay, đun sôi thì vặn lửa vừa phải, đậy vung cho khoai chín mềm. Trong quá trình nấu nếu có bọt thì dùng muôi hớt hết đi, trong quá trình nấu hạn chế khuấy để miếng khoai không bị nát. Cho bột báng vào một nồi khác, luộc cùng nước lạnh. Khi sôi thì cho thêm nước lạnh vào nồi đun tiếp để bột báng chín đều mà không bị nát. Bột báng chín sẽ chuyển màu trong, khi chín vớt ngay ra bát tô nước đá lạnh để không bị dính. Khi khoai chín mềm thì nêm đường vào tuỳ khẩu vị, nên cho hơi ngọt một chút để khi cho thêm nước cốt dừa, bột báng vào là vừa miệng.
Bước 3: Bột sắn dây hoà tan với nước rồi rót từ từ vào nồi khoai, vừa rót vừa khuấy nhẹ tay để bột không bị vón cục. Cuối cùng thêm nước cốt dừa vào bột báng vào cùng và khuấy đều. Bắc bếp đợi chè nguội rồi múc ra bát thưởng thức. Khi ăn có thể cho thêm đá viên sẽ mát và ngon hơn rất nhiều.