Mâm cúng Tết Hàn thực có những gì?
Lễ vật dâng cúng ngày Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 âm lịch gồm những gì?
Theo truyền thống và tín ngưỡng văn hóa người Việt, trong ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch, mọi người thường ăn bánh trôi bánh chay. Tục ăn bánh trôi bánh chay đã có từ thời ông bà xưa, tựa như một dấu hiệu may mắn thuận theo cội nguồn dân tộc.
Bánh trôi tròn trịa, mịn đầy, tinh khiết thể hiện cho sự viên mãn, dồi dào. Khi ăn kèm với nước đường gừng cũng rất thơm vị. Bởi vậy, ăn bánh trôi vào ngày Tết Hàn thực vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất, vừa là cách chiêu cầu may mắn cho bản thân và gia đình. Theo quan niệm dân gian, mọi người chuẩn bị bánh trôi, bánh chay xếp vào đĩa, bát theo số lẻ, thường là ba hoặc 5.
Vậy ngoài bánh trôi bánh chay, mâm lễ vật dâng cúng lên tổ tiên còn cần những gì?
Mâm cúng Tết Hàn thực
Bánh trôi bánh chay
Bánh trôi, bánh chay là lễ vật đầu tiên không thể thiếu như đã nhắc ở trên. Nhiều người còn gọi Tết Hàn thực là Tết bánh trôi, bánh chay. Xưa kia, bánh trôi bánh chay truyền thống được làm từ bột gạo nếp, đường phên, vừng, đậu xanh. Những viên bánh trôi tròn trịa bọc lấy đường phên, ngoài rắc chút vừng trắng, bày đẹp đẽ trên đĩa.
Ngày nay, bánh trôi được biến tấu nhiều màu sắc hơn từ các nguyên liệu tạo màu tự nhiên. Chẳng hạn, khi nhồi bột, người ta thêm màu đỏ từ gấc, hồng từ củ dền, xanh từ hoa đậu biếc, vàng từ bột nghệ hoặc bột hạt dành dành,...
Ngoài bánh trôi truyền thống màu trắng, nhiều người còn sáng tạo thêm bánh trôi Ngũ sắc dựa theo năm màu sắc cơ bản của thuyết Ngũ hành (xanh lá - Mộc, đỏ - Hỏa, vàng - Thổ, trắng - Kim, xanh dương - Thủy).
Không chỉ dừng lại ở bánh trôi bánh chay dáng tròn trịa truyền thống, nhiều người cũng dâng cúng cả bánh trôi tạo hình hoa sen, hoa mẫu đơn và các biểu tượng may mắn.
Ngoài ra, để truyền cảm hứng cho con trẻ, bánh trôi nước còn được tạo thành các hình con thú ngộ nghĩnh, đáng yêu. Tuy nhiên loại bánh này chỉ dùng để thưởng thức mà không mang dâng cúng.
Dù bánh trôi nước được biến tấu nhiều hình dáng và màu sắc đa dạng nhưng trong mâm cúng lễ Tết Hàn thực vẫn không thể thiếu được đĩa bánh trôi, bánh chay màu trắng truyền thống.
Hoa tươi và trầu cau
Nhiều nơi ở nước ta không ăn Tết Hàn thực, và trên thực tế đây cũng là một ngày lễ nhỏ. Tuy vậy, trên mâm lễ cúng dù to dù nhỏ, dù chay dù mặn vẫn không thể thiếu được hoa tươi và trầu cau.
Các loại hoa tươi được chọn theo mùa, đậm chất dân gian, chẳng hạn như hoa bưởi, hoa cau hoặc các loại hoa thơm mát, không có gai bày trên bàn thờ. Bên cạnh đó, thêm đĩa bày ba hoặc năm lá trầu và cau theo số lẻ như vậy.
Mâm lễ Tết Hàn thực còn được kết hợp với nhau gồm bánh trôi bánh chay, hoa quả trông rất đẹp mắt. Ảnh: The Ann Hanoi, AN
Ngũ quả
Quả tươi được các gia đình chọn theo mùa hoặc điều kiện mỗi nhà, tuy nhiên mọi người thường chọn ngũ quả (không phải bày mâm ngũ quả), mà chọn những loại quả có nhiều màu sắc và mang ý nghĩa tốt lành. Chẳng hạn thanh long màu hồng với các cuống lá xanh mướt, hướng lên trên, phật thủ tươi căng, xòe như bàn tay, nho từng chùm lúc lỉu tượng trưng cho sự sung túc,...
Ngoài những lễ vật trên, mâm cúng có thể chuẩn bị thêm một ít tiền vàng (tùy thuộc vào từng gia đình), một ly nước sạch và 3 hoặc 5 chén trà nhỏ.
Ngày nay, cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có thời gian để làm bánh trôi, bánh chay. Thay vào đó, bạn có thể mua sẵn các gói bột hoặc bánh làm sẵn được bán rất nhiều trên đường phố, chợ dân sinh hoặc các tiệm online.
Những lễ vật dâng lên cúng tổ tiên đều có màu sắc tươi sáng, tròn trịa, dù lớn hay nhỏ, ít hay nhiều chỉ cần thành tâm, chu đáo là được. Tuy Tết Hàn thực không phải ngày lễ lớn, nhưng việc tưởng nhớ gia tiên, dâng lên lễ vật thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính và mong ước những điều tốt lành.