Bí mật nổi da gà đằng sau những ụ đất nổi như nấm mồ
Nhìn bề ngoài trông các ụ đất khổng lồ, cỏ mọc um tùm bên trên như những nấm mồ lạnh lẽo đến đáng sợ. Và bên trong nó chứa đựng những bí mật đến bất ngờ...
Rải rác trên những đám cỏ nước ở vùng sông Orinoco ở Nam Mỹ là hàng nghìn gò đất kỳ lạ được người dân địa phương gọi là “surales”. Những gò đất xuất hiện dày đặc, có thể cao đến 1,8m, rộng 4,8m. Những ụ đất được nhận biết lần đầu tiên từ những năm 1940 nhưng ít được quan tâm vì nghi ngờ là do con người đắp lên.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã quay trở lại khám phá những ụ đất kỳ lạ và phát hiện một điều rằng thực chất, "surlaes" do những con giun đất khổng lồ tạo lên. Loài giun đất này thuộc họ Andiorrhinus, lớn nhất trong khu vực. Con dài nhất có thể dài 1m. Loài giun này ăn chất hữu cơ trong đất và thải ra hỗn hợp đất, bùn, cát… Chất thải của giun chồng lên nhau tạo ra những ụ đất khổng lồ này.
Thông thường, giun đất có đường kính 1,5cm nhưng với giun Andiorrhinus, đường kính trung bình lên đến hơn 5cm, to hơn hẳn so với loài bình thường.
Sống trong những ụ đất ngập nước khiến loài Andiorrhinus có thói quen ăn uống khá độc đáo. Chúng ăn uống ở sâu bên trong ụ đất. Ngoài ra, chất thải của chúng luôn được để chính xác tại vị trí giúp ụ đất mở rộng kích thước hơn.
Nhiều thế hệ giun đất có thể chỉ sinh sống trong một gò đất duy nhất. Ngoài ra, giun đất chỉ kiếm ăn trong một khoảng cách rất hạn chế tính từ ụ đất nên chúng luôn tìm cách mở rộng phạm vi sống.
Các nhà khoa học cho rằng, việc đắp ụ đất không phải là một việc làm vô nghĩa. Giun đất dựng gò vì sự sống của chính mình. Hàng năm, lưu vực sông Orinoco đều có lũ lụt. Chính những ụ đất tạo điều kiện cho giun tránh lụt và có không gian sinh sống, hít thở. Ngoài ra, các sinh vật khác có thể lên ụ đất để trú ngụ, tăng thêm sức nén cho ụ đất thêm chắc chắn. Những ụ đất cũng đóng vai trò thay đổi độ ẩm của đất, ảnh hưởng đến sự phát triển các loài cây khác.
(Nguồn: Amusing Planet)