Bị mắng khi làm việc lương bèo cho người quen chỉ vì 1 lời hứa, nàng công sở đăng đàn thanh minh, dân mạng đồng loạt khuyên: Nghỉ!
Sau khi đăng đàn để giải thích cụ thể hơn những gì đã viết trong bài chia sẻ trước, nàng công sở được dân mạng đồng loạt khuyên nên nghỉ việc.
Cách đây chưa lâu, các thành viên trong một hội nhóm quy tụ đông đảo dân văn phòng trên mạng xã hội đã được dịp xôn xao với câu chuyện bi ai của một nàng công sở. Cụ thể, cô gái này chấp nhận làm một công việc ròng rã 2 năm với mức lương 4,2 triệu đồng và dự định sẽ tiếp tục kéo dài thêm 1,5 năm nữa chỉ vì một... lời hứa.
Điều đáng nói ở đây, theo như cô tâm sự chính là môi trường làm việc vô cùng căng thẳng, áp lực trong khi bản thân phải đảm nhiệm “bảy bảy bốn chín” trọng trách khác nhau, gần như là một mình cân tất. Đã thế sếp cũng là người quen thân của cô không những không thấu hiểu mà thường có động thái “giận cá chém thớt”.
Sau khi bài viết này được đăng tải, chủ nhân bài đăng không những không được dân mạng an ủi mà thay vào đó là hàng loạt sự trách móc. Đáp lại những lời mắng của cư dân mạng, vừa mới đây, cô gái này lại tiếp tục đăng tải thêm những dòng “tâm thư”, giải thích rõ hơn câu chuyện mình đã nêu ra lúc trước, nhằm giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn. Cụ thể, cô viết:
“Do mình chưa viết rõ nên nhiều bạn không hiểu lắm. Mình là nữ, sếp mình là nữ, mình hứa với sếp làm vì hồi mình đại học quen biết sếp. Sếp khi đó chưa mở công ty nên còn là cô cháu thân thiết.
Gia đình khi đó khó khăn, ba mình bệnh, sếp tạo điều kiện giúp mình không bị gián đoạn việc học. Sếp cũng chỉ giúp mình về mặt tinh thần chứ không giúp gì về vật chất cả. Chỉ là mối quan hệ sếp rộng nên đỡ lời này kia khi những chỗ làm thêm la mắng mình.
Sau này ra trường, sếp cũng giới thiệu mình đi làm mấy chỗ (nhưng mình không làm chỗ nào được vì ba mất, nhà có mẹ già không đi xa được, nên mình tự xin việc gần nhà). Do đó, mình rất biết ơn khi sếp chỉ là người xa lạ mà lại quan tâm không khinh gia đình mình nghèo.
Mình nhu nhược thật sự, bởi vậy trước đây đi làm cũng bị công ty quỵt lương mà không dám nói gì vì sợ, khi đó sếp cũng giúp mình đòi được tiền vì sếp cũng có biết quản lý của công ty đó.
Sau này sếp mở công ty, nói rằng giúp sếp mấy năm đầu, hứa hẹn như trong bài trước mình có nói rồi. Mình khi đó vì "lý tưởng" nên cũng hứa giúp sếp làm việc cho công ty sếp trong mấy năm đầu, nếu ổn định thì mình chọn đi hay ở cũng được, sếp cũng hứa về đãi ngộ.
Mình biết vụ lương, bảo hiểm sếp sai nhưng lại không dám kiện hay làm căng vì tình vì nghĩa. Mình là người trọng tình cảm, nên mình sợ mình làm căng sẽ ảnh hưởng mối quan hệ thân thiết bao năm, mình không rõ có đáng hay không đáng vậy nên càng lúc càng thấy bế tắc.
Sợ làm căng thì bị nói là ăn cháo đá bát, vì đồng tiền mà tính toán với người giúp mình trước đây. Sợ bị người ta đánh giá, vì thật ra các mối quan hệ mọi người xung quanh mình đều có liên quan tới sếp; sợ làm căng hay đòi hỏi (thứ vốn thuộc về mình) liền bị mọi người quay lưng, chỉ trích.
Bởi vậy ngay cả tâm sự với bạn bè cũng không dám nói cho ai, stress ngày càng stress, nhiều khi mình còn từng nghĩ tới tự sát vì có đợt mấy tháng trời 2-3 giờ sáng vẫn bị sếp gọi dậy vì có khách hàng đặt hàng từ nước ngoài.
Việc ban ngày thì ít (trông có vẻ ít vì ít khách nhưng hóa đơn các kiểu nhiều lắm) nhưng ban đêm thì nhiều vì khách hay trao đổi hoặc chăm sóc khách hàng trả lời email, zalo, điện thoại khi khách thắc mắc.
Nên thành ra 1 ngày mình làm hơn 20 tiếng lận, ban ngày nhìn thì rảnh kì thực toàn làm từ 6 giờ chiều đến 2-3 giờ sáng vì lệch múi giờ với khách. Vốn dĩ có thể có thêm nhân viên để chia ca, nhưng sếp tận dụng hết tất cả quỹ thời gian của mình. Muốn nghỉ nhưng lại sợ bị mọi người khinh ghét, mệt thật sự mệt lắm”.
Ngay sau khi bài chia sẻ, giải thích cặn kẽ vấn đề được đăng tải, những tâm sự của cô gái càng thu hút được sự chú ý của cư dân mạng nhiều hơn. Rất nhiều ý kiến khuyên “khổ chủ” nên nghỉ việc ngay trước khi quá muộn:
“Cảm thấy chướng quá thì nghỉ đi, còn một khi đã ở lại làm thì chấp nhận. Bởi đơn giản, bạn sẽ luôn thua khi đối đầu với sếp”.
“Nợ ân tình khó đong đếm được lắm nên nếu cảm thấy trả nợ xong thì nên tìm 1 nhân viên nào đó có khả năng rồi dứt áo ra đi”.
“Nghỉ việc đi bạn, đi làm 2 năm là dư tình nghĩa rồi. Tự tin lên, đừng có sợ bạn bè không chơi được thì cho bay màu thôi”.
Thông qua câu chuyện của cô gái, khoan nói đến việc cô nên làm gì tiếp theo, chị em công sở có thể dễ dàng rút ra cho bản thân mình hai bài học. Một là, đừng vội vàng đánh giá cách hành xử của một người nào đó chỉ qua một đôi dòng mô tả. Thay vào đó, hãy tìm hiểu vấn đề thật cặn kẽ (nếu được) để bản thân có cái nhìn toàn diện và rõ nét nhất. Hai là, dù gì thì gì, đừng để tình cảm và những ân tình trong cuộc sống riêng tư ảnh hưởng đến công việc. Vì nếu tình trạng đó xảy ra, chúng ta khó lòng đưa ra được những quyết định đúng đắn.