“Bí kíp” vượt qua trầm cảm sau sinh - sẵn sàng đối phó từ khi "hai vạch"

Trang Trần,
Chia sẻ

Bạn đang loay hoay một mình để vượt qua trầm cảm sau sinh? Hãy lắng nghe các "bí kíp" được các mẹ chia sẻ với nhau nhé!

Trầm cảm sau sinh là một trạng thái tinh thần tiêu cực mà hầu hết các bà mẹ phải trải qua khi đón nhận một thành viên mới trong gia đình. Các triệu chứng của căn bệnh này có muôn hình vạn trạng, mỗi người một kiểu, biểu hiện nhẹ thì tính khí thất thường, cảm thấy lo lắng, khó chịu, khó ngủ, nặng hơn thì người mẹ sẽ cảm thấy cảm giác tội lỗi, xấu hổ, khó liên kết với em bé, thậm chí cảm thấy “không còn tha thiết điều gì nữa”, trở nên chậm chạp, trì trệ, mất sinh lực, cảm giác cạn kiệt sức lực, đãng trí… Những người bị nặng hơn còn có ý tưởng tự sát và làm hại con.

Không chỉ là vấn đề tâm lý, cơ thể các bà mẹ bị trầm cảm cũng hứng chịu những triệu chứng tiêu cực như huyết áp cao, mạch nhanh, đau nhức cơ thể, chuột rút, rối loạn tiêu hóa, lãnh cảm sau sinh

Nếu không được điều trị đúng cách, trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả khó lường. Chưa nói đến chuyện xấu nhất: người mẹ có thể hại con và hại chính mình, trạng thái trầm cảm của người mẹ sẽ là bất lợi, bởi nó ngăn cản sự liên kết giữa mẹ và con, mẹ không đủ nhạy cảm để đối phó với các tình huống phát sinh của con hoặc con không được yêu thương, chăm sóc đúng cách. Với các thành viên khác trong gia đình, việc sản phụ gặp trầm cảm sau sinh có thể khiến rạn nứt tình cảm, mâu thuẫn gia đình, thậm chí tạo ra “cộng hưởng” các phản ứng tiêu cực trong tâm lý các thành viên khác.

vượt qua trầm cảm sau sinh
Người mẹ cần hỗ trợ để vượt qua trầm cảm sau sinh trước khi quá muộn.

Những người mẹ đã vượt qua trầm cảm sau sinh chia sẻ, những biểu hiện của căn bệnh này rất khác nhau ở mỗi người, mỗi hoàn cảnh sống. Người thì ghét con, không muốn ở gần con, sợ nghe tiếng con khóc, mệt mỏi đến mức chỉ muốn để người khác chăm sóc con giúp để… ngủ; người lại quá yêu con, không muốn ai ngoài mình động vào con, cáu giận với những người đến thăm hoặc ngỏ ý muốn bế ẵm, chăm sóc con giúp hoặc nghi ngờ người khác muốn hại con mình; người chỉ muốn tự cô lập, muốn người khác để cho mình yên, có cảm giác căm ghét chồng; người lại thèm được giao tiếp, thèm được xem tivi, các thú giải trí mà không muốn chăm sóc con… Tùy vào những biểu hiện cụ thể ở những người mẹ, hoàn cảnh gia đình, gợi ý cách vượt qua trạng thái tiêu cực này sẽ thay đổi linh hoạt theo. 

Những người từng trong cuộc đã chia sẻ những bí kíp vượt qua trầm cảm sau sinh mà bản thân họ đã áp dụng thành công, trước khi bệnh trở nặng đến mức phải gặp bác sĩ và điều trị bằng thuốc.

Sẵn sàng từ khi “hai vạch”

Không cần đợi đến khi sinh con, cuống cuồng với những vấn đề của trẻ nhỏ mới tìm hiểu các kiến thức về trẻ nhỏ, mà ngay từ khi biết tin “hai vạch”, bạn đã phải sẵn sàng tâm lý làm mẹ rồi!” – chị Đỗ Thu Trang chia sẻ. Từng bị trầm cảm sau khi sinh bé đầu, bối rối, thậm chí hoảng loạn vì những vấn đề nho nhỏ của con như bé bị nổi mụn sữa, ngủ ít, xì xoẹt liên tục, trớ sữa, khóc quấy về đêm… chị Trang kể lại, hồi đó, bất cứ biểu hiện nào “lạ” của con cũng khiến chị thót tim vì sợ, hết đưa con đi bác sĩ kiểm tra lại tìm các phương pháp dân gian như đốt vía, dán bùa phép… Bản thân chị thì lúc nào cũng căng như dây đàn, không dám ngủ vì sợ con gặp chuyện chẳng lành, chồng chị thì như bị “khủng bố” bởi những cuộc điện thoại, những màn khóc lóc của vợ thông báo: “Anh ơi, anh về nhà gấp, con bị…”.


vượt qua trầm cảm sau sinh
Cùng chồng tìm hiểu kiến thức nuôi con, chị em sẽ bớt lo âu khi sinh nở và chăm sóc bé.

Đến khi biết tin có em bé thứ hai, chị quyết tâm không để mình rơi vào tình trạng hoảng loạn như lần trước. Bên cạnh kinh nghiệm sẵn có qua việc chăm sóc bé đầu, chị “rủ rê” chồng tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc chăm sóc con, các biểu hiện bình thường và bất thường của trẻ sơ sinh, cùng chồng trò chuyện với thai nhi để tăng gắn kết, nghe nhạc không lời, nhạc cổ điển để giữ tâm trạng thoải mái. “Bầu bí là thời điểm “bình yên” nhất của các bà mẹ, nên các mẹ hãy tranh thủ thời gian này để tìm hiểu kiến thức từ các nguồn uy tín, hỏi thêm kinh nghiệm từ những bà mẹ khác để bước vào giai đoạn chăm con tự tin” – chị Trang khuyên.

Da tiếp da với con, cho con bú theo nhu cầu

Khoảng vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh có xu hướng lộn xộn giờ giấc, ăn ngủ tùy hứng, các giấc ngủ ngắn, còn mẹ vừa trải qua kỳ sinh nở đau đớn, cần nghỉ ngơi mà lại phải thức theo giấc của bé nên dễ mệt mỏi, cáu kỉnh. Một số em bé khóc lóc vô cớ, thức đêm nhiều cũng khiến các bà mẹ dễ stress. Một trong những lời khuyên được các mẹ truyền tai nhau nhiều nhất, đó là hãy cố ngủ cùng giấc với con, thay vì ngồi nhìn chòng chọc và lo lắng con có an toàn trong khi ngủ hay không, hãy chợp mắt. Chỉ cần 15 phút mỗi giấc cũng có thể khiến bạn lại sức và bớt căng thẳng.

Nhiều mẹ chia sẻ kinh nghiệm, để được ngủ ngon cùng con, bạn hãy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và cho con bú theo nhu cầu. Ngoài việc không cần đau đầu chọn sữa, không lo hàng giả, hàng kém chất lượng, không cần bật dậy đo nhiệt độ nước, rửa bình, pha sữa bột… khi con đói, bạn cũng có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, vì ngay việc ôm con, cho con bú đã là một sự thư giãn. Việc vắt sữa ra bình, đong đếm từng lượng sữa con ăn được cũng không cần thiết khi bạn còn đang nghỉ thai sản, và có thể làm tình trạng trầm cảm của bạn nặng hơn. Hãy tin vào bản năng của con, cho con bú mẹ trực tiếp những khi con cần, bạn sẽ vứt bỏ được gánh nặng tâm lý.

vượt qua trầm cảm sau sinh
Nuôi con bằng sữa mẹ và áp dụng phương pháp da tiếp da là một bí quyết vượt qua trầm cảm sau sinh được nhiều mẹ chia sẻ.

Một số người mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng khuyên, nếu bạn quá mệt mỏi, bị đau vết mổ hay vết rạch tầng sinh môn sau khi sinh, bạn không cần ngồi dậy mà có thể nằm cho con bú. Áp dụng phương pháp da tiếp da với con cũng khiến bé bú hiệu quả hơn, bé hết căng thẳng và mẹ cũng cảm thấy dễ chịu, từ đó, bạn có thể ngủ nhiều hơn và tình cảm mẹ con cũng gắn bó hơn.

Đừng quá kiêng khem, hãy ra ngoài hít thở khí trời

Một trong những điều khiến các sản phụ bị ức chế tâm lý, dẫn đến rối loạn cảm xúc là do sự kiêng khem thái quá trong sinh hoạt. Chế độ thức ăn phong phú, lành mạnh, không tự nhốt mình trong 4 bức tường, để phòng ốc thoáng đãng, cùng con tắm nắng, hít thở khí trời khi con ra tháng là “bí kíp” vượt qua trầm cảm của nhiều người mẹ.

vượt qua trầm cảm sau sinh
Tắm nắng cũng là một liệu pháp tự nhiên giúp người mẹ cân bằng cảm xúc.

Ngay từ khi có bầu, mình đã giao hẹn với mẹ chồng là sẽ không ăn uống theo kiểu lối mòn, kiêng cữ như các cụ ngày xưa … mà cần ăn uống đa dạng, chỉ cần nấu chín là được. Vậy mà vẫn bị nhồi thực đơn nghèo nàn như thế trong 1 tháng đầu, lại còn phải ăn một mình trong phòng kín, không chuyện trò với ai, không được xem tivi, không lên mạng… Mình cứ tưởng mình sắp bị điên, lúc nào cũng cáu bẳn, bực bội, ăn cơm như nhai rơm. Sau 1 tháng, mình nói thẳng với ông xã, yêu cầu mẹ chồng thay đổi cách chăm sóc và bế con ra sân tắm nắng mỗi sáng. Dần dần, mình thấy thoải mái tinh thần hơn hẳn” – mẹ Tôm Tít chia sẻ trên một diễn đàn.

Không tự cô lập mình
Nhiều phụ nữ mắc trầm càm sau sinh tránh tiếp xúc, trò chuyện với người khác mà chỉ muốn ở một mình, nhưng điều này sẽ chỉ khiến bạn mệt mỏi hơn. Không che giấu cảm xúc với những người thân yêu, nói chuyện và chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc những người bạn tin tưởng về những vấn đề tâm lý bạn đang đối mặt, bạn sẽ dễ trút bỏ chúng hơn, đó là điều gần như tất cả các bà mẹ đã trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý sau sinh nhắc đến.

Hãy hỏi bạn bè và gia đình về kinh nghiệm chăm sóc em bé, tham gia vào các nhóm có cùng sở thích, kết bạn với những bà mẹ khác là một trong những cách tuyệt vời để tránh sự cô lập liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh.

Không so sánh bé với bé khác, không so sánh mình với mẹ khác
Chuyện trò là tốt, nhưng đừng bao giờ so sánh bé với những bé khác, so sánh mình với những người mẹ khác. Học hỏi kinh nghiệm rất quan trọng, nhưng nếu so sánh, bạn chỉ thấy ức chế hơn và vướng vào những vấn đề mới. Bạn hãy tin rằng, bạm và con là một cặp đôi hoàn hảo và bạn luôn là người mẹ tốt nhất cho con của mình.

Dành nhiều thời gian cho bản thân
Ngay cả khi rất yêu bé và không tin tưởng giao bé cho ai trông giúp dù chỉ 1 phút, đôi lúc, bạn cũng nên tách bé một chút để tránh cảm thấy quá tải. Thay vì ở bên bé 24/24 và vật vã với những vấn đề ăn, ngủ, ị, tè của bé, hãy nhờ ai đó hỗ trợ và dành cho bản thân chút thời gian, giữ cơ thể sạch sẽ, nghe nhạc thư giãn, ra ngoài đi dạo, uống nước với bạn bè, bạn sẽ dễ vượt qua khủng hoảng trầm cảm sau sinh hơn.

vượt qua trầm cảm sau sinh
Bạn cần được gia đình hỗ trợ để vượt qua trầm cảm sau sinh, đừng cố trở thành người mẹ hoàn hảo khi bạn đang gặp rắc rối.

Afamily mở ra diễn đàn “Trầm cảm sau sinh – Đối diện và Vượt qua”với thông điệp “Lắng nghe – Chia sẻ và Thấu hiểu”. Đây sẽ là nơi các bà mẹ có thể cởi mở chia sẻ câu chuyện thật của mình khi đã trải qua hoặc đang nỗ lực tìm cách để vượt qua trầm cảm sau sinh.

Đó sẽ là những tiếng nói đầy thấu hiểu để giúp các bà mẹ khác đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp này, là những tiếng nói để những người xung quanh hiểu rằng, các bà mẹ cần được lắng nghe và chia sẻ một cách thực sự trong giai đoạn nhạy cảm này. Hi vọng rằng, diễn đàn sẽ nhận được sự chia sẻ của các bà mẹ, nhận được sự quan tâm của các ông bố và được nhiều người lan tỏa.

Những câu chuyện và trải nghiệm về việc đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh của các mẹ, xin được gửi về email mevabe@afamily.vn. Chân thành cảm ơn.



Chia sẻ