Bí ẩn các đại gia tộc do phái nữ làm chủ tại Việt Nam: Bà chủ Sơn Kim 70 tuổi vẫn thét ra “lửa” và 2 gia tộc còn lại có rể, lẫn con trai đều làm nghệ thuật
Khác với một số gia đình hào môn thường xuyên xuất hiện trên khắp các mặt báo, những thành viên “lãnh đạo” của các gia tộc sở hữu Sơn Kim Group, Vạn Thịnh Phát và Lý Quí Gia Tộc lại khá kín tiếng trước truyền thông.
Bà Nguyễn Thị Sơn - "Thái hoàng thái hậu" thét ra lửa, trên 70 tuổi vẫn có tầm ảnh hưởng đến mọi quyết định trong gia tộc Sơn Kim
Một điều chắc chắn trong giới doanh nhân kỳ cựu ngành dệt may ở Tp. HCM không thể không biết, người lãnh đạo thực sự của Sơn Kim là một "Lão bà" và đặc biệt hơn người phụ nữ này đã trên 70 tuổi - Bà Nguyễn Thị Sơn.
"Bà lão là người chịu khó đọc sách, chịu khó học hỏi, chịu khó nghiên cứu trong từng lĩnh vực có liên quan đến sự nghiệp. Bà lão có 25 năm quản lý kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, 24 năm làm Hiệu trưởng, Viện trưởng, đồng thời nghiên cứu giảng dạy về luật pháp quốc tế và quản trị kinh doanh. Bà lão là người không thích mê tín dị đoan, nhưng tin có sự nhân quả, ở hiền thì gặp lành. Vì thế bà lão luôn chọn cách sống an lành, vui vẻ với mọi người, một câu nhịn chín câu lành…", những dòng chia sẻ của "bà lão" - "thái hoàng thái hậu" nhà Sơn Kim trên trang cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Sơn xuất thân trong một gia đình có truyền thống về may mặc và đã từng là nhà quản lý doanh nghiệp may mặc quốc doanh Legamex, Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế và nhiều chức danh khác, nên Sơn Kim Group (tên cũ là Đại Thành) có thế mạnh rất lớn trong ngành dệt may, thời trang cao cấp và nắm trong tay nhiều dự án bất động sản nghìn tỷ ở vị trí đắc địa.
Tập đoàn Sơn Kim - Một trong những gia tộc kín tiếng bậc nhất Sài Gòn, cũng là một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực khởi nghiệp từ những năm 1950, đến thế hệ thứ ba của nhà Sơn Kim, hoạt động kinh doanh của công ty này được mở rộng sang bất động sản, bán lẻ, cho đến dược phẩm, nội thất….
"Thái hoàng thái hậu" nhà Sơn Kim mất chồng từ sớm, tuy nhiên bà đã là người lèo lái cả con đường sự nghiệp của bản thân và gia tộc vừa là cha, là mẹ, là người dẫn đường, người cố vấn cho các thế hệ kế tiếp của nhà Sơn Kim. Ở tuổi "thất thập" bà vẫn có sức ảnh hưởng nhất định ở những lĩnh vực khác nhau của tập đoàn, gồm bất động sản và kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng (Sơn Kim Land, Sơn Kim Retail & Sơn Kim Group - con trai thứ Nguyễn Hoàng Tuấn), dược phẩm (Nanogen-Bio - Con gái đầu Hồng Vân và chồng là Hồ Nhân), thiết kế nội thất (Duy Quân - con trai út Hoàng Lâm), trà - cà phê (Golden Mountain - con trai thứ ba Hoàng Anh), sản xuất hàng thời trang, bán hàng online, kênh truyền hình (GS.SHOP, VERA - con gái thứ tư Hồng Trang) và gần đây nhất là lĩnh vực giáo dục (SEAEDI - cháu trai Hoàng Việt).
"Mẹ tôi là người có quyền lực ngầm, chẳng qua là bà quá bận nên bây giờ ít dành thời gian cho con cái." - CEO Sơn Kim Fashion và GS25 Nguyễn Hồng Trang nói về mẹ mình.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - "Nội tướng" người xây dựng nền móng cho gia tộc ẩm thực thượng lưu Lý Quí
Sở hữu rất nhiều thương hiệu cafe nổi tiếng ở Tp. HCM như Ciao, Terrace, Ibox, Goody, Paris Deli, Fly Cupcake Garden, Maxim's Nam An, An, An Viên, Thanh Niên, Gloria Jean's … Gia tộc Lý Quí nổi danh là một tập đoàn ẩm thực, nghệ thuật gia đình và nhiều cơ ngơi ở Việt Nam. Dù nổi tiếng sau này với sự thành công của người con trưởng ông vua Phở 24 - Lý Quí Chung và người cháu trai - NTK "hoàng tử bé" Lý Quý Khánh. Nhưng ít người biết, chủ nhân thực sự, người đặt nền móng và xây dựng tiếng tăm cho thương hiệu "gia tộc ẩm thực, nghệ thuật hàng đầu" lại chính là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga.
Hình ảnh Bà Nga lúc trẻ và bây giờ.
Bà Quỳnh Nga là vợ của cố nhà báo Chánh Trinh, là một doanh nhân kỳ cựu và là chủ của nhà hàng Thanh Niên (một nhà hàng cơm Việt Nam lâu đời nhất Sài Gòn) tồn tại ngay trung tâm Quận 1 từ năm 1989. Suốt 33 năm qua, nơi đây vẫn luôn luôn là lựa chọn hàng đầu cho những bữa cơm gia đình của nhiều thế hệ người Sài Gòn.
Nhà thiết kế Lý Quí Khánh và bà nội - nữ doanh nhân kín tiếng Nguyễn Thị Quỳnh Nga
Nữ Doanh nhân Trương Mỹ Lan, người lãnh đạo Gia tộc BĐS Hoa Kiều Vạn Thịnh Phát
Đế chế kinh doanh của gia tộc sở hữu nhiều khối BĐS đắt giá nhất Sài Gòn, Trương Gia Tộc hiện tại nằm trong sự lớn mạnh của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – một công ty tư nhân quyền lực và cũng kín tiếng bậc nhất. Đây cũng là gia tộc nhà ngoại của người đẹp Trương Huệ Vân - vợ của nghệ sĩ Thanh Bùi, ông chủ học viện âm nhạc Soul Academy.
Hiện tại, Vạn Thịnh Phát được thành lập năm 1992, với tổng số vốn khủng cao hơn cả VinGroup, đồng thời nằm dưới sự "lãnh đạo" của nữ tỷ phú gốc Hoa Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT và bà Trương Mỹ Linh – Tổng GĐ. Ban đầu, công ty trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn, sau đó đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đến nay, Công ty đã lần lượt khai trương nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ – tất cả đều đạt tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cao.
Bà Mỹ Lan (còn có tên gọi khác là Trương Muội - 1959) nổi tiếng là người phụ nữ thép trên thương trường với nhiều chiến lược M&A và đầu tư táo bạo trong ngành ngân hàng (cổ đông lớn nhất của ngân hàng SCB) và thâu tóm nhiều khối BĐS khổng lồ tại Sài Gòn như Union Square (Vincom A trước đây), Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, tòa nhà Thuận Kiều và Sài Gòn Peninsula...
Tuy nhiên có một sự kiện ít ai biết đến đó là bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát từng vướng nhiều vấn đề pháp lý nổi trội có sự kiện thông tin mật trong vụ án Hồ sơ Panama (vụ án rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015) và sự kiện xin thôi quốc tịch Việt Nam của 9 thành viên trong Trương Gia Tộc.