Bệnh nhân đua nhau tố phòng khám Maria

Theo ANTĐ,
Chia sẻ

Nhiều bệnh nhân vì quá bức xúc với cách làm việc của phòng khám Maria đã lên tiếng kể lại những uất ức này…

Rất nhiều bệnh nhân đã từng rơi vào cảnh bị “vét sạch túi”, thậm chí phải “cắm” chứng minh nhân dân hay cầm đồ để đủ tiền thanh toán chi phí khi vào điều trị tại phòng khám Maria, bởi trước lúc bước chân vào họ không lường trước được phí lại cao đến vậy. Nhiều bệnh nhân vì quá bức xúc đã lên tiếng kể lại những uất ức này…  


 Chị L. (bên trái) kể lại việc bị phòng khám Maria thu phí cao, chẩn đoán nhầm 

 “Thu tiền nhanh chóng mặt” 

Lên mạng lập một  “topic” tại diễn đàn để bàn về các chiêu thu hút bệnh nhân và “vét túi” người bệnh của phòng khám Maria, chúng tôi nhanh chóng nhận được hàng chục phản hồi đầy bức xúc từ những người từng là “nạn nhân” của phòng khám này. Thậm chí, chị Hoàng L. (26 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì quá bức xúc trước cung cách làm việc, hình thức “móc túi” bệnh nhân của phòng khám nên đã liên hệ gặp trực tiếp chúng tôi để giãi bày.  

 Chị L. kể, 2 vợ chồng chị  đến phòng khám Maria để khám phụ khoa. Vào cửa, chị được hướng dẫn mua phiếu khám bệnh hết 30.000 đồng rồi được một nữ y tá đưa lên tầng trên để khám. Bác sĩ người Trung Quốc (có phiên dịch), sau khoảng 3 phút nghe chị trình bày về các triệu chứng bệnh, lập tức yêu cầu người phiên dịch đưa tờ giấy chỉ định xét nghiệm màu hồng có ghi sẵn các hạng mục khám, xét nghiệm rồi tích vào 7 hạng mục, yêu cầu chị ra nộp 600.000 đồng để làm các xét nghiệm, chiếu chụp.  

 “Cả quá trình từ khi vào khám đến lúc nộp tiền chưa đầy 5 phút khiến tôi còn không kịp định hình. Mãi sau, khi nhìn lại các chỉ định của bác sĩ ghi trong sổ khám bệnh thì tôi mới phát hiện có những chỉ định hết sức vô lý. Cụ thể như họ yêu cầu tôi làm HCG (để xác định có mang thai hay không), dù tôi đã trình bày với bác sĩ là mình vừa sinh con vài tháng và chắc chắn không thể mang thai… 

Cũng trong quá trình ngồi đợi kết quả, tôi trò chuyện với 3, 4 bệnh nhân đang điều trị, người nào cũng hết 50-60 triệu đồng mà tình trạng bệnh vẫn chưa tiến triển gì. Có chị chắc ở quê ra, nói đây là lần điều trị thứ 3, tổng cộng đã hết gần 60 triệu đồng, phải vay mượn khắp để cố gắng theo đuổi điều trị bởi bác sĩ nói rằng phải chữa đúng chỉ định mới khỏi được…” - chị L. nhớ lại. 

Cuối cùng, chị L. được kết luận “viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, viêm phụ khoa”, nếu không điều trị sẽ tiến triển rất nguy hiểm, biến chứng nặng. “Tôi xin đơn thuốc về điều trị tại nhà nhưng bác sĩ một mực yêu cầu phải vào điều trị tại phòng khám mỗi ngày. Tôi xin lại sổ khám bệnh và kết quả xét nghiệm nhưng họ không cho, tôi phải làm ầm lên họ mới chịu giải quyết…”

Sau đó, tôi sang Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội khám lại thì nhận được kết quả “viêm âm đạo do tạp khuẩn”, cả tiền khám và thuốc chỉ mất hơn 300.000 đồng.  


Khám phụ khoa, chỉ định làm 7 xét nghiệm, siêu âm 

 Bệnh nhẹ cũng thành nặng 

Phần nhiều các bệnh nhân đến với phòng khám Maria đều rơi vào kịch bản: “nhiễm nấm, viêm lộ tuyến cổ tử cung” hoặc “sùi mào gà”, nếu không chữa trị nhanh thì sắp biến chứng sang ung thư hoặc “bị vô sinh”… 

Chị Đặng Thị M. (quê Phú Thọ) kể, chị vào khám phụ khoa tại phòng khám Maria, được chỉ định đi làm xét nghiệm máu, nước tiểu mất hơn 800.000 đồng. Phòng khám không hề cho biết phác đồ điều trị mà cứ làm từng giai đoạn, làm đến đâu yêu cầu đóng tiền đến đó. Phòng khám cũng không trả hồ sơ bệnh án, không cho thuốc mà bắt chị M. hàng ngày phải đến truyền dịch và uống thuốc tại chỗ, mỗi ngày hết 550.000 đồng. 

Điều trị 5 ngày, hết hơn 7 triệu đồng, chị M. đành bỏ dở… bởi nhẩm tính nếu điều trị tối thiểu 15 ngày theo đề nghị của bác sĩ phòng khám này thì chắc hết vài chục triệu đồng mà bệnh tình chưa chắc khỏi.  

Điển hình nhất là trường hợp khiếu kiện của chị Đỗ Thị K.Q. (35 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) về việc bác sĩ người Trung Quốc của phòng khám Maria dọa chị mắc ung thư khiến chị buộc phải vào điều trị. Chị Q. kể, sau khi đi làm một loạt xét nghiệm như: dịch âm đạo, nước tiểu, siêu âm, nhóm máu… do bác sĩ chỉ định, họ đề nghị phải điều trị ngay nhưng chị không đồng ý.

Vị bác sĩ này nói nếu không điều trị thì căn bệnh của chị sẽ dẫn đến ung thư rất nhanh, thậm chí còn nói chị mắc thêm bệnh sùi mào gà… khiến chị hoảng sợ. Vào điều trị tại đây, sau 4 ngày hết hơn 24 triệu đồng nên chị đành bỏ dở. 

Sau đó, chị K.Q vào BV Phụ sản Trung ương khám lại thì mới ngã ngửa khi nhận được kết luận rằng chị chỉ bị viêm nhiễm thông thường, không bị bệnh sùi mào gà và không có dấu hiệu của ung thư! Đáng sợ hơn là bác sĩ cảnh báo, do bị đốt cổ tử cung quá sâu (tại phòng khám Maria) nên chị có thể bị ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ… Khi kể lại câu chuyện này với báo chí, chị Q. kết luận “vào phòng khám đó 1 lần mà tôi sợ cả đời”. 

Tường trình của phòng khám Maria về cái chết của bệnh nhân ngày 14-7 

Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng do Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư An Thịnh Nguyễn Doãn Hà ký tường trình về ca tử vong tại Phòng khám Maria nêu rõ, trước khi tử vong, bệnh nhân Thu Phong đã được truyền và tiêm nhiều loại thuốc. Cụ thể, sau khi khám, soi cổ tử cung, bác sĩ Châu Kiện Kiều (người Trung Quốc) chẩn đoán bệnh nhân Phong bị viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3 và tư vấn cho bệnh nhân nên điều trị bằng kỹ thuật laser bán dẫn (dao Leep), bệnh nhân chấp thuận điều trị. Chị Phong được bác sĩ Đặng Cẩm Chi làm thủ thuật đồng thời chỉ định truyền 1 chai 100 ml Gluco 5%. 

Sau khi làm thủ thuật, chị Phong có biểu hiện ngạt mũi, nên được chỉ định tiêm 2 ống Dexamethazone 4 mg/ml. Tiếp theo đó, bệnh nhân được chuyển xuống tầng 5 bàn giao lại cho 3 y tá: Thảo, Lương, Thúy (kèm theo 1 chai Levofloxaxin và 1 chai Negatidazol 0,4 g/100 ml) theo dõi, chăm sóc truyền chai 100 ml Gluco 5% và Negatidazol 0,4 g/100 ml.  

Lúc bắt đầu xuống tầng 5 bệnh nhân hơi mệt nhưng vẫn có thể nói chuyện bình thường. Khi truyền đến chai Levofloxaxin bệnh nhân biểu hiện mệt hơn, có hiện tượng phát ban ở tay, vai, phản ứng thuốc. Y tá trực liên hệ bác sĩ điều trị tiến hành cấp cứu bệnh nhân: dừng truyền Levofloxaxin thay vào đó là chai 100ml Gluco 5%, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, kíp trực tiến hành bóp bóng oxy và ép ngực cho bệnh nhân. 

Trong khi cấp cứu y tá trưởng tiêm 2 ống Dexamethazone 4 mg/1 ml trực tiếp vào tĩnh mạch cùng lúc đó liên hệ cấp cứu 115. Tình trạng bệnh nhân không có gì tiến triển, kíp trực duy trì bóp bóng và tiêm 2 ống Adrenalin, sau 20 phút xe cấp cứu tới nơi phối hợp cùng phòng khám cấp cứu cho bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân không qua khỏi và đã tử vong vào lúc 21h35 cùng ngày.

Chia sẻ