Trưởng phòng khám Maria: “Tôi đã không kiên quyết!”

Theo Dân Trí,
Chia sẻ

Theo bà Đỗ Y Na - Trưởng phòng khám Maria, vụ việc chị Phong tử vong tại phòng khám là tất yếu của cách làm việc có vấn đề. Vì bà không kiên quyết dẫn đến hậu quả đau lòng!

Ngay sau khi cuộc họp kín sáng qua giữa Bộ Y tế, Sở Y tế và phòng khám Maria kết thúc, bà Đỗ Y Na, Trưởng phòng khám Maria lặng lẽ ra về, từ chối trả lời báo chí bởi bà sợ khi mình nói lên công luận lại hiểu lầm, cho rằng bà đang cố "phủi" trách nhiệm. 

Thuyết phục mãi, bà cũng chia sẻ với chúng tôi về những cái “có vấn đề” ở phòng khám Maria, nơi bà đang giữ chức danh người đứng đầu nhưng đã từng nhiều lần có đơn xin nghỉ và không nhận bất cứ đồng lương nào từ 9 tháng nay…
 

Bà Đỗ Y Na. Ảnh: H.Hải 
 
Bà Đỗ Y Na là BS.TS chuyên khoa nội, nguyên Phó Giám đốc BV 19-8. Sau khi nghỉ hưu, bà được mời về phụ trách phòng khám Maria và phòng khám đi vào hoạt động từ 30/12/2010. 

Nhưng chỉ đến tháng 2/2011, với cương vị Trưởng phòng khám, tôi dần phát hiện ra phòng khám đang có những dấu hiệu bất ổn, hoạt động trái với quy định và phạm vi được cấp phép. Đó là sự có mặt của những bác sĩ người Trung Quốc tại phòng khám, việc kê khai giá dịch vụ không đầy đủ, không đúng quy định, rồi quảng cáo quá sự thật… 

Với vai trò là người đứng đầu phòng khám, tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng không được. Hơn nữa, phòng khám có mục tiêu phát triển mạnh về chuyên khoa sản, nó không phù hợp với chuyên môn của tôi. Vì thế không ít lần tôi đề nghị xin thôi giữ chức Trưởng phòng khám Đa khoa Maria”, bà Na nói.
 
Ở thời điểm tháng 2/2011, khi bà Na đệ đơn xin thôi giữ chức Trưởng phòng khám Maria đến Giám đốc Công ty An Thịnh, ông Nguyễn Doãn Hà, Giám đốc công ty này đã “bút phê”: “Hiện chưa có thông tư hướng dẫn cấp giấy phép hành nghề mới và vì phòng khám mới đi vào hoạt động, kính đề nghị BS Đỗ Y Na tiếp tục giữ chức phụ trách phòng khám cho tới khi có Sở Y tế hướng dẫn cụ thể, Công ty sẽ tiến hành thủ tục”.

Khi tôi xin thôi hồi tháng 2/2011, họ cầu cứu tôi. Nếu tôi nghỉ, phòng khám sẽ ngừng hoạt động vì chưa xong thủ tục người thay thế… và để rồi, sự việc xảy ra tại phòng khám những ngày qua cũng là hệ quả tất yếu của những sai phạm kéo dài cho một quá trình hoạt động lộn xộn, vì lợi nhuận với những sai sót trong chuyên môn. Cái tôi buồn nhất, đó là biết ca tử vong này là hậu quả tất yếu của cả quá trình làm việc có vấn đề mà tôi đã không ngăn chặn được. Tôi vẫn ao ước, giá như mình cương quyết!”, bà Na nói.

Liên tiếp năm 2011 khi xảy ra nhiều sai phạm của phòng khám, với vụ đầu tiên là bị Sở Y tế phạt 5 triệu đồng hôm 9/5/2011, bà Na đã tổ chức họp quyết định ủy quyền quản lý phòng cho một người khác và yêu cầu phòng khám thực hiện đúng chuyên môn và từ thời điểm này, bà Na cũng không đến phòng khám.

Nhưng liền sau đó, cuối tháng 6, lại có sai phạm tại phòng khám và bị phạt. “Đến tháng 9/2011, tôi đã gửi đơn tuyên bố giúp phòng khám này là cơ hội cuối cùng với tinh thần vô tư, không có bất cứ điều kiện vật chất nào, không nhận lương để phòng khám tìm người thay thế…”.
 

Bà Na trình lá đơn xin thôi chức có "bút phê", dấu đỏ
của GĐ công ty An Thịnh.
 
Ngày 1/12/2011, bà Na trực tiếp cầm đơn lên Phòng 1 của Sở Y tế để nộp đơn xin thôi giữ chức Trưởng phòng khám Maria, tuy nhiên yêu cầu của bà chưa được chấp nhận bởi đơn vị này có yêu cầu phải mang toàn bộ hồ sơ phòng khám Maria gửi lên. Trong thời gian này, phòng khám tìm người thay thế nhưng do khâu thủ tục chưa hoàn chỉnh nên cho đến nay chưa được Sở Y tế chuyển nhượng quyền Trưởng phòng khám. 
 
Từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2012, phòng khám không có vụ việc gì, bà Na "tạm" yên tâm. Nhưng đến 27/6 xảy ra vụ việc bị thanh tra phạt, chưa kịp xử lý thì lại đến vụ bệnh nhân tử vong đau lòng này.

Cả gia đình nói năm nay tôi có hạn. Nhưng phải nhìn nhận thẳng, đó là những sự việc mình đã lường trước nhưng vẫn để nó xảy ra. Vì mình đã không kiên quyết. Sự việc đau lòng này là hậu quả tất yếu của hàng loạt sai phạm trước đó mà không ít lần phòng khám đã bị phạt...”, bà Na nói.
Chia sẻ