Bắt nạt nơi công sở: Lợi ích cá nhân đặt lên số 1, không thiếu những con "rắn hai đầu" đâm sau lưng, chữ "tiền" khiến cho mọi tình cảm rạn nứt...
Theo khảo sát của WBI, đa số (61%) kẻ đi bắt nạt ở nơi làm việc là những người giữ chức vụ điều hành, quản lý. Điều này cũng có nghĩa hơn 1/3 những kẻ đi bắt nạt không phải các sếp mà là những người ngang hàng trong cơ quan, thậm chí có cả nhân viên dưới cấp. Nói ngắn gọn, bắt nạt có thể bắt nguồn từ bất kỳ mắt xích nào trong sơ đồ tổ chức và nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tạm biệt nhé đứa hay bắt nạt ở sân chơi! Không mong gặp lại, hội con gái ghê gớm ở trường trung học! Thế còn còn những kẻ bắt nạt ở công sở?
Không may là bắt nạt không phải việc bạn có thể đẩy vào dĩ vãng khi đã trưởng thành như bức ảnh tốt nghiệp ngây ngô bạn không muốn xem lại, niềng răng bạn từng đeo. Và môi trường công sở cũng có thể là nơi những kẻ bắt nạt đang làm việc. Trên thực tế, kiểu người này xuất hiện phổ biến hơn bạn tưởng. Trong một cuộc khảo sát toàn nước Mỹ, Viện nghiên cứu về vấn đề Bắt nạt ở Công sở (Workplace Bullying Institute-WBI) đã chỉ ra rằng có tới 19% người trưởng thành được hỏi cho biết họ từng bị bắt nạt ở chỗ làm trong khi 19% người tham gia điều tra khác trả lời họ đã thấy sự việc xảy ra với người khác.
“Nó đến như các vụ án quấy rối tình dục – không ai mời, không công bằng, không có lý do” - Gary Namie, nhà tâm lý xã hội đồng thời là người đồng sáng lập, giám đốc của WBI chia sẻ. Ông và vợ mình là Ruth Namie, một nhà trị liệu tâm lý, thành lập WBI sau khi người vợ là nạn nhân bị bắt nạt bởi người đồng nghiệp ở phòng khám tâm lý bà từng làm việc (bạn không nghe nhầm đâu, kẻ đi bắt nạt cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ tâm thần).
Bị bắt nạt ở công sở khiến nạn nhân tổn thương cả về tinh thần và thể chất, một số hệ luỵ có thể gặp là căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, huyết áp cao, các vấn đề về đường tiêu hoá và nhiều rắc rối khác.
Theo Catherine Mattice Zundel, CEO của Civility Partners, chuyên gia trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề ở doanh nghiệp: “Việc này gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực. Nó khiến môi trường làm việc trở thành nơi bạn luôn thấy sợ hãi và bạn không được là chính mình. Người ta cảm thấy giận dữ, phân vân và lo lắng cho công việc của mình mỗi ngày - Liệu hôm nay mình có bị cho thôi việc? Như vậy thì sống làm sao được.”
Bài viết này sẽ lần lượt đi vào tìm hiểu định nghĩa thế nào là bắt nạt ở công sở, biểu hiện của nó cũng như cách đối phó với vấn nạn này.
Định nghĩa bắt nạt ở công sở
Theo định nghĩa của WBI, bắt nạt là “hành động ngược đãi lặp đi lặp lại, gây hại đến sức khoẻ của một hay nhiều nạn nhân bởi một hay nhiều thủ phạm”. Hành động ngược đãi – bao gồm cả ngược đãi bằng lời nói - có tính chất đe doạ hoặc làm nhục nạn nhân. Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc của nạn nhân.
Bà Zundel, CEO của Civility Partners, nhấn mạnh rằng bắt nạt ở nơi làm việc nghiêm trọng hơn việc phá rối hay làm phiền thông thường: “Nó gây ra một sự mất cân bằng về quyền lực tâm lý giữa kẻ đi bắt nạt và nạn nhân đến mức độ người bị hại cảm thấy bất lực.”
Không may là không như quấy rối, bắt nạt không có luật cấm. Hai hành vi này khác nhau ở đâu? Quấy rối bao gồm hành vi ngược đãi liên quan đến các phạm trù được pháp luật bảo vệ như thân thể, giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay quốc tịch. Nếu hành vi xấu không liên quan đến một trong các phạm trù kể trên, nó vẫn có thể gây hại và gây tổn thương nhưng lại không bị luật pháp cấm.
4 kiểu bắt nạt ở công sở
Theo khảo sát của WBI, đa số (61%) kẻ đi bắt nạt ở nơi làm việc là những người giữ chức vụ điều hành, quản lý. Điều này cũng có nghĩa hơn 1/3 những kẻ đi bắt nạt không phải các sếp mà là những người ngang hàng trong cơ quan, thậm chí có cả nhân viên dưới cấp. Nói ngắn gọn, bắt nạt có thể bắt nguồn từ bất kỳ mắt xích nào trong sơ đồ tổ chức và nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Sau đây là 4 kiểu người bắt nạt bạn có thể gặp phải ở nơi làm việc cũng như những hành vi họ thường thực hiện (lưu ý: một kẻ đi bắt nạt có thể có nhiều hơn một dấu hiệu):
1. Kẻ la hét (Giao tiếp hung hăng)
Khi bạn muốn miêu tả một kẻ đi bắt nạt, những từ gì hiện ra trong tâm trí bạn? Nếu chỉ có la hét, chửi mắng, giận dữ thì bạn đang nghĩ đến kiểu người mà ông Namie, giám đốc WBI, gọi là “Kẻ la hét”. Kiểu người bắt nạt này có xu hướng làm lớn chuyện ở nơi đông người, gieo nỗi sợ không chỉ tới nạn nhân mà còn tới tất cả đồng nghiệp khác, những người có thể sợ hãi không dám phản ứng lại vì lo lắng mình sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Giao tiếp hung hăng không chỉ bao gồm la hét, gửi email đe doạ, các hình thức gây hấn bằng lời nói khác mà còn cả việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể hung hăng. Bà Zundel từng xử lý một trường hợp ông sếp thường xuyên chưng ra một kiểu tạo dáng khá hách dịch trong các cuộc họp với nhân viên. Ông này gác chân lên bàn phòng họp, ngả người ra sau trước khi ca một bài giáo huấn dài về lý do vì sao ý tưởng của ai đó lại không thể đem lại kết quả tốt.
2. Kẻ hay chỉ trích (Miệt thị và làm nhục)
Khi Laine (yêu cầu chỉ ghi tên đệm) vào làm việc ở một tổ chức phi lợi nhuận mà cô ấy hằng ao ước, cô đã nghĩ đây chính là công việc hoàn hảo nhất dành cho mình. Thế nhưng sếp của cô ấy, một người thường xuyên đi công tác xa, chỉ trích từ xa mọi việc cô ấy làm. Mọi chuyện căng thẳng đến độ các email miệt thị gần như là công cụ giao tiếp duy nhất ông ta dành cho Laine. Ông này không chỉ phạt Laine mỗi khi cô ấy mắc lỗi hoặc khi ông ta vô lý khẳng định cô ấy không làm được việc mà còn khiến Laine tin rằng cô ấy thực sự không có năng lực.
Cô ấy bắt đầu làm việc nhiều giờ hơn nhưng “Tôi càng chăm chỉ tôi càng trở nên kém cỏi trong mắt ông ấy… Mọi việc tôi làm đều sai”, Laine kể. Ông ta nói với cô rằng: “Kết quả của cả đội chỉ tốt bằng mắt xích yếu kém nhất và cô chính là mắt xích yếu kém nhất.” Suốt một thời gian dài, Laine đã tin lời ông ấy.
Ông Namie gọi kiểu người bắt nạt này là “Kẻ hay chỉ trích”. Có thể họ không la mắng bạn trực tiếp hay trước mặt nhiều người nhưng họ sẽ chỉ trích bạn nhiều đến mức bạn bắt đầu nghi ngờ vào năng lực của mình, cảm thấy chán nản và hiệu quả công việc cũng đi xuống. Đối với trường hợp của Laine, cô ấy lo lắng không biết trong email tiếp theo ông sếp sẽ mắng gì nên cô dừng cả việc kiểm tra email và hiệu quả công việc của cô ấy cũng kém đi đáng kể. Cuối cùng Laine bị cho thôi việc.
Theo bà Zundel, CEO của Civility Partners, kẻ bắt nạt có thể làm bạn mất mặt khi chỉ có hai người hoặc trước nhiều người bằng cách chỉ ra lỗi sai của bạn, không tin tưởng vào công việc của bạn, cô lập hay thậm chí đùa cợt bạn.
3. Người gác cổng (Giấu giếm và giữ tài nguyên cho riêng mình)
Một trong những điểm gây ức chế nhất trong trường hợp của Laine là ông sếp thường xuyên phê bình cô làm sai hoặc khác ý sếp trong khi ông ta chưa bao giờ chỉ dẫn cho cô ấy. Có khi ông này nổi giận vì Laine không hoàn thành những đầu việc mà ông ta còn chưa giao cho cô ấy.
Một số kẻ bắt nạt giấu diếm nạn nhân và giữ các tài nguyên cho riêng mình, có thể là sự hướng dẫn, thông tin, thời gian hay sự giúp đỡ từ những người khác và điều này khiến nạn nhân gặp khó khăn trong công việc. Có thể họ chỉ nói cho bạn ba bước của cả quá trình trong khi thực tế phải có năm bước. Họ cũng có thể giao cho bạn một đống việc cùng lúc làm bạn không có cách nào hoàn thành tất cả trước deadline. Họ có thể đánh giá thấp hiệu quả công việc của bạn dù việc bạn làm không quá tệ, phạt bạn vì đi họp muộn 1 phút trong khi những người lề mề khác không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.
Theo ông Namie, “người gác cổng” cũng có thể là nhân viên cùng cấp hoặc là cấp dưới của bạn. Ví dụ trường hợp họ “quên” không mời bạn tham gia vào một cuộc họp quan trọng hoặc không chuyển lời tới bạn những lưu ý ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoàn thành công việc.
4. Rắn hai đầu (Phá đám sau sân khấu)
Một trong những kiểu người đi bắt nạt khó phát hiện thành ra khó đối phó nhất là kẻ trước mặt thì làm bạn nhưng sau lưng thì hạ bệ bạn. “Họ kiểm soát danh tiếng của bạn với người khác, chỉ trích bạn là không đáng tin, không có năng lực, không thế này thế nọ mặc dù trước mặt, bạn vẫn có thể nghĩ họ là bạn bè”, giám đốc WBI chia sẻ.
Cuối cùng bạn sẽ phát hiện ra nếu có ai đó lỡ lời và tiết lộ bí mật với bạn nhưng thường thì kẻ đi bắt nạt sẽ yêu cầu mọi người giữ bí mật về những nhận xét của người đó. Chẳng cần nói cũng biết việc phải đối phó với rắc rối mà bạn không hề biết nó đang diễn ra khó khăn thế nào.
Tại sao những kẻ bắt nạt ở công sở có thể thực hiện hành vi của mình?
Kẻ đi bắt nạt thường là người có năng lực. Họ có thể là nhân viên sales đạt doanh số cao nhất, đem về những đơn hàng béo bở nhất; một kỹ sư ưu tú luôn đưa ra những giải pháp hiệu quả hay một người làm marketing luôn có thể gấp đôi lượt tương tác. Bất kể là việc gì, họ đem lại giá trị cho công ty và điều đó khiến công ty có động cơ để giữ chân họ (và làm họ vui vẻ).
Một số kẻ đi bắt nạt để lấy lòng cấp trên (có thể cả những người đồng cấp) dù đổi lại họ phải ngược đãi một hay nhiều hơn những người đồng nghiệp họ quản lý hoặc làm việc cùng. Tổng kết lại, thay vì phải chịu trách nhiệm cho hành vi bắt nạt của mình, những kẻ này có thể được khen ngợi, tăng lương, thăng chức và bạn sẽ thấy ái ngại trước việc đi tố cáo một ngôi sao đang lên như vậy.
Điểm mấu chốt giải thích cho việc hành vi bắt nạt trót lọt ở công sở chủ yếu ở chính công ty và văn hoá nó duy trì. Theo ông Namie, “Chúng tôi muốn đi sâu vào tính cách của thủ phạm và kết luận đó là nguyên nhân. Nhưng thực tế không phải vậy. Lý do quan trọng nhất là việc môi trường làm việc đã cho phép những hành vi không đúng đắn diễn ra. Những kẻ đi bắt nạt đầu tiên được nhận vào làm việc rồi đi bắt nạt người khác mà không phải chịu hình phạt nào. Nếu môi trường làm việc không bật đèn xanh, không cho phép hành vi ngược đãi diễn ra thì bắt nạt cũng không thể xuất hiện ở nơi công sở.”
7 cách đối phó với hiện tượng bắt nạt ở công sở
Tìm cách đối phó với những kẻ bắt nạt có vẻ không đơn giản. Vì thế chúng tôi đã xin lời khuyên từ các chuyên gia để giúp bạn biết bạn nên làm gì.
1. Lên tiếng ngay từ đầu
Tin tốt là bạn hoàn toàn có cơ hội để làm chủ tình thế trước khi bạn trở thành nạn nhân của bắt nạt nơi công sở về lâu dài. Theo CEO của Civility Partners, “Một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm để bảo vệ mình là ngay khi nhận ra mình bị ai đó ngược đãi, bạn cần lên tiếng và dập tắt mối nguy ngay lập tức.” Cô ấy cũng đưa ra một vài gợi ý để bạn tham khảo:
- Nhắc cho họ nhớ về giá trị mà họ vẫn đề cao: “Tôi biết anh đề cao việc mỗi người ý thức được giá trị của chính mình. Thế nhưng khi anh làm việc X, mục tiêu đó không thể đạt được. Sao chúng ta không thử làm Y?”
- Giải thích tại sao đó lại là vấn đề lớn: “Tôi nhận ra là khi anh xử sự như vậy thì chúng ta rất khó hợp tác để hoàn thành công việc chung.”
- Gọi tên họ nhiều lần: “A này, tôi hiểu điều anh nói nhưng A ạ, tôi mong anh ngừng việc X. Tôi làm việc cùng anh với sự tôn trọng nên tôi mong anh A cũng xử sự như vậy.”
Bạn cũng nên lưu ý đến ngôn ngữ cơ thể của mình khi đối diện với kẻ bắt nạt. Bà Zundel nhấn mạnh, “Đứng thẳng, tay thả lỏng hai bên, ngẩng mặt. Nếu bạn lo lắng về việc lên tiếng bảo vệ chính mình, cảm xúc của bạn sẽ được thể hiện qua việc bạn khoanh tay, chúi người về trước và mắt nhìn xuống.”
Tin xấu là nếu bạn cho qua việc bị lấn lướt và để nó tái diễn ngay từ đầu, sự việc sẽ càng ngày càng tệ. “Nhiều khi mọi người cứ cho qua hết lần này đến lần khác,” bà Zundel chia sẻ, “Đến khi họ nhận ra mình bị bắt nạt, mọi chuyện có lẽ đã quá muộn. Một khi sự mất cân bằng quyền lực đã ăn sâu, nạn nhân khó có thể tìm ra phương án đối phó hiệu quả."
Nói cách khác, nếu bạn lấy hết dũng khí để lên tiếng sau nhiều tháng trời bị bắt nạt, hành động ngược đãi của đối thủ ít có xu hướng sẽ dừng lại mà còn có thể nghiêm trọng hơn. Khi mọi chuyện đã đến mức này, bạn sẽ cần một biện pháp khác.
2. Ghi lại diễn biến của vụ việc và cách xử lý của bạn
Nếu sau một thời gian bạn mới nhận thức được đầy đủ những gì đang xảy ra với mình và cảm thấy bạn đã lỡ mất cơ hội hành động ngay từ đầu, hãy bắt đầu với việc ghi chép.
Lời khuyên của bà Zundel là “Ghi lại ai gây rắc rối cho bạn, về chuyện gì, khi nào, ở đâu và tại sao chuyện đó lại xảy ra. Nếu bạn ở trong một cuộc họp và việc bắt nạt xảy ra, khi quay trở lại bàn làm việc của mình hãy ghi lại những người cũng tham gia cuộc họp, kẻ bắt nạt đã nói gì và tại sao người đó lại nói vậy. Bạn nên ghi lại càng chi tiết càng tốt để có thật nhiều dẫn chứng cho sự việc. Khi bạn quyết định trình báo vụ việc bắt nạt sau này, bạn sẽ muốn trình ra những minh hoạ cụ thể cho vấn đề bạn đang giải trình."
Bên cạnh đó, hãy bắt đầu sao lưu các email hoặc bằng chứng cho sự việc của bạn. Ví dụ, sếp phê bình vô lý hiệu quả công việc của bạn, hãy thu thập tài liệu lượng hoá kết quả những việc bạn đang làm cũng như các email khen ngợi năng lực của bạn từ các bên liên quan khác.
3. Chăm sóc bản thân ngoài giờ đi làm
Bắt nạt có thể gây nhiều phiền toái cho công việc cũng như sinh hoạt ngày thường của bạn. Tuy nhiên các hoạt động tích cực có thể cân bằng lại những ảnh hưởng không tốt này.
Nếu có thể, hãy tham gia các hoạt động ngoài công việc làm bạn thấy vui, đó có thể là tham gia câu lạc bộ bóng chuyền hay tập yoga, dành thời gian bên gia đình và bạn bè, lấy đó làm điểm tựa. Bạn cũng nên cẩn thận vì áp lực từ nơi làm việc có thể làm rạn vỡ các mối quan hệ cá nhân.
4. Tiến hành tìm hiểu
Công ty của bạn có quy định gì về việc bắt nạt, đối xử ngược đãi, bạo hành bằng lời nói và các hình thức tấn công tinh thần tương tự hay không? Vì bắt nạt không tính là phạm pháp nên nhiều công ty không đưa vấn đề này vào quy định chung. Nhưng sẽ rất đáng công sức nếu bạn tìm hiểu cẩm nang cho nhân viên hay các tài liệu tương tự có đề cập đến giá trị, kỳ vọng của công ty có liên quan đến vấn đề này. Chúng có thể hỗ trợ bạn tốt hơn nếu bạn quyết định đâm đơn trình báo.
Bên cạnh đó, bạn có thể xem xét việc tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý để quyết định tình huống của bạn có bị coi là quấy rối không. Giám đốc WBI, ông Namie gợi ý “thuê” một luật sư chuyên làm việc với các nguyên đơn bị quấy rối, phân biệt đối xử trong nửa đến một giờ để làm rõ sự việc của bạn trên phương diện pháp lý và tìm ra phương án xử lý phù hợp. Một số luật sư sẽ tư vấn miễn phí cho bạn, số còn lại sẽ tính phí theo giờ.
5. Nói chuyện với quản lý (hoặc một người khác trong trường hợp sếp bạn chính là kẻ bắt nạt)
Nếu bạn đã thử nhiều cách nhưng sự việc vẫn không khá hơn, bạn hãy thử nói chuyện với người quản lý của bạn (tất nhiên là khi họ không phải kẻ bắt nạt bạn). Bạn có thể nói: “Chuyện là như vậy. Em đã thử ba cách đó rồi nhưng không có tiến triển nên hôm nay em đến gặp anh/chị,” thay vì “Người này đang bắt nạt em. Anh/chị có thể giúp em được không?”
Nếu vấn đề nằm ở sếp của bạn, hãy cân nhắc liệu bạn có thể tin cậy một người ở cương vị lãnh đạo cùng cấp khác không hay ai đó ở chức cao hơn đủ để bạn có thể xin lời khuyên. Chìa khoá ở đây là tận dụng khéo léo các mối quan hệ trong nội bộ công ty. Mọi chuyện sẽ phức tạp nếu bạn tìm đến một người từng nhận kẻ đi bắt nạt bạn vào làm, hoặc là đồng nghiệp với người đó ở chỗ làm cũ hay tệ hơn là bạn thân, người có quan hệ thân quen với kẻ bắt nạt (trường hợp bạn làm việc trong một công ty gia đình) vì chuyện có thể đến tai kẻ bắt nạt và bạn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn.
6. Trao đổi với bộ phận nhân sự hoặc người có quyền hành liên quan
Trước khi gặp gỡ với người ở bộ phận nhân sự, có vài điều bạn cần cân nhắc.
Thứ nhất, quyết định đi gặp ai. Theo bà Zundel, CEO của Civility Partners, “Kiểu người làm nhân sự thứ nhất chỉ tập trung vào việc tuân thủ các luật lệ và kiểu thứ hai tập trung vào văn hoá và con người. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ với kiểu người thứ nhất, nhưng bạn nghĩ bạn sẽ dễ làm việc với kiểu người thứ hai, hãy tìm đến họ vì có thể họ sẽ chẳng cần một quy định nào để hỗ trợ bạn.”
Thứ hai, nghĩ xem bạn có thể đề cập đến trường hợp của mình theo thiên hướng công việc thay vì bất hoà cá nhân hay không, bất kể người bạn định đến gặp là ai. Bạn có thể tính toán những chi phí mà kẻ bắt nạt gây ra cho công ty như thiệt hại về doanh thu, năng suất giảm. Các tài liệu bạn đã thu thập sẽ rất có ích cho bước này vì bạn có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể về thời gian bị lãng phí, tài nguyên bị mất đi do kẻ bắt nạt gây ra.
Cuối cùng, quyết định điều bạn thực sự muốn là gì. “Bạn chỉ muốn họ biết hay muốn họ giúp đỡ? Bạn có muốn kẻ đã bắt nạt mình bị thuyên chuyển công tác không? Bạn muốn gì từ bộ phận nhân sự?”, bà Zundel chia sẻ, “Bạn sẽ làm gì tiếp theo nếu bạn không thấy được những gì mình đang tìm kiếm?”. Nếu câu trả lời là bạn sẽ rời đi thì cũng được thôi. Đối với bạn, sự tôn trọng bản thân và sức khoẻ tinh thần ổn định quan trọng hơn là số tiền lương bạn nhận mỗi tháng.
7. Tìm một công việc mới
Trên thực tế, phần lớn các trường hợp bắt nạt (77% theo khảo sát của WBI) kết thúc bằng việc nạn nhân xin nghỉ công việc hiện tại. Lý do có thể là họ thấy chán nản nên nghỉ hoặc họ bị sa thải (ví dụ trường hợp của Laine, kết quả công việc bị ảnh hưởng do căng thẳng vì bị áp bức kéo dài).
Lựa chọn phù hợp nhất là bắt tay tìm kiếm một công việc mới càng sớm càng tốt đặc biệt khi công ty của bạn không có quy định hay văn hoá nào bạn có thể tin tưởng để giải quyết nạn bắt nạt một cách nhanh chóng và triệt để. Ngay cả khi bạn đã làm một số việc trước khi quyết định xin nghỉ như nói chuyện với bộ phận nhân sự, có thêm một lời mời công việc khác phòng trường hợp sự việc không suôn sẻ là ý tưởng không tồi.
Làm gì khi thấy người khác bị bắt nạt ở nơi làm việc?
Bạn không cần là kẻ đi bắt nạt hay là nạn nhân mới là người liên quan đến việc bắt nạt. Nếu bạn thấy chuyện này xảy ra mà không có hành động gì, bạn đang cho phép kẻ xấu thực hiện hành vi với sự im lặng của mình.
Nếu bạn thấy thoái mái với việc lên tiếng ngay khi sự việc diễn ra, hãy mạnh dạn làm. Ví dụ: “Này, có chuyện gì thế? Đừng nói chuyện với nhau kiểu đấy chứ.”
Khi huấn luyện cho học viên, bà Zundel, CEO của Civility Partners, dạy họ “xác định vấn đề, nêu hậu quả và đề xuất giải pháp.” Ví dụ, khi ai đó la hét trong cuộc họp, bạn có thể nói: “A này, anh đang hơi nóng. Anh to tiếng thì cuộc họp khó có thể diễn ra với tinh thần hợp tác và có ý tưởng mới. Có lẽ chúng ta cần thống nhất sẽ giữ bình tĩnh với nhau hơn để việc lên ý tưởng diễn ra suôn sẻ.” Làm việc này trước mặt nhiều người sẽ an toàn cho bạn hơn đồng thời tiếp động lực cho những người khác noi gương bạn.
Bạn cũng có thể theo một hướng ôn hoà hơn là hỏi những người đồng nghiệp khác liệu họ có thấy điều gì bất thường không và thống nhất cùng xử lý. Việc này có thể là tất cả cùng lên tiếng trước hành vi bắt nạt ngay khi nó diễn ra hoặc lần lượt lên bộ phận nhân sự trình bày băn khoăn của mình.
Nếu kẻ bắt nạt là một người cùng cấp hoặc nhân viên cấp dưới của bạn, bạn có thể gọi riêng người đó và chia sẻ ít nhiều. Theo ông Namie, giám đốc WBI, một lời khuyên thủ thỉ hiệu quả hơn một bài phàn nàn theo khuôn theo mẫu. Tuy nhiên thì vẫn rất khó để thay đổi một kẻ bắt nạt nếu công ty không có quy định nào cấm hành vi này.
Làm sao để tránh gặp kẻ bắt nạt nơi công sở trong tương lai?
Bạn sẽ không bao giờ muốn nghỉ việc để tránh xa kẻ bắt nạt mình và rồi phải đối mặt với một kẻ khác khi chuyển sang chỗ làm mới. Để điều đó không xảy ra, bà Zundel gợi ý một số kiểu câu hỏi bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng trong các cuộc phỏng vấn xin việc sau này cốt để bạn nắm được liệu sếp tương lai của mình có lịch sử đi bắt nạt đồng nghiệp không hay văn hoá công ty có để hiện tượng bắt nạt xảy ra không:
- Người quản lý sẽ phụ trách tôi là người như thế nào? Nếu câu trả lời là “Ồ, anh ấy tuyệt lắm. Ai cũng quý anh ấy” thì bạn có thể yên tâm. Còn nếu bạn nhận ra một sự đắn đo từ nhà tuyển dụng với phản hồi ậm ừ như “Ừm, anh ấy rất tốt, mọi người yêu quý anh ấy, anh ấy làm việc ở đây cũng được một thời gian dài rồi” thì hãy coi chừng, đó là báo động đỏ.
- Anh chị kiểm soát văn hóa công ty như thế nào? Nếu ban tuyển dụng không có gì để chia sẻ, đó có thể là dấu hiệu không tốt.
- Mọi người ở đây làm việc theo giá trị cốt lõi nào? Giá trị đó được thể hiện như thế nào? Mọi người có nói về nó thường ngày không? Nếu họ không trả lời được các câu hỏi này hay tệ hơn là không biết giá trị cốt lõi của công ty là gì thì đây cũng là dấu hiệu không tốt.
- Ai là người hùng ở công ty? Ai là những người xuất sắc và tại sao họ xuất sắc? Các câu hỏi này sẽ cho bạn biết động lực thúc đẩy sự phát triển của công ty nằm ở đâu, liệu đây có phải là nơi bạn muốn gắn bó.
Những ngày đi làm của bạn không nên đắm chìm trong giao tiếp thô lỗ, sự lăng mạ hay thao túng. Nếu đó có là trường hợp bạn gặp phải, hãy nhớ đây không phải lỗi của bạn. Sau đó hãy làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ mình và đẩy kẻ bắt nạt vào dĩ vãng một lần và mãi mãi.