Bảng giá đất mới cao gấp nhiều lần ở Hà Nội: Nên mua khu vực nào?

Châu Anh/VTC NEWS,
Chia sẻ

Bảng giá đất mới tại Hà Nội được dự đoán sẽ khiến giá đất nội thành tăng cao, người mua vì thế bắt đầu có xu hướng tìm đến những vùng ven có giá hợp lý, ổn định hơn.

Trong nhiều vùng ven được nhắc đến, các chuyên gia cho rằng khu vực phía Đông và Đông Bắc Hà Nội có những ưu thế để hút khách trong thời gian tới.

"Phía Đông là tương lai của Hà Nội"

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh. Ông Ánh cho rằng ở khu vực phía Đông, tam giác kinh tế Bắc Bộ gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã chính thức hình thành, đặc biệt là có sự kết nối của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Bãi Cháy...

Ngoài ra, xu hướng phát triển kinh tế hiện nay là phải hướng ra biển, bởi vậy việc phát triển đô thị ra phía Đông nhiều khả năng sẽ được Hà Nội triển khai để tận dụng được sự kết nối này.

Theo quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phía Đông Hà Nội được định hướng là vùng phát triển trọng điểm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đô thị và giải quyết những vấn đề nan giải về dân số, giao thông.

Bảng giá đất mới cao gấp nhiều lần ở Hà Nội: Nên mua khu vực nào? - Ảnh 1.

Giá đất nội thành tăng cao khiến người mua bắt đầu có xu hướng tìm đến những vùng ven đô có giá hợp lý, ổn định hơn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong vòng 5 năm qua, thị trường bất động sản khu vực phía Đông đã phát triển mạnh mẽ, được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận. Các dự án đại đô thị được xây dựng đã chú trọng cảnh quan, môi trường sống gắn liền với tiện ích của cư dân cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, góp phần tạo nên diện mạo mới.

Công ty PropertyGuru Việt Nam cũng nhận xét: “ Các khu vực của Hà Nội đều đang có những lợi thế riêng biệt, trong đó phía Đông Hà Nội có quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Đây cũng là nơi đang hiện hữu nhiều khu đô thị lớn đã hình thành ”, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc PropertyGuru Việt Nam nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, nhiều dự án đã hoàn thành đang được tập trung ở khu vực phía Đông, giúp nơi đây dễ gây được sự chú ý của người mua, nhất là sau khi bảng giá đất mới được áp dụng. Bởi vì đây là phân khúc ít chịu tác động hơn những dự án chưa hoàn thành hoặc chưa xây dựng do được hưởng nền giá cũ.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Trung, Giám đốc kinh doanh OneHousing phân tích, giá nhà trung tâm Hà Nội đang rất cao, sau bảng giá đất mới có thể hình thành mặt bằng cao hơn nữa. Vì thế, việc người mua có xu hướng lựa chọn những quận mới ở vùng ven là tất yếu.

Theo ông Trung, 2 khu vực đang được lựa chọn nhiều nhất hiện nay là Tây và Đông Hà Nội. Phía Đông đang được phát triển cả về giao thông và hạ tầng, phía Tây cũng sớm phát triển cộng đồng đại đô thị. Cả hai khu vực trên đều đang chứng kiến sự dịch chuyển mãnh liệt với nhiều dự án mới.

Khu vực phía Đông Hà Nội có điểm mạnh là kết nối tới các cụm, khu công nghiệp lớn tại nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương...Ngoài ra, theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 8 cây cầu hiện tại, khu Đông Hà Nội sẽ được đầu tư thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng và 8 tuyến đường sắt metro. Điều này giúp khu vực này dễ dàng kết nối với các quận trung tâm cũng như các vùng kinh tế trọng điểm ở Bắc Bộ.

Giá đất nội thành sẽ tăng cao

Theo bảng giá đất mới tại Hà Nội, giá đất cao nhất có thể lên tới gần 700 triệu đồng/m2. Việc điều chỉnh bảng giá đất cao gấp 2 - 6 lần bảng giá đất cũ sẽ khiến cho giá đất nói chung và tại khu vực nội đô nói riêng thời gian tới cao hơn nữa.

Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn, xúc tiến đầu tư Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - phân tích, thời gian qua, giá nhà đất Hà Nội đã tăng rất cao, vượt xa khả năng chi trả của nhiều người. Ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có dấu hiệu tác động của nhóm đầu cơ khi nguồn cung ra thị trường ít và chỉ tập trung trong tay một nhóm chủ đầu tư.

Bảng giá đất được đưa ra dựa trên giá thị trường cao như hiện nay, theo bà Miền, vô hình trung đang hợp thức hóa cho mức giá cao đó. Hơn nữa, bảng giá đất tăng sẽ khiến chi phí thực hiện dự án tăng, từ đó các chủ đầu tư sẽ tiếp tục nâng giá bán cao hơn nữa.

Việc xác định bảng giá đất sát với thị trường sẽ giúp hài hòa lợi ích giữa 3 bên là Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Tuy nhiên, bảng giá đất như hiện nay làm tăng chi phí đầu vào buộc chủ đầu tư tăng giá bán, người tiêu dùng cuối cùng sẽ thêm khó khăn hơn trước ”, bà nói.

Bộ Xây dựng trước đó cũng nhận định, khi áp dụng bảng giá đất sát thị trường, chi phí đầu tư xây dựng các dự án bất động sản sẽ tăng lên khá nhiều so với trước đây. Ví dụ, tại Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội), chi phí tiền sử dụng đất tính trên giá bán 1m2 căn hộ sau khi áp dụng bảng giá đất mới sẽ tăng từ 15% lên 33% giá bán.

Bảng giá đất sẽ có tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá bất động sản, nhà ở tăng lên khoảng 15-20% so với trước ”, Bộ Xây dựng cho biết.

Chia sẻ