Hà Nội áp dụng bảng giá đất mới, giá nhà được dự đoán tiếp tục tăng

CHÂU ANH/VTC NEWS,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia, việc Hà Nội áp dụng bảng giá đất mới cao gấp 2 - 6 lần so với trước có thể khiến giá nhà ở tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giá nhà có thể tăng 10 - 25%

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi - nhận định, bảng giá đất mới khiến chi phí sử dụng đất trong các dự án bất động sản tăng đáng kể, đặc biệt ở khu vực trung tâm. Điều này làm giá bán nhà ở và giá thuê văn phòng có thể tăng 15-25% trong ngắn hạn.

Cụ thể trong ngắn hạn (6-12 tháng), giá nhà ở trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ sẽ tăng mạnh 15-25%, phản ánh chi phí đầu tư gia tăng. Trong khi đó, đất nền vùng ven và các khu vực có hạ tầng tốt như Đông Anh, Gia Lâm sẽ là “điểm nóng” với mức tăng giá dự đoán 10 - 20%.

Tuy nhiên, về dài hạn (2-5 năm), khu vực trung tâm sẽ ổn định ở mức giá cao, trong khi các vùng ven sẽ tiếp tục phát triển nếu hạ tầng giao thông và các tiện ích xã hội được đầu tư đồng bộ.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, bảng giá đất của Hà Nội tăng mạnh so với trước có thể tác động tới giá nhà ở tại Thủ đô. Tuy nhiên, đối với nhà ở trong khu dân cư, nhất là các khu đất vàng gần hồ Hoàn Kiếm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều.

Bởi, khi giao dịch mua - bán nhà ở thông thường sẽ không ai tính dựa trên bảng giá đất, thay vào đó là tính theo giá thị trường. Ví dụ, nhà ở mặt đường tại Hàng Ngang, Hàng Đào hay Đinh Tiên Hoàng sát với hồ Hoàn Kiếm theo giá thị trường là 900 - 1,1 tỷ đồng/m2, trong khi bảng giá đất mới là gần 700 triệu đồng/m2 ”, ông Tuấn nói.

Nằm trong top tuyến phố có giá đất đắt đỏ hàng đầu Hà Nội là Lê Thái Tổ. (Ảnh: Minh Đức).

Đối với các dự án, sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất, đất dự án đã được đền bù, đã giải phóng mặt bằng, việc Hà Nội công bố bảng giá đất mới sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Dù vậy, ông Tuấn lo ngại trường hợp có chủ đầu tư mượn lý do này để tính lại giá căn hộ sau khi mở bán.

Trường hợp thứ 2 là đất đang trong quá trình đền bù, việc Hà Nội công bố bảng giá đất mới có thể khiến giá căn hộ tăng trong thời gian tới. Dù vậy, đa phần các trường hợp này ở khu vực ngoại thành, khá xa trung tâm thành phố.

Một báo cáo của Bộ Xây dựng cũng khẳng định, vệc áp dụng bảng giá đất theo quy định mới sẽ có tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá bất động sản, nhà ở tăng lên 15 - 20% so với trước. Theo Bộ Xây dựng, các chi phí cấu thành chính ảnh hưởng đến giá nhà ở, bất động sản bao gồm 7 khoản chi phí, trong đó có: tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; chi phí xây dựng dự án (nhà ở, bất động sản); thuế, phí liên quan…

Chính vì vậy, bảng giá đất mới sát giá thị trường sẽ làm tăng chi phí liên quan đến đất đai như giải phóng mặt bằng, đền bù thu hồi đất, thuế phí liên quan đến đất... trong khi chi phí liên quan đến tiền sử dụng đất thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của dự án nhà ở, dao động 7-20% với dự án chung cư cao tầng và 25-50% với dự án biệt thự, liền kề.

Mức giá giữa các dự án có sự khác nhau do phụ thuộc vị trí, điều kiện thuận lợi của hạ tầng kỹ thuật. Còn chi phí bồi thường tài sản trên đất thường chiếm tỷ trọng không đáng kể, khoảng 2%, trong chi phí đầu tư xây dựng.

Cần có lộ trình

Việc giá nhà tăng cao, theo ông Nguyễn Quang Huy Giá sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở, đặc biệt với phân khúc thu nhập trung bình và thấp. Đây là lời nhắc nhở để chính quyền đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết bài toán an cư cho người dân. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đối mặt với bài toán tối ưu hóa chi phí đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là cơ hội để họ định vị lại phân khúc sản phẩm, tập trung vào các dự án chất lượng cao hơn.

Chính vì vậy, ông Huy cho rằng, Hà Nội cần cân nhắc lộ trình điều chỉnh bảng giá đất hợp lý, tránh tăng giá đột biến trong thời gian ngắn, gây “sốc” cho thị trường.

Đồng thời, cần đẩy mạnh đầu tư giao thông, tiện ích công cộng tại vùng ven để giảm áp lực cho khu vực trung tâm và tăng khả năng tiếp cận của người dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở xã hội, khu đô thị xanh và các ngành công nghiệp giá trị cao để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.

Trước đó, giải thích lý do áp bảng giá đất mới, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc điều chỉnh bảng giá đất tăng dần tiệm cận với giá thị trường là yêu cầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bảng giá mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.

Trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, cơ quan quản lý cho rằng thì cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.

Bảng giá đất cũng là cơ sở tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao, cho thuê đất. Vì thế, việc điều chỉnh bảng giá là cấp thiết, nhằm đảm bảo nguồn thu từ đấu giá đất.

Chia sẻ