5 huyện sắp lên quận của Hà Nội có giá đất tăng gấp 3 lần: Thanh Trì cao nhất gần 117 triệu đồng/m2, bỏ xa Gia Lâm, Hoài Đức và Đông Anh
Giá đất ở huyện Thanh Trì trong bảng giá đất mới ban hành cao nhất gần 117 triệu đồng/m2, trong khi đó Gia Lâm cao nhất 68 triệu đồng/m2, Hoài Đức cao nhất 53,3 triệu đồng/m2 còn Đông Anh cao nhất 46 triệu đồng/m2.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành bảng giá đất điều chỉnh áp dụng từ 20/12 đến hết ngày 31/12/2025. So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh cao gấp 2-6 lần.
Đáng chú ý, giá đất cao nhất của thành phố thuộc về quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2 áp dụng cho thửa giáp mặt đường tại loạt tuyến đường của quận. Cụ thể, đường Trần Hưng Đạo (từ Trần Thánh Tông - Lê Duẩn) trước đó có giá đất cao nhất là 114 triệu đồng/m2 nay tăng lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 6 lần.
Đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 5,5 lần. Đất ở đường Hai Bà Trưng (từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ) cũng có giá cao nhất 695,3 triệu đồng/m2.
Mức giá này cũng được áp dụng cho các tuyến đường Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt.
Bên cạnh đó, thông tin giá đất tại 5 huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Đan Phượng được định hướng trở thành quận của Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cũng được chú ý.
Cụ thể, tại huyện Thanh Trì, giá đất ở vị trí đẹp nhất trên 3 tuyến đường, gồm Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều), Nghiêm Xuân Yêm (đoạn qua xã Tân Triều và đoạn từ Cầu Dậu đến hết xã Thanh Liệt) và Phạm Tu (từ giáp phường Đại Kim đến ngã tư giao cắt đường Cầu Bươu tại nút giao Phúc La - Cầu Bươu) có mức cao nhất 116,9 triệu đồng/m2. Đây là mức giá cao nhất trong số các huyện của Hà Nội sau điều chỉnh bảng giá đất.
Xếp sau Thanh Trì trên bảng giá mới là huyện Gia Lâm với mức giá cao nhất hơn 68 triệu đồng/m2 tại đường Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên), gấp 2,9 lần so với bảng giá cũ. Tiếp theo, đường Nguyễn Đức Thuận (thị trấn Trâu Quỳ) có giá đất điều chỉnh lên hơn 65 triệu đồng/m2, gấp gần 3 lần so với bảng giá cũ.
Ngoài ra, đường Ngô Xuân Quảng (thị trấn Trâu Quỳ), đường Nguyễn Bình (đoạn qua thị trấn Trâu Quỳ) có giá hơn 61 triệu đồng/m2, gấp gần 3 lần so với bảng giá cũ.
Tại huyện Hoài Đức , theo bảng giá đất mới, đường Vạn Xuân (đoạn qua Thị trấn trạm Trôi), đường Vạn Xuân (đoạn qua xã Kim Chung), Đại lộ Thăng Long (đoạn qua xã An Khánh) có giá cao nhất từ hơn 51 triệu đồng đến hơn 53,3 triệu đồng/m2.
Tại huyện Đông Anh , đường Cao Lỗ (đoạn qua thị trấn Đông Anh) và quốc lộ 3 (đoạn qua thị trấn Đông Anh) là hai tuyến đường có giá đất cao nhất với 46 triệu/m2, gấp 3 lần so với bảng giá cũ.
4 tuyến đường có giá đắt thứ hai bao gồm đường từ ngã tư nhà máy ô tô 1/5 đi nhà máy ô tô Cổ Loa; đường từ Quốc lộ 3 đi Công ty Đông Thành; đường từ Quốc lộ 3 qua ga Đông Anh đến Ấp Tó và đường Lâm Tiên, đồng loạt có giá đất ở VT1 là 40,7 triệu/m2, gấp 2,9 - 3,2 lần so với bảng giá cũ.
Tại huyện Đan Phượng , đoạn từ giáp Hoài Đức đến ngã ba (tượng đài) có giá đất cao nhất hơn 46 triệu đồng/m2. Xếp sau là đoạn đường từ Tượng đài đến hết thị trấn Phùng (Quốc lộ 32 cũ), đường Phùng (Đường Quốc lộ 32 cũ) có giá đất hơn 44 triệu đồng/m2.
Theo kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện thành quận, Thành ủy Hà Nội đưa ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ có 5 huyện thành quận (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) và giai đoạn 2026-2030 có 3 huyện lên quận (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh).
Trong 5 huyện định hướng lên quận giai đoạn 2021-2025, Đông Anh có quy mô lớn nhất với diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, gồm 23 xã, một thị trấn; tiếp đến là Gia Lâm gần 115 km2, dân số 280.000, 20 xã và 2 thị trấn.
Hoài Đức có diện tích 82 km2, dân số trên 230.000, gồm 19 xã và một thị trấn. Đan Phượng rộng hơn 77 km2, dân số trên 174.000, gồm 15 xã và một thị trấn. Thanh Trì có diện tích nhỏ nhất trong số 18 huyện, thị xã của Hà Nội, với hơn 63 km2, dân số trên 200.000, gồm 15 xã và một thị trấn.