Bài toán tài chính gia đình: Vợ chồng thu nhập thấp nên ưu tiên tiết kiệm hay mua bảo hiểm?

AMT,
Chia sẻ

Tiết kiệm và mua bảo hiểm đều quan trọng nhưng nếu không thể thực hiện cả 2 việc này cùng lúc thì nên ưu tiên việc nào?

Cách đây 6 năm, ở độ tuổi 23 sau khi tốt nghiệp Đại học chưa được bao lâu, tôi đã tự nguyện bước chân vào hôn nhân mà không cần cha mẹ hay "bác sĩ thúc giục". Quyết định này hoàn toàn là vì tình yêu.

Chồng tôi hơn tôi 1 tuổi, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi không chỉ là vợ chồng mới cưới, mà còn là những người mới chân ướt chân ráo tham gia vào thị trường lao động. Tổng thu nhập của cả hai khi đó còn chưa được nổi 11 triệu/tháng, trừ đi tiền thuê nhà và chi phí đi lại, chúng tôi chỉ còn khoảng 7,5 triệu đồng để trang trải tiền ăn uống, ma chay cưới hỏi.

Bài toán tài chính gia đình: Vợ chồng thu nhập thấp nên ưu tiên tiết kiệm trước, hay mua bảo hiểm trước? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lúc đó, có người khuyên chúng tôi nên mua bảo hiểm nhân thọ để phòng khi bất trắc. Tôi thấy cũng hợp lý nên quyết định ký 1 hợp đồng bảo hiểm trị giá 18 triệu/năm trong vòng 15 năm.

Đến bây giờ nhìn lại, tôi vẫn hối hận vì quyết định khi ấy. Bảo hiểm không phải là không tốt, nhưng mua bảo hiểm khi còn quá trẻ cũng chẳng phải là điều hay vì 3 lý do dưới đây.

1 - Không mua "bảo hiểm ngoài" thì vẫn còn bảo hiểm y tế (BHYT) cơ mà!

Khi chúng ta đi làm công ăn lương ở một công ty uy tín, việc đóng BHYT cho nhân viên theo mức lương cơ bản là điều bắt buộc. Trong trường hợp lương thấp như tôi và chồng tôi khi đó, cộng thêm việc chúng tôi còn khá trẻ và khỏe, việc mua "bảo hiểm ngoài" thực sự là một gánh nặng kinh tế, vì thường thì các hợp đồng bảo hiểm sẽ yêu cầu đóng phí cả năm trong 1 lần thanh toán.

Lương 11 triệu mà đóng phí bảo hiểm hết 18 triệu, lúc đó, chúng tôi đã phải đi vay tiền.

Bài toán tài chính gia đình: Vợ chồng thu nhập thấp nên ưu tiên tiết kiệm trước, hay mua bảo hiểm trước? - Ảnh 2.

Còn trẻ, còn khỏe và duy trì lối sống lành mạnh, thực sự chúng tôi chẳng mấy khi ốm đau đến mức phải đi viện. Thậm chí nếu có không may thì BHYT cũng đã đủ để hỗ trợ viện phí rồi.

2 - Mua hợp đồng bảo hiểm khi còn trẻ là rất dễ bị lừa

Gọi là bị lừa thì hơi quá nhưng kỳ thực, lúc đó, đọc hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi chẳng hiểu gì mấy. Cứ nghe tư vấn rồi ậm ờ gật gù và đặt bút ký thôi. Đóng bảo hiểm được gần 2 năm thì nhân viên tư vấn cho chúng tôi... nghỉ việc. Thế là vợ chồng tôi thành khách hàng "mồ côi".

Quy trình xử lý hợp đồng hay giải đắp thắc mắc của khách hàng (là chúng tôi) trong trường hợp nhân viên tư vấn nghỉ việc đều đã có quy định rõ ràng trong hợp đồng, nhưng vì non nớt, dễ tin người nên chúng tôi tặc lưỡi bỏ qua, chẳng để ý kỹ khoản này.

Đến khi là khách hàng "mồ côi" rồi, có thắc mắc cũng chẳng biết hỏi ai. Lần đó chồng tôi bị viêm ruột thừa, phải mổ, như bình thường thì khoảng 1-2 tuần là sẽ nhận được tiền bảo hiểm rồi. Nhưng vì chúng tôi là "khách hàng mồ côi" nên phải tới gần 3 tháng sau mới nhận được khoản tiền này.

Mua bảo hiểm cũng cần có trải nghiệm sống và trải nghiệm đi bệnh viện thì mới đỡ "ngu ngơ" được. Tiếc là lúc đó chúng tôi còn quá trẻ.

3 - Chưa có tiền tiết kiệm mà mua bảo hiểm là dại vô cùng!

Vì 2 lý do kể trên, tôi nghĩ rằng nếu buộc phải đặt lên bàn cân việc tiết kiệm và mua bảo hiểm, các gia đình có thu nhập thấp nên ưu tiên tiết kiệm trước. Điều này không quá khó hiểu đâu.

Nghĩ thử xem, nếu không có tiền tiết kiệm thì lấy đâu ra một cục tiền đóng bảo hiểm? Đi vay cũng là một cách, vợ chồng tôi cũng từng như vậy. Nhưng nghĩ thật kỹ tiếp đi, bạn sẽ nhận ra việc đi vay tiền để đóng bảo hiểm thực chẳng khác nào xé chiếc áo lành để vá chiếc áo rách. Kết cục cuối cùng cũng chẳng khá hơn, lại còn áp lực nhiều bề.

Tạm kết

Người ta vẫn cứ hay khuyên mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, càng có lợi. Nhân viên tư vấn bảo hiểm sẽ luôn bày ra viễn cảnh bạn ốm đau bệnh tật mà không có bảo hiểm thì sẽ khổ sở, thiệt thòi ra sao. Điều đó cũng đúng, nhưng chỉ đúng một phần thôi vì sẽ chẳng có ai nói với bạn rằng đừng bao giờ đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm, nếu còn chưa tự tin sống được trong 6 tháng nếu không có nguồn thu nhập. Đơn giản, vì họ cần chạy KPI cho "đủ số"!

Bài toán tài chính gia đình: Vợ chồng thu nhập thấp nên ưu tiên tiết kiệm trước, hay mua bảo hiểm trước? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Thu nhập còn thấp thì tập trung học hỏi, phát triển kỹ năng nghề nghiệp để kiếm thêm tiền, tăng thu nhập bằng mọi cách. Đương nhiên, không bao giờ được phép lơ là sức khỏe, chỉ cần ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ là trộm vía sẽ ít ốm đau.

Đến năm 29, 30 tuổi, khi thu nhập đã tăng và ổn định hơn, bản thân đã có chút tiền tiết kiệm, tích lũy, mua bảo hiểm là vừa đẹp!

Chia sẻ