Bãi biển bị phong tỏa, người đàn ông vẫn bất chấp leo rào đi tắm biển lại còn khẳng định: “Đây là biển của tôi"
Dù chính quyền đã dựng hàng rào dài dọc bãi biển Bronte, ngoại ô Sydney, Úc, nhưng không đủ sức để ngăn cản một số người vẫn muốn tắm biển.
Trang Sydney Morning Herald đưa tin, vào sáng ngày 26/3, một người đàn ông bị bắt gặp cố tình vượt hàng rào để tắm biển ở biển Bronte, ngoại ô Sydney, Úc. Được biết, hàng rào được dựng lên xung quanh các bãi biển ở thành phố khi vào tuần trước vẫn có rất nhiều người dân Úc không thực hiện nghiêm túc yêu cầu giữ khoảng cách xã hội.
Chính quyền nước này sau đó đã tạm đóng cửa các bãi biển Bondi, Bronte và Tamarama, tuy nhiên không thể cản trở ý muốn tắm biển buổi sáng của một số người.
Một nhiếp ảnh gia ở Sydney cho biết, anh ta đã đến bãi biển để ghi nhận hình ảnh hàng rào chắn thì bất ngờ nhìn thấy một người đàn ông cố tình phớt lờ những cảnh báo của chính quyền và ngang nhiên vượt rào để ra biển bơi.
"Tôi đã ở bãi biển chụp ảnh hàng rào mới được dựng lên và nhìn thấy một số người vượt qua và đi xuống biển. Người đàn ông này đã chạy ra biển, và khi nhìn thấy tôi, ông ấy bắt đầu nói những từ ngữ khiếm nhã", nhiếp ảnh gia nói với Herald.
Nhiếp ảnh gia này cho biết thêm, người đàn ông đó khi đi ngang qua anh đã nói rằng chính phủ phản ứng thái quá, và cho rằng mình không hề dễ chịu chút nào với việc làm này. Đặc biệt, người này nghĩ rằng đây là bãi biển của anh ta và liên tục nói: "Đây là bãi biển của tôi".
Hành động của người đàn ông kia khiến nhiếp ảnh gia khá tức giận nhưng anh lại kiềm chế được và cho rằng điều cần làm là không làm gì cả.
Nhiều khu khu vực công cộng ở Úc đã bị đóng cửa với hy vọng giúp giảm số ca nhiễm Covid-19 bao gồm các phòng tập thể dục, bể bơi và các hoạt động thể thao.
Liên đoàn giáo viên bang New South Wales đã yêu cầu trường học tạm đóng cửa từ 23/3, các giáo viên được làm việc tại nhà. Người đứng đầu chính quyền bang New South Wales - bà Gladys Berejiklian đã kêu gọi người dân thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. "Tôi muốn nhấn mạnh lại lần nữa, đây là thời điểm mà tất cả chúng ta cần phải bước lên", bà nói.
Bởi vì có nhiều cảnh báo đã bị phớt lờ nên chính quyền nước này cũng được phép xử phạt những người vi phạm quy định xã hội với mức tiền phạt tại chỗ 1000 đô la Úc (gần 14 triệu đồng) cho cá nhân và 5000 đô la Úc (khoảng 70 triệu đồng) cho tổ chức.
(Nguồn: Sydney Morning Herald)