Bác sĩ làm cho lá gan to lên để cứu bệnh nhân bị căn bệnh ung thư vô cùng nguy hiểm
Nhận thấy khối u quá lớn, phần gan trái còn lại sau khi phẫu thuật sẽ không đủ đảm bảo chức năng gan, các bác sĩ đã quyết định thực hiện điều này.
Ngày 16/12, Bệnh viện (BV) đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho biết, nơi đây đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u gan có kích thước khủng chiếm gần hết lá gan phải bệnh nhân L.V.T (63 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM).
Ông T. đến khám tại BV trong tình trạng cơ thể gầy xọp, bụng trướng to. Qua khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm, chụp CT Scan, MRI, các bác sĩ phát hiện có khối u tại gan phải của bệnh nhân.
Khối u này khả năng ác tính, kích thước lớn chiếm gần hết gan phải.
Sau khi hội chẩn các chuyên khoa Ngoại tổng quát, Đơn vị U gan, Can thiệp tim mạch và Gây mê hồi sức, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật cắt gan phải là cách điều trị hiệu quả nhất để giải quyết dứt điểm khối u này.
Tuy nhiên, khối u quá lớn, phần gan trái còn lại sau khi phẫu thuật sẽ không đủ đảm bảo chức năng gan. Do đó, các bác sĩ tìm cách làm cho lá gan trái (phần gan chừa lại) to lên trước khi phẫu thuật.
Để làm điều này, trước tiên bệnh nhân sẽ được các bác sĩ Trung tâm Can thiệp tim mạch của BV tiến hành chụp tắc nút mạch gan theo phương pháp TACE nhằm tắc mạch máu nuôi khối u.
Đồng thời bơm thuốc ngăn chặn và tiêu diệt sự phát triển của tế bào ung thư dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch xóa nền DSA.
Bệnh nhân được can thiệp tắc tĩnh mạch cửa gan phải nhằm giúp cho lá gan trái to lên.
Tiếp đến, ca mổ cắt gan phải nhằm loại bỏ khối u gan của bệnh nhân đã được thực hiện bởi các bác sĩ Đơn vị U gan của BV.
3 tiếng phẫu thuật kéo dài, bệnh nhân đã được cắt bỏ hoàn toàn gan phải, lấy ra khối u lớn.
Hậu phẫu bệnh nhân tỉnh táo và được tiếp tục theo dõi sau mổ. Sau phẫu thuật 2 tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đã được xuất viện về nhà trong sự vui mừng của gia đình.
Theo số liệu ước tính năm 2018 của Globocan (tổ chức chuyên điều tra tình hình ung thư trên thế giới), UTTBG là căn bệnh khá thường gặp, đứng hàng thứ 5 ở nam giới và hàng thứ 9 ở nữ.
Hằng năm, trên thế giới có đến 87.200 ca UTTBG mới được phát hiện, đa số là dân châu Á (chiếm tới 75%) và tỉ lệ mắc ở nam giới cao gấp 2-4 lần so với nữ giới.
Tại Việt Nam, UTTBG có tần xuất mới mắc và tỉ lệ tử vong đứng đầu trong các bệnh lý ung thư nói chung.
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê năm 2018, số ca mới mắc ở nước ta là 25.335 trong khi số ca tử vong là 25.404.
Như vậy, tỉ lệ bệnh mới phát hiện tương đương với tỉ lệ tử vong vì đa số các trường hợp được phát hiện đã ở giai đoạn quá muộn, người bệnh ít có cơ hội được điều trị hiệu quả nên hầu như đều tử vong.
Theo các bác sĩ, thành công của việc mổ thành công khối u gan khổng lồ là nhờ sự kết hợp các phương pháp phẫu thuật chuyên sâu và sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại.
Bác sĩ khuyên những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư gan như tiền sử gia đình mang bệnh lý ung thư gan, bị xơ gan, viêm gan B mạn tính, viêm gan C mạn tính, nghiện rượu,... nên tầm soát ung thư gan định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời.