Bác sĩ "ép" bệnh nhân mua thực phẩm chức năng
Tại Viện Dinh dưỡng (Hà Nội) các loại thực phẩm chức năng được kê trong hầu hết đơn thuốc của bệnh nhân. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: "Phải chăng có sự “ăn dơ” giữa doanh nghiệp thực phẩm chức năng và bác sĩ?".
Bệnh gì cũng phải uống... thực phẩm chức năng
Quy chế kê đơn thuốc điều trị ngoại trú được bộ Y tế ban hành năm 2008 đã quy định rõ không kê đơn thuốc không nhằm mục đích phòng, chữa bệnh; không kê thuốc theo yêu cầu không hợp lý của người bệnh; không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Tuy nhiên, ở viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực phẩm chức năng dạng si-rô bổ sung vitamin, kích thích trẻ ăn ngon miệng xuất hiện ở hầu hết các đơn thuốc, bất kể trẻ mắc căn bệnh gì, có suy dinh dưỡng hay cần kích thích ăn uống hay không.
Với mong muốn con mình phát triển tốt hơn, nhưng nhiều bà mẹ trẻ đã phải "ôm" "cục tức" với hóa đơn bạc triệu theo chỉ dẫn của một số bác sĩ ở viện này.
Chị Lan (Phù Cừ, Hưng Yên) đưa con 2 tuổi đến viện Dinh dưỡng khám vì thấy cháu ăn nhiều nhưng không tăng cân, chậm lớn, thấp hơn các trẻ cùng tháng tuổi. Rời phòng khám, cầm đơn ra nhà thuốc để mua, lúc này chị được một phen tá hỏa vì tổng số tiền lên tới 1,5 triệu.
“Bác sĩ kê đơn thế nào thì mình biết mua loại ấy, cũng không biết đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng (TPCN). Chỉ thấy hoảng vì tiền thuốc quá nhiều. Mà TPCN với thuốc khác nhau ở điểm nào? Người dân quê chúng tôi ít hiểu biết, khi bác sĩ tư vấn cũng không thấy nói loại thuốc nào cần thiết phải mua, loại nào chỉ là bổ trợ cho quá trình điều trị”, chị Lan than thở.
Chịu chung hoàn cảnh với chị Lan là chị Hải (Gia Lâm, HN), chị cho biết: “Vì thấy con có 1 số vấn đề về thiếu canxi như rụng tóc, mồ hôi trộm,… nên cách đây mấy hôm tôi đưa con đi khám ở Viện Dinh dưỡng. Sau khi mua sổ khám bệnh, nộp tiền tư vấn và cân cho con. Chờ một lúc, cũng đến lượt tôi đưa con vào nghe bác sĩ N tư vấn. Sau 5 phút tư vấn cho tôi cách cho con ăn, uống, hỏi tôi đang dùng sữa gì cho con... việc tư vấn kết thúc. Thực sự tôi thấy không thu lại được kiến thức gì từ 5 phút tư vấn của bác sĩ này.
Điều đáng nói là đơn thuốc của bác sĩ N kê cho con tôi và... tôi. Bác sĩ cho con uống Vitamin D3, kẽm, canxium cocbie, và men tiêu hoá. Còn tôi, theo đơn của bác sĩ, cũng phải mua 3 loại thực phẩm chức năng và 1 hộp sữa hơn 300 nghìn. Tổng tiền thuốc cho cả mẹ lẫn con là tròm trèm 2 triệu”.
Theo tìm hiểu của PV, tại quầy thuốc của viện Dinh dưỡng, đa số các hóa đơn bán thuốc cho người bệnh đều có TPCN. Điều đáng nói là cả bác sĩ và dược sĩ ở quầy đều không giải thích rõ cho người bệnh đâu là thuốc, đâu là TPCN, làm nhiều ông bố bà mẹ không phân biệt được đâu là thuốc, đâu là TPCN. Phải đến khi đem thuốc về, đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trong mỗi hộp thuốc, họ mới "ngã ngửa" ra.
“Mua xong thuốc cho con, phải đọc tờ hướng dẫn sử dụng bên trong tôi mới biết số tiền mà mình bỏ ra mua thuốc cho con đến hơn một nửa là dùng mua TPCN. Phải chăng bác sĩ cố tình mập mờ giữa 2 loại này để dù có thấy giá thuốc cao người dân chúng tôi vẫn phải “cắn răng” mua về cho con mình sử dụng?”, chị Miên (TP Bắc Ninh) bức xúc nói.
Cấm thì tìm cách “lách”
Theo đúng quy định hiện hành, trường hợp kê đơn thuốc sai quy chế có thể bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng hoa hồng cho thầy thuốc kê đơn, việc đưa TPCN vào đơn thuốc cũng rất khó xử lý do bệnh nhân không biết đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng, khi thấy bác sỹ kê đơn là đi mua vội mua vàng vì khi đã có bệnh, không ai tiếc tiền mua thuốc.
Một quan chức ngành y tế cũng thừa nhận, nếu để cạnh tranh bình thường thì có rất nhiều thực phẩm năng không thể bán được do giá thành quá cao mà tác dụng lại không rõ ràng.
Hiện tại, thị trường có hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng và không hiếm trong đó có những sản phẩm có tác dụng thật sự. Tuy nhiên, kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc vẫn là hành vi “ép” người bệnh mua loại sản phẩm chưa hoặc không cần thiết với họ.
Qua nhiều ngày “mai phục” tại viện Dinh dưỡng, PV phát hiện ra một chiêu thức “lách” luật của các bác sĩ tại đây, đó là khi kê đơn thuốc cho người bệnh, bác sĩ không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, tránh bị “soi”, mà kê vào phần “chế độ ăn”. Điều này cộng với khi tư vấn, các bác sĩ “lờ” đi việc nói đến các loại TPCN kê trong đơn, vậy là người nhà bệnh nhân khi đi mua thuốc “vô tư” mua cả phần thực phẩm bổ sung ghi trong “chế độ ăn” mặc dù giá cao hơn nhiều so với thuốc chữa bệnh!
Nhiều bậc cha mẹ sau khi ra khỏi phòng khám của Viện Dinh dưỡng đều “ôm” trên tay các loại thực phẩm chức năng do bác sĩ kê trong sổ khám. “Sự phát triển của con là quan trọng, chúng tôi cũng không khỏi thắc mắc tại sao cháu bé mới gần 3 tháng tuổi nhưng lại được kê nhiều thuốc như vậy. Nhìn đống thuốc mua về thì người lớn uống cũng không nổi chứ nói gì trẻ con đang thời kỳ bú sữa mẹ”, một phụ huynh phàn nàn.
Ông Nguyễn Xuân Bằng, phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội VN) cho biết: "Có những bệnh viện, bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân, nhưng 20% thành phần được kê trong đơn không phải là thuốc mà chỉ là các thuốc bổ hỗ trợ, thực phẩm chức năng. Nguyên nhân của tình trạng lãng phí này bắt nguồn từ mặt trái của xã hội hóa và ăn hoa hồng của trình dược viên và các nhà sản xuất thực phẩm chức năng".