Bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia sẻ cách phòng bệnh ung thư đầy đủ từ ăn đến thở

HNguyen,
Chia sẻ

Nhắc đến ung thư, ai cũng sợ. Không sợ sao được khi mà tỉ lệ người mắc và chết vì bệnh ung thư trên toàn thế giới vẫn ngày một gia tăng.

Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam đứng ở vị trí thứ 78 trong 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ chết vì ung thư cao. Không chỉ số lượng người mắc bệnh ung thư, mà chi phí điều trị bệnh ung thư cũng liên tục tăng. Chính bởi vậy mà nhiều gia đình bệnh nhân không có khả năng chi trả cho số chi phí quá lớn, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ bệnh nhân chết sớm vì ung thư vẫn ở con số cao.

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia sẻ cách phòng bệnh ung thư đầy đủ từ ăn đến thở - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh mong muốn mọi người cần "LƯU Ý" và "THAY ĐỔI" để bảo vệ mình trước bệnh ung thư.

Ở góc độ là một người thầy thuốc, bác sĩ Trần Quốc Khánh (công tác tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) thực sự đã có những trăn trở về căn bệnh nan y này. Hơn bao giờ hết, bác sĩ muốn gửi thông điệp tới cho tất cả mọi người rằng: Đối với bệnh ung thư, DỰ PHÒNG là điều đầu tiên cần làm. Muốn dự phòng bệnh ung thư, chúng ta cần "LƯU Ý" và "THAY ĐỔI".

Cùng với đó, bác sĩ Khánh đưa ra một số những cách phòng ngừa bệnh ung thư mà bất kì ai cũng có thể làm được như sau đây:

1. Ăn uống lành mạnh và tránh chất bảo quản thực phẩm

Ung thư thực quản, dạ dày, gan, đường tiêu hoá là những loại ung thư có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống của chúng ta. Ngoài ra, rất nhiều những bệnh lý và bệnh ung thư khác cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những gì chúng ta đưa vào miệng. Vì vậy, trong chuyện ăn uống, cần chú ý:

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia sẻ cách phòng bệnh ung thư đầy đủ từ ăn đến thở - Ảnh 2.

- Tránh sử dụng thực phẩm chứa độc tố Aflatoxin (gây ung thư gan) như nấm mốc, các loại tương lên men, hắc xì dầu, thực phẩm đã mốc... cũng như các loại cà muối, dưa muối, củ cải muối lâu ngày.

- Tránh ăn các loại thức ăn bị cháy khét. Hạn chế chiên, nướng, xào, rán. Hạn chế sử dụng nhiệt độ quá cao trong quá trình chế biến thực phẩm. Nên ưu tiên các món hấp, luộc...

- Hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, paté, các thực phẩm có nhiều chất bảo quản, hàm lượng muối quá cao, chất tạo hương, chất tạo mùi, phụ gia, hoặc phẩm màu.

- Tạo thói quen sử dụng các loại rau, củ, quả, chất xơ và các loại hạt (lạc, vừng, điều, ô liu, hạnh nhân, hướng dương..) trong chế độ ăn hằng ngày. Tăng cường sử dụng các thực phẩm chống oxi hoá, nhiều vitamin A, C như cà-rốt, cam, chanh, đu đủ, cà chua, trà xanh, xúp lơ…và đặc biệt là các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ..) và các loại bầu, bí (bí đỏ, bí xanh..). Nên ưu tiên các loại thịt trắng (gà, vịt, chim..) và hải sản, các loài cá.

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia sẻ cách phòng bệnh ung thư đầy đủ từ ăn đến thở - Ảnh 3.

- Bổ sung đủ Vitamin D hằng ngày: Ngoài việc mọi người cần vận động thể dục đều đặn hằng ngày dưới điều kiện ánh sáng tự nhiên (cần tránh khoảng thời gian 10h-16h), chúng ta cũng cần chủ động uống bổ sung Vitamin qua đường ăn uống.

- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm để quá lâu, thực phẩm đã có mùi, thực phẩm đã chế biến quá 24 giờ, thực phẩm quá mặn, quá ngọt hoặc quá nóng, quá lạnh. Thức ăn nóng và có dầu mỡ không nên đựng trong các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, xốp, nylon. Thủy tinh, sứ là những vật liệu an toàn đối với việc lưu trữ thực phẩm.

2. Xây dựng lối sống lành mạnh và cân bằng chúng

- Cân bằng hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn giúp giải tỏa stress để tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự nhen nhóm phát triển của tế bào ung thư.

- Tránh hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu.

- Tiêm phòng đầy đủ để ngăn ngừa những căn bệnh truyền nhiễm như viêm gan virus, human papillomavirus (HPV) bởi đây là các nguyên nhân gây ung thư gan và cổ tử cung rất phổ biến ở Việt Nam.

- Luôn lắng nghe cơ thể mình! Khi thấy mệt mỏi, nhức xương về sáng, chóng mặt, ăn không ngon miệng, mất ngủ… nên chủ động đi kiểm tra sức khoẻ sớm.

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia sẻ cách phòng bệnh ung thư đầy đủ từ ăn đến thở - Ảnh 5.

3. Tập thể thao để tăng cường chuyển hoá & sức đề kháng

Đây là giải pháp nâng cao sức khoẻ & cải thiện hệ thống miễn dịch rất tốt và ai cũng có thể thực hiện được. Thật buồn khi theo tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất.

Yoga, thiền… là những môn thể thao giúp cải thiện đường hô hấp rất tốt.

4. Tránh tiếp xúc với hoá chất, thuốc tây và các tia bức xạ

- Một số hoá chất sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chăm sóc sắc đẹp, in ấn, da giày, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, mực in, chất tạo màu... có chứa nhiều hoá chất tăng nguy cơ ung thư. Do đó, chúng ta cần mang bao tay, khẩu trang, tăng cường thông thoáng khí, sử dụng các hệ thống lọc khi tiếp xúc.

- Hạn chế tác hại của tia tử ngoại (đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lúc cường độ tia tử ngoại cao nhất trong ngày) bằng cách sử dụng kem chống nắng, dùng mũ, dù che nắng khi tiếp xúc với tia tử ngoại và hạn chế tối đa xuất hiện ngoài trời trong khung giờ trên. Những tia xạ này chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư da, ung thư bạch cầu, ung thư giáp.

- Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các hoá chất bảo vệ và kích thích tăng trưởng...

5. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Xây dựng thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho mình và người thân, ít nhất 6 tháng/lần. Và mỗi gia đình nên có "Quỹ tài chính cho sức khoẻ" để hằng năm cả nhà đi kiểm tra sức khoẻ. Vì với tất cả các loại ung thư, việc phát hiện sớm đóng vai trò quyết định trong điều trị & tiên lượng.

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia sẻ cách phòng bệnh ung thư đầy đủ từ ăn đến thở - Ảnh 7.

6. Tạo cơ hội hít thở không khí trong lành

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các trung tâm thành phố lớn đang ngày càng trở nên trầm trọng. Mong chờ một giải pháp vĩ mô với nước ta hiện nay thực sự là hơi xa vời. Chỉ có mỗi chúng ta tự "cứu" lấy mình trước. Và những việc chúng ta có thể làm là:

- Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, càng nhiều cây xanh càng tốt. Nếu không, có thể cân nhắc lắp đặt các loại máy lọc không khí.

- Cuối tuần nên tạo thói quen cho cả nhà ra ngoại ô, vùng biển hoặc lên núi, đồi, nơi nhiều cây xanh để "thanh lọc" hệ hô hấp.

- Nên đeo kính và khẩu trang khi ra đường, để bảo vệ mắt & đường hô hấp tránh khói & những hạt bụi vô cùng nhỏ.

7. Chú ý về nguồn nước

- Có thể lắp đặt thêm những hệ thống lọc nước trong nhà. Nếu có thể, sau 1 khoảng thời gian nhất định, nên lấy vài mẫu nước mình đang sử dụng đi kiểm tra chất lượng & các thành phần.

- Mỗi cục pin chúng ta thải ra môi trường là thêm một lần ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất-nước và tương lai con em chúng ta sẽ là người gánh chịu. Vậy nên hãy làm một việc làm rất nhỏ thôi là bạn đã bảo vệ được rất nhiều người. Đó là: Những cục pin đã hết sử dụng, anh chị gom lại vào một cái hộp rồi gửi về những địa chỉ thu nhận pin đã qua sử dụng nhé.

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức chia sẻ cách phòng bệnh ung thư đầy đủ từ ăn đến thở - Ảnh 9.

8. Hạn chế tiếp xúc với A-mi-ăng

Tác hại của Amiăng đến sức khoẻ người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi - Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với amiang thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu (từ 20-30 năm) nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.

Cách dự phòng các bệnh có liên quan đến Amiăng tốt nhất đó chính là không sử dụng các sản phẩm được làm từ amiang, đặc biệt là các loại tấm lợp nhà cửa, anh chị nhé!

Chia sẻ