Ấn Độ ngày thứ 5 liên tiếp có số ca mắc mới cao kỷ lục, Philippines vượt mốc 1 triệu người nhiễm COVID-19

Quỳnh Chi (Theo Worldometers),
Chia sẻ

Đến sáng 26/4, thế giới có trên 148,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,13 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 32,8 triệu ca mắc và hơn 586.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 30.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 17,6 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 197.900 trường hợp thiệt mạng. Ngày 26/4, Ấn Độ báo cáo trên 319.400 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất thế giới. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận những kỷ lục đau buồn vì COVID-19.

Dịch bệnh đang vượt khỏi tầm kiểm soát của hệ thống y tế của Ấn Độ. Thủ tướng nước này Narendra Modi đã kêu gọi người dân đi tiêm vaccine COVID-19, đồng thời thận trọng trước cơn bão lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang làm rúng động nước này. Các chuyên gia dự báo, làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ hiện nay sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 tới với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ở mức 500.000 trường hợp, sau đó có thể giảm xuống trong thời gian từ giữa tháng 6 đến tháng 7.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh và Pháp thông báo sẽ gửi các thiết bị y tế, máy trợ thở, đồ bảo hộ y tế và nguyên liệu để sản xuất vaccine đến Ấn Độ nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này ngăn chặn đợt bùng phát hiện nay.

Ngày 26/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới bày tỏ, tình hình dịch Covid19 tại Ấn Độ là "vô cùng thương tâm" và tổ chức này sẽ triển khai thêm nhân viên, hàng tiếp tế để trợ giúp Ấn Độ chống dịch. Phát biểu tại họp báo, ông Tedros nêu rõ, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ cung cấp thiết bị quan trọng, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động cũng như vật tư phòng thí nghiệm. Ngoài ra, hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của Tổ chức Y tế Thế giới đã được cử tới hỗ trợ Ấn Độ. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cam kết cung cấp tất cả sự hỗ trợ cho Ấn Độ.

 - Ảnh 1.

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 5 ngày qua. (Ảnh: AP)

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 28.600 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 391.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khỏi quan ngại.

Tình hình dịch tại Philippines tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 26/4, Philippines báo cáo trên 8.900 ca mắc COVID-19. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã vượt mức 1 triệu ca, bao gồm hơn 16.800 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc đã tăng gấp đôi từ mức 500.000 ca lên hơn 1 triệu trường hợp chỉ trong 3 tháng qua, vượt cả mức đỉnh của làn sóng dịch hồi tháng 8/2020. Nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh.

Trước tình hình trên, Philippines đã áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại vùng đô thị Manila và 4 tỉnh phụ cận kể từ cuối tháng 3 và dự kiến sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế này. Hệ thống y tế Philippines đang căng thẳng dưới áp lực leo thang từ số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Các bệnh viện ở thủ đô Manila đang rơi vào tình trạng quá tải với số lượng lớn các bệnh nhân nặng. Hiện Philippines là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Tại Campuchia, số ca mắc mới trong 1 ngày vẫn tiếp tục tăng ở mức 3 con số. Dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia. Thủ đô Phnom Penh và 2 thành phố có tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ tiếp tục bị phong tỏa để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng gồm thành phố Ta Khmau của tỉnh Kandal và thành phố Preah Sihanouk của tỉnh Preah Sihanouk. Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh và cho phép mở cửa trở lại các điểm du lịch trên toàn quốc, trừ các địa phương đang bị phong tỏa. Quyết định cho phép đi lại giữa các tỉnh và mở cửa các điểm du lịch trên toàn quốc được Chính phủ Campuchia đưa ra nhằm hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của người dân.

 - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia. (Ảnh: AP)

Mặc dù xây dựng hàng loạt các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng ở thủ đô Phnom Penh, vẫn còn khoảng 3.000 người nhiễm COVID-19 chưa được nhập viện. Để giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện nhà nước, Bộ Y tế Campuchia đã cho phép các bệnh viện tư được nhận chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Theo thông báo, ngày 26/4, Campuchia ghi nhận thêm 580 ca dương tính với COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 337 trường hợp ở thủ đô Phnom Penh, 91 ở tỉnh Preah Sihanouk, 51 ở tỉnh Kandal. Đặc biệt, tỉnh Bantey Meanchey giáp với biên giới Thái Lan cũng ghi nhận đến 91 ca dương tính.

Tại Lào, số ca mắc mới ở mức 2 con số (với 113 trường hợp vào ngày 26/4, đều là lây nhiễm trong cộng đồng) tiếp tục xảy ra trong 2 ngày liên tiếp, điều chưa từng được ghi nhận tại đây trong suốt 2 năm qua. Tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Vientiane. Bộ Y tế Lào cho biết, biến thể từ Anh chính là nguyên nhân của làn sóng COVID-19 thứ 2 tại nước này. Đến nay, Lào ghi nhận 436 ca mắc COVID-19, chưa có trường hợp tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan, nơi có hệ thống y tế tốt nhất Đông Nam Á, đã lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì đại dịch COVID-19 theo ngày ở mức hai chữ số với 148 trường hợp thiệt mạng vào ngày 26/4. Cùng ngày, Thái Lan xác nhận 2.048 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở quốc gia này lên trên 57.500 trường hợp.

Giới chức Thái Lan nhận định, nếu số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tiếp tục ở mức 1.500 ca mỗi ngày, tất cả các giường điều trị tích cực ở thủ đô Bangkok sẽ kín bệnh nhân trong vòng vài ngày tới và trên toàn quốc trong khoảng 2 tuần tới.

Chia sẻ