Ăn cơm chan canh với cà muối ngon miệng thật nhưng cần hết sức cẩn trọng!
Cà muối vẫn còn sống chưa đủ lên men chứa độc tố solanin, sử dụng thùng sơn để muối cà... đều khiến sức khỏe của bạn bị tổn hại.
Vào mùa hè, cà muối ăn cơm kèm canh luôn được coi là món khoái khẩu, giúp đưa cơm, ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần nắm rõ cách ăn cà nếu không muốn mình bị ngộ độc, tổn hại sức khỏe.
Cà muối là món ăn khoái khẩu trên mâm cơm của gia đình người Việt.
Cà sống chưa đủ lên men chứa độc tố solanin
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, cà pháo có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tiêu viêm, nhuận tràng, chỉ thống, chữa nóng lạnh, ngũ tạng hao tổn, tiêu sưng, cầm máu, tán huyết ứ, lợi tiểu, kích thích gan và tụy, kích thích tim, chữa táo bón giảm niệu, xuất huyết đại tràng, đái ra máu, đi lỵ ra máu, phụ nữ rong kinh.
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, cà pháo chứa hàm lượng vitamin E, P cao, protein và các khoáng chất như sắt, canxi, magie, phốt pho, Nightshade soda – có tác dụng phòng chống ung thư, ức chế tăng sinh khối u ở hệ thống tiêu hóa.
Trong Đông y, cà pháo có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tiêu viêm, nhuận tràng...
"Mặc dù vậy, trong cà pháo, đặc biệt là loại cà xanh lại có chất solanin cao gấp 10-15 lần so với mức an toàn khi tiếp xúc với cơ thể. Loại chất này chính là phần chất độc nằm ở mầm xanh hoặc những phần màu xanh của khoai tây. Chỉ với hàm lượng nhỏ solanin cũng có thể khiến bạn bị ngộ độc", lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
Vào mùa hè, chúng ta thường có thói quen ăn cà muối xổi, thậm chí chỉ muối được vài tiếng là ăn luôn. Cà muối xổi chan với canh húp xì xụp dường như là món không thể thiếu trên mâm cơm mùa hè, giúp bạn ăn ngon miệng. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, việc ăn cà muối kiểu này chưa đảm bảo cà được lên men, cà thậm chí còn sống nguyên nên nguy cơ bị ngộ độc do nhiễm solanin là điều khó tránh.
Do đó, cách tốt nhất là ăn cà muối chua, hoặc muối cà 1 ngày rồi mới ăn. Mỗi lần ăn, bạn cũng không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ, người già, người ốm mệt, phụ nữ mang thai, sau sinh, người mới ốm dậy… không nên ăn cà.
Ăn cà muối xổi, bạn có nguy cơ bị ngộ độc do nhiễm solanin.
Ăn cà muối trong thùng sơn có nguy cơ bị ung thư
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), cà muối hoàn toàn có thể gây độc cho cơ thể nếu bị nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, chuyên gia đặc biệt lưu ý việc muối cà trong thùng sơn.
"Hầu hết các thùng đựng sơn đều được làm từ nhựa Polime đã kết dẻo, tạo thành từ những đơn chất có tên là monome. Trong quá trình chế tạo, các phân tử này có thể vẫn tồn tại và hòa tan vào nước. Do đó, khi chúng ta muối cà, chất này có khả năng hòa tan vào nước muối. Sau đó sẽ ngấm vào cà, đi vào máu, tế bào qua đường ăn uống, lâu dần có thể gây ung thư", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Chưa hết, dư lượng chất phụ gia, chất tạo màu còn sót lại ở thùng sơn cũng khiến cơ thể bị nhiễm độc khi ăn cà muối. Do đó, nếu bạn không tự muối cà mà đi mua ngoài hàng, nhất định phải xem xét cà được muối trong vật dụng nào.
Chuyên gia khuyến cáo không được muối cà vào thùng sơn.
Nên muối dưa cà thế nào là tốt nhất?
Tốt nhất là cà nên được muối trong vại gốm, sành không trang trí lòe loẹt hoa văn, màu sắc. Hoặc có thể muối cà bằng nhựa màu trắng, có độ bền và độ dẻo, sản xuất từ nhựa PVC, đảm bảo chất lượng an toàn. Trước khi muối cà phải rửa sạch nguyên liệu và các dụng cụ để muối thật kỹ. Cần tạo môi trường lên men tốt và giữ gìn vệ sinh trong quá trình muối cà. Khi lấy cà ra ăn mà vẫn có vị ngai ngái thì cần dừng lại, không ăn nữa. Khi ăn những loại cà chưa "chín", bạn sẽ thấy ngứa trong họng, thậm chí bị buồn nôn, nôn mửa, choáng váng, nhức đầu, hôn mê do nhiễm độc sonalin.
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ăn cà nén hoặc muối chua nổi váng màu vàng hoặc đen. Vì đây đều là những dấu hiệu cho thấy cà nhiễm khuẩn nấm độc hại, ăn loại cà này về lâu dài có thể bị ung thư gan, tim, phổi… Tuyệt đối không ăn cà muối xổi, ăn cà muối chấm mắm tôm sẽ tạo điều kiện sản sinh độc tố nitrosamine, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.