Ai bảo chỉ trẻ em mới bị nhiễm trùng tai, chị em cũng rất dễ mắc bệnh bởi những lý do đơn giản thế này
Bạn có biết phụ nữ trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng tai không kém trẻ em?
Ngoài trẻ nhỏ, người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng tai. Chứng bệnh này thường được chia thành hai loại: Nhiễm trùng tai giữa và nhiễm trùng tai ngoài. Theo Andy Ahuja, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tại Houston, tai giữa là bộ phận nằm sau màng nhĩ. Chúng thường bị nhiễm trùng do cảm lạnh hoặc các bệnh đường hô hấp.
Nhiễm trùng tai ngoài xảy đến khi nước bị mắc kẹt trong tai và vi khuẩn tấn công. Bệnh này hiếm khi tạo nên nhiều biến chứng nghiêm trọng. Dù vậy, nhiễm trùng tai cũng gây ảnh hưởng lớn tới chức năng nghe, làm mất thính lực. Dưới đây là những điều bạn nên biết về bệnh nhiễm trùng tai:
Những chuyến bay làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Khi ở trên cao cách mặt đất 9km, bạn có nguy cơ mắc bệnh này. Monika Shirodkar, dược sĩ kiêm bác sĩ Tai Mũi Họng tại Trung tâm y khoa Jefferson Health (Mỹ) cho biết, không khí có thể kích thích, cản trở hoạt động của vòi nhĩ. Đây là một đoạn ống xương sụn nối từ họng đến tai giữa. Vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập khi bộ phận này gặp trục trặc. Ngoài ra, mất cân bằng áp suất không khí trong tai giữa với môi trường xung quanh có thể làm gia tăng mức độ đau đớn. Nếu phải đi máy bay khi đang bị ốm, bạn nên cân nhắc sử dụng thuốc để làm sạch vòi nhĩ.
Sử dụng tăm bông khiến ráy tai bị đẩy sâu vào trong
Murray Grossan, chuyên gia y khoa đồng thời là nhà sáng lập tổ chức sức khỏe Grossan Sinus, tác giả cuốn sách The Whole Body Approach to Allergy and Sinus Health đã chỉ ra, làm sạch tai bằng tăm bông là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng tai. Khi sử dụng loại tăm này, ráy tai thường bị đẩy sâu vào trong thay vì dính vào bông. Tại đây, chúng tích tụ và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Bạn cũng không nên loại bỏ ráy tai thường xuyên. Chất nhầy này có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa bụi bẩn, hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào sâu trong tai, gây nhiễm trùng.
Nhiễm trùng tai thực chất là chứng rối loạn thái dương hàm
Chúng ta thường cho rằng đau tai là một triệu chứng của nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, khi đi khám, bạn lại nhận được kết quả kiểm tra tai hoàn toàn bình thường. Đây có thể là dấu hiệu của hội chứng rối loạn dương hàm hay cứng khớp hàm. Mona Gohara, dược sĩ kiêm bác sĩ đa khoa tại Đại học Yale, New Haven (Mỹ) giải thích, vì khớp hàm nằm ngay cạnh ống tai và tai giữa nên khi nghiến răng, bạn có thể lầm tưởng cơn đau đến từ tai. Những bài kiểm tra sức khỏe lâm sàng sẽ giúp bạn phân biệt giữa nhiễm trùng tai với hội chứng rối loạn dương hàm hiệu quả.
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng tới phổi mà còn gây hại cho tai. Emmanuel Abraham, nhà nghiên cứu kiêm tư vấn y khoa khoa hô hấp tại Bệnh viện Sourasky (Israel) cho biết, hít phải khói thuốc sẽ làm kích thích toàn bộ hệ thống hô hấp, trong đó có vòi nhĩ nối từ họng tới tai giữa. Điều này có thể tạo môi trường sản sinh vi khuẩn, gây nên nhiễm trùng tai. Vì vậy, những người thường xuyên sống trong môi trường khói thuốc, đặc biệt là trẻ em, sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả những người hút thuốc.
Không chữa trị bệnh có thể dẫn tới điếc
Nhiễm trùng tai thường gây cản trở quá trình tiếp nhận âm thanh từ bên ngoài. Nếu không điều trị kịp thời hay cố tình lờ đi, chứng bệnh này có thể gây mất thính giác vĩnh viễn. Theo David Rosenstreich, chuyên gia y khoa kiêm trưởng khoa tai-mũi-họng tại Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx, New York, chúng có thể phá hủy cấu trúc của tai giữa.
Đa số những người bị nhiễm trùng tai thường phải đối mặt với những cơn đau dai dẳng như đau răng. Tuy vậy, họ thường chỉ đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng đã trở nên trầm trọng. Đừng bao giờ tự chữa bệnh khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bạn nên thực hiện một số bài kiểm tra lâm sàng để xác định nguyên nhân và đưa ra cách điều trị bệnh phù hợp.
(Nguồn: Womenshealthmag)