8x Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm giúp bạn tỉnh táo, không bị cuốn vào cơn sốt mua sắm Black Friday
Black Friday là cơ hội mua sắm giá hời nhưng cũng là "con dao hai lưỡi" nếu bạn không kiểm soát được bản thân sẽ dễ dẫn đến việc bội chi.
Sắp đến Black Friday, chị Trần Thu Trang (hiện đang sống ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng các chị em cần có kinh nghiệm để không bị cuốn vào cơn sốt mua sắm rồi tốn tiền mua toàn những thứ không thực sự cần.
"Mình may mắn chỉ là người cuồng mua sách. Dịp 11/11 vừa qua mình mua đâu ngót 3 triệu tiền sách. Kể ra nếu không tính sách thì mình cũng có thể xếp vào dạng ít mua sắm.
Nguyên nhân rất đơn giản, mình tính tình hướng nội cô độc lập dị, không thích hùa theo xu hướng của đám đông, không muốn chất thêm gánh nặng cho môi trường, lại không giỏi kiếm tiền.
Mua gì mình cũng ưu tiên những thứ có công năng cơ bản nhất, có chất lượng tốt, hình dáng gọn gàng để gắn bó lâu dài và không phiền toái khi sử dụng. Đại khái là tư duy ăn chắc mặc bền điển hình của người hay lo xa. Trong khi phụ nữ bình thường tiêu tốn rất nhiều tiền cho việc nuôi dạy con và chăm sóc nhan sắc, mình lại tiết kiệm được phần lớn", chị Trang chia sẻ.
Sau đây là một số nguyên tắc chị Trần Thu Trang áp dụng để không vướng vào cảm giác ăn năn vì để bản thân thành con mồi trong các chiến dịch kích thích mua sắm.
1. Với quần áo và phụ kiện (khăn mũ, giày dép, túi xách, thắt lưng...)
Mua các món có kiểu dáng đơn giản cơ bản với màu sắc trung tính để dễ phối và phù hợp với nhiều tình huống, kiểu như áo thun xám, giày đen. Nếu không thể chờ đến lúc rách/hỏng mới mua món khác thì hãy làm theo nguyên tắc "cứ mua một món mới thì phải tiễn đi một món cũ".
2. Với đồ bếp
Xoay xở bằng những món đồ cơ bản nhất của một người học việc bếp là xoong chảo dao thớt đũa xẻng, nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng (cái này tùy nhu cầu mà có thể thay bằng nồi chiên không dầu).
Tránh mua các món thuộc dạng "các mẹ đảm (đặc biệt là các KOL) khuyên dùng" vì trong nhiều trường hợp, người ta khuyên dùng là để tốt cho người ta (hợp đồng tài trợ quảng cáo), không phải tốt cho mình.
3. Với các đồ khác
Nếu không phải các món cần khẩn cấp, luôn dành thời gian đôi ba tuần nghiên cứu thông tin, nghe ngóng kinh nghiệm người dùng thật trước khi mua. Khi nghiên cứu nghe ngóng thì chú ý tìm đọc các ý kiến chê, các bài review cho điểm thấp để lường trước nhược điểm của sản phẩm và né bẫy "review 5 sao bơm thổi". Đặc biệt chú ý đến thông số kích thước và mường tượng cảnh nó ở trong tay/nhà mình, để tránh việc ship đến nơi rồi mới thấy to/bé quá rồi lo đổi trả này kia.
Tóm lại, trước khi mua cái gì, hãy luôn đặt ra một số câu hỏi như "Mình thực sự cần chức năng gì ở nó?", "Mua xong, mình sẽ để nó ở đâu?", "Mình có cần nó thường xuyên đến mức phải rước nó về để lù lù trong nhà không?", "Mình có thể thay thế nó bằng cái gì sẵn có không?", "Nếu không mua nó, mình có thể dùng số tiền này vào việc gì?", "Nhỡ mua xong mà thấy chán thì mình sẽ giải quyết nó ra sao?"... Nếu sau khi đã trả lời cả loạt câu mà thấy vẫn thấy cần/muốn mua thì các bạn hãy mua.
Bài viết ghi theo chia sẻ của NV