82% dân văn phòng thích lời khen hơn quà cáp và tiền thưởng, vậy sao chúng ta cứ mãi “dìm hàng” đồng nghiệp?

Louis,
Chia sẻ

Câu chuyện giao tiếp với đồng nghiệp là vấn đề muôn thuở của dân văn phòng và chiếc chìa khóa khai mở vấn đề này đôi khi chỉ đơn giản nằm ở một lời khen ngợi.

Lời khen đáng giá hơn quà cáp, lương, thưởng

Vào mỗi buổi sáng, Alex Charfen - CEO của trung tâm đào tạo và tư vấn kinh doanh Charfen thường hỏi nhân viên mình rằng: "Những ai muốn trở thành người đặc biệt trong ngày hôm nay nào?".

Giải thích về hành động này, vị CEO tài năng cho hay: “Tôi nghĩ rằng điều này sẽ thúc đẩy tất cả mọi người từ bản thân tôi đến các nhân viên dám nghĩ và nêu ra các ý tưởng mới để gây ấn tượng với mọi người; giúp mọi người suy nghĩ tích cực hơn trong công việc hay khi làm việc với khách hàng, đối tác".

82% dân văn phòng thích lời khen hơn quà cáp và tiền thưởng, vậy sao chúng ta mãi cứ “dìm hàng” đồng nghiệp? - Ảnh 1.

Bởi lẽ, theo như Charfen các nhân viên của mình chưa thật sự được công nhận theo đúng như khả năng của họ. Là một người từng trải, ông cũng hiếm khi được khen ngợi hay tung hô. Và theo ông, phong cách cũng như văn hóa làm việc hàng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ, hiệu quả làm việc của nhân viên.

Do đó, khen ngợi và khích lệ nhân viên là một trong những cách tốt và hiệu quả nhất để cổ vũ và vực dậy tinh thần của cấp dưới. Việc này có thể được thực hiện một cách vô cùng dễ dàng và chẳng tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc; tuy nhiên, rất nhiều nhà lãnh đạo thường quên đi hoặc cố tình phớt lờ.

82% dân văn phòng thích lời khen hơn quà cáp và tiền thưởng, vậy sao chúng ta mãi cứ “dìm hàng” đồng nghiệp? - Ảnh 2.

Stephen Twomey, CEO của Traverse City từng khen thưởng một nhân viên trước toàn thể công ty và kết quả hết sức bất ngờ. "Năng suất làm việc của toàn công ty tăng 30%. Tôi không nghe thấy bất kỳ lời phàn nàn nào về việc đánh giá thấp nhân viên hay yêu cầu tăng lương kể từ lúc đó. Có thể nói, mọi nhân viên đều muốn được truyền cảm hứng từ cấp trên".

Một khảo sát từ OfficeVibe đã chỉ ra, có tới 82% các nhân viên được hỏi trả lời rằng mình "thích" 1 lời động viên hay khen ngợi còn hơn cả quà cáp hay tiền thưởng. Rõ ràng lời khuyên đến từ sếp là thứ vô cùng giá trị, đáng giá hơn nhiều so với những thứ vật chất khác.

82% dân văn phòng thích lời khen hơn quà cáp và tiền thưởng, vậy sao chúng ta mãi cứ “dìm hàng” đồng nghiệp? - Ảnh 3.

Là đồng nghiệp, sao không khen mà cứ mãi dìm?

Nhìn rộng ra một chút, có thể dễ dàng nhận thấy được rằng, môi trường công sở vốn nhộn nhịp và đông đúc. Bên cạnh sếp, thời gian chị em công sở dành cho những người đồng nghiệp nhiều hơn một ai hết. Vì dành nhiều thời gian tiếp xúc và tương tác với nhau, cho nên, câu chuyện giao tiếp nơi công sở vẫn luôn là vấn đề được nhiều chị em làm trong môi trường văn phòng quan tâm.

Ông bà ta vẫn dạy rằng: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Do đó, trong việc giao tiếp hằng ngày nơi công sở, dù muốn dù không, chúng ta vẫn nên dĩ hòa vi quý.

82% dân văn phòng thích lời khen hơn quà cáp và tiền thưởng, vậy sao chúng ta mãi cứ “dìm hàng” đồng nghiệp? - Ảnh 4.

Đồng ý rằng, công việc áp lực, khách hàng chỉ trích, cấp trên phê bình khiến trong nhiều trường hợp chúng ta khó có thể kiểm soát được cảm xúc cũng như phát ngôn của bản thân. Tuy nhiên, trên tinh thần “lời ngọt lọt đến xương”, chúng ta vẫn nên nhẹ nhàng và từ tốn với nhau.

Tuy nhiên, môi trường công sở vẫn luôn tồn tại một văn hóa rất đỗi xấu xí mang tên đấu tố và dìm hàng lẫn nhau. Có khá nhiều lý do khiến người ta luôn săm soi, chỉ trích cũng như nhắm vào điểm yếu của người khác, có thể kể đến như sự ganh tỵ, sợ họ giỏi hơn mình, sợ họ đạt được thành công sớm hơn bản thân mình hoặc đơn giản chỉ là thấy ghét nên dìm thôi.

Tuy nhiên, điều này chẳng hề tích cực một chút nào. Bởi lẽ, đồng nghiệp là những con người sẽ trực tiếp làm việc cùng chúng ta trong một quãng thời gian khá dài. Dù muốn, dù không, ít nhất cũng sẽ chạm mặt nhau trong những dự án của công ty.

82% dân văn phòng thích lời khen hơn quà cáp và tiền thưởng, vậy sao chúng ta mãi cứ “dìm hàng” đồng nghiệp? - Ảnh 5.

Cho nên, thay vì cứ đi nhìn vào điểm yếu để chỉ trích, “dìm hàng” người khác, sao chúng ta không tích cực khen ngợi ai đó một cách thật lòng. Trong công việc, một khi đồng nghiệp đạt được một thành tựu nhất định, dù lớn nhỏ chưa kể đến, chị em cũng nên động viên, khích lệ để họ cảm thấy được quan tâm, được khuyến khích, từ đó phấn đấu hơn trong công việc và có nhiều cống hiến cho công ty.

Chưa kể đến những lời khen ngợi ngày hôm nay sẽ mang đến những xúc cảm tích cực và khiến người được động viên “khắc cốt ghi tâm”. Để rồi khi bản thân chúng ta ở trong tình cảnh tương tự, những lời động viên khích lệ ấy sẽ biến thành chất xúc tác cho những thành công vang dội tiếp theo. Lời khen chẳng mất tiền mua, sao chúng ta lại phải cứ dìm nhau làm gì, đúng không chị em công sở?

Chia sẻ