8/3 trong những ngày "đỉnh dịch" ở trạm y tế có 100% cán bộ, nhân viên là F0
Trạm y tế phường Trung Văn có 7 người thì toàn bộ đều là F0. Trong những ngày Hà Nội ở đỉnh dịch họ vẫn căng mình tiến hành lấy mẫu test nhanh tại trạm, tại nhà cho 300-400 trường hợp/ngày cũng như cùng lúc tiếp nhận 2000-3000 tin nhắn của người dân gửi đến.
Những ngày này, tại Trạm Y tế phường Trung Văn toàn bộ khu vực này đã được cách ly y tế do nhiều nhân viên trở thành F0. Tuy cách ly nhưng những người phụ nữ từ Trưởng trạm đến nhân viên y tế không có lấy một ngày nghỉ mà thay vào đó phải luân phiên nhau xử lý khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày từ sáng cho tới đêm, thậm chí kéo dài đến sáng hôm sau.
"Trạm F0"
Bà Nguyễn Trà My, Phó Trưởng Trạm y tế phường Trung Văn cho biết, tổng lượng nhân viên tại trạm tính cả bảo vệ là 8 người, tất cả đều đã mắc Covid-19. Trong đó, người cuối cùng mắc gần đây nhất là trước ngày 2/3.
"Trước khi tất cả nhân viên y tế tại trạm mắc Covid-19, chúng tôi phải tiến hành lấy mẫu test nhanh tại trạm, tại nhà ít nhất từ 300-400 trường hợp/ngày. Ngoài việc lấy mẫu, đội ngũ y tế còn phải điều tra dịch tễ, khai báo online, làm giấy xác minh hưởng bảo hiểm xã hội……
Hiện chúng tôi sử dụng 3 nhóm Zalo kết nối chia theo tổ dân phố. Mỗi ngày một nhóm tiếp nhận 2000-3000 tin nhắn. Có người làm hành chính, người thống kê báo cáo, người làm tờ trình quyết định,…
Khoảng 2 tuần gần đây Hà Nội đang cận đỉnh dịch nên khối lượng công việc, thủ tục hành chính nhiều. Hiện trạm còn 5 người vẫn đang dương tính trong đó có cả tôi nhưng phải cố gắng chia việc, có người làm ca đêm.
Năm nay, ngày 8/3 xa vời với mọi người bởi xa gia đình, chị em động viên nhau cùng cố gắng. Tôi mong sao ai nấy nhanh âm tính để giải quyết việc cho người dân, được về với các con, gia đình", bà Trà My nói.
Gần giờ cơm trưa, y sỹ Vũ Thị Hương Giang cùng các đồng nghiệp vẫn luôn tay vừa ghi chép vừa nhận cuộc gọi của người dân báo đến chưa nhận được giấy chứng nhận F0, giấy tờ hưởng bảo hiểm xã hội.
Chị Giang cho biết, những ngày qua trạm y tế luôn tấp nập người đến khai báo y tế từ sáng tới khuya. Tuy nhiên, mới đây chị là người mắc Covid-19 đầu tiên sau đó các nhân viên y tế lần lượt trở thành F0. Nơi đây trở thành địa điểm phải cách ly y tế, mọi công việc chuyển sang làm online.
"Hiện tại trạm y tế có 7 nhân viên y tế thì tất cả đã và đang bị Covid-19. Mỗi ngày có vài trăm người khai báo mắc Covid-19 mới, chưa kể xử lý những cuộc gọi đến. Nhân lực của trạm y tế ít nếu bớt đi một người nhân viên khác sẽ vất vả hơn nên dù rất mệt chúng tôi cũng phải cố gắng", chị Giang chia sẻ.
Khi toàn bộ nhân viên y tế là F0 đúng lúc dịch đang căng thẳng, bệnh nhân tăng mạnh. Chị Giang nghẹn ngào: "Có những đêm chúng tôi thức đến 6h sáng để xử lý việc và trả lời bệnh nhân, không có thời gian ngủ, nghỉ.
Có nhiều lúc bệnh nhân nhắn tin bảo sao dậy sớm thế nhưng thực ra chúng tôi chưa ngủ. Hôm nào sớm cố gắng thu xếp xử lý việc đến 1-2 giờ sáng. Nếu để nghỉ ngơi thì duy nhất mỗi người ngủ được khoảng 4 tiếng sau tiếp tục làm việc.
Bản thân mọi người ở đây đều là F0 nhưng vì công việc vẫn phải cố gắng làm hết sức. Tuy vậy không ít lần chúng tôi bị bệnh nhân và người nhà lăng mạ, xúc phạm vì gọi điện không được. Thực ra mọi người nếu ở đây mới hiểu được khối lượng công việc khổng lồ đến mức nào.
Lúc đó tôi nản lắm, chỉ muốn nghỉ việc luôn, mệt mỏi, tủi thân…".
Thời điểm tình hình dịch diễn biến căng thẳng nhất cũng là lúc chị Giang, nhiều nhân viên y tế ít có thời gian dành cho gia đình. Bản thân chị trước khi mắc Covid-19 nhiều hôm 1,2h sáng mới về với hai con nhỏ.
Cách đây 1 tuần các con chị cũng bị mắc Covid-19 nhưng chị chia sẻ thật không có thời gian để chăm lo cho các con. Có lúc chồng chị bị vẫn phải chăm con, đến khi chồng khỏi đi làm thì mẹ chị cũng là F0 hỗ trợ chăm.
"Đã là nhân viên y tế hầu như mọi người đều không có thời gian nhiều chăm sóc cho chồng con, gia đình. Nhiều lúc nhớ gọi điện nói chuyện. Câu nói khiến tôi đau lòng nhất đó là 'bao giờ mẹ về, bao giờ mẹ nghỉ?'.
Lúc đó, tôi chẳng biết trả lời các con ra sao? Tôi bảo chưa biết được bao giờ mẹ về mẹ sẽ về", chị Giang bật khóc.
Ngày 8/3 đối với những người làm công việc này họ coi đó như là ngày bình thường, không có gì thay đổi. Hỏi muốn nhận được món quà gì trong ngày này, chị Giang buột miệng: "Giờ tôi mong một ngày được ngủ nghỉ thật bình yên, không còn dịch, không phải sờ đến công việc, mong bệnh dịch mau qua đỡ khổ".
Món quà 8/3 tuyệt vời nhất
Có tổng 7 nhân viên y tế nhưng 4 người đã là F0 những ngày này với các nhân viên y tế phường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội) mọi việc vẫn diễn ra bình thường.
Bà Trần Ngọc Minh, Trưởng Trạm y tế phường Liễu Giai cho biết, số lượng F0 tăng đột biến, số hotline của trạm y tế phường không đủ để dân khai báo. Chính vì vậy trạm y tế đã tổ chức 1 phòng để F0 và người nhà khai báo trực tiếp, ngoài ra, người dân khai báo trên zalo, tin nhắn.
"Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 300-500 người khai báo F0 mới. Hiện nhân viên F0 đang được cách ly tại trạm y tế phường và vẫn làm việc bình thường. Người âm tính giải quyết trực tiếp với người dân. Ai F0 thì làm việc online, giấy tờ, thủ tục…
Với người khỏe làm việc rất mệt nhưng F0 mệt hơn nhưng mọi người động viên nhau phải cố gắng. Tôi mới mắc Covid-19 khỏi bệnh, đã 9 ngày qua tôi chưa về nhà.
Với chúng tôi, món quà 8/3 ý nghĩa nhất lúc này chính là được thấy mọi người bình an, sức khoẻ", bà Minh nói.
Chị Vũ Thị Phương (nhân viên y tế phường) được phân công nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân tại điểm trường mầm non của phường.
Là một trong hai người "bất tử" với Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại, chị Vũ Thị Phương (nhân viên y tế phường) được phân công nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân tại điểm trường mầm non của phường.
Gắn bó với công việc đến nay đã 10 năm nhưng thời gian này mới là những ngày chị Phương và các đồng nghiệp vất vả nhất. 2 tuần gần đây họ không có phút nghỉ ngơi, làm hết công suất cả ngày đêm.
"Thời gian qua có nhiều lúc áp lực với bản thân. Lúc thì tiếp đón F0, quản lý điều trị F0 tại nhà, tiêm Covid-19 cho công dân…nên con nhỏ tôi phải phụ thuộc hoàn toàn giúp đỡ gia đình. Nhiều lúc nghĩ mình bỏ mặc con ở nhà, đến cơ quan trực, làm việc.
Lâu rồi tôi không biết ngày thứ 7, Chủ nhật, không biết giờ hành chính... vì công việc mình đã chọn vẫn cố gắng làm", chị Phương chia sẻ.
Ngày 8/3 này, công việc của chị Phương cùng mọi người tại Trạm Y tế phường Liễu Giai không thay đổi, vẫn "làm việc và làm việc".
"Nhiều lúc chúng tôi có chút tủi thân vì cố gắng làm hết khả năng, trách nhiệm nhưng đôi lúc công dân lo lắng quá hoặc vấn đề gì đó họ không hiểu có lời lẽ làm mình buồn. Bên cạnh đó tôi cũng vui có nhiều trường hợp công dân được hỗ trợ khoẻ mạnh gửi lời cảm ơn.
Giờ tôi chỉ mong sao dịch đi xuống, người dân khoẻ mạnh, hy vọng năm sau sẽ có ngày 8/3 trọn vẹn, ý nghĩa", chị Phương tâm sự.