"COVID đâu thể làm chúng tôi gục ngã, F0 chính hiệu đây nhưng không nghỉ ngày nào"
Đó là lời của những chiến binh hằng ngày chiến đấu với thời gian để giành giật sự sống cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Ngày Thầy thuốc Việt Nam, họ chẳng mong điều gì lớn lao ngoài việc nhìn thấy bệnh nhân được rút ống nội khí quản, trở về với gia đình.
Có những lúc 1/2 nhân viên y tế là F0
Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (ĐH Y Hà Nội) những ngày này, hết ca này tới ca khác, các y bác sĩ tại đây vẫn luôn tay, luôn chân với công việc cứu chữa người bệnh. Ở đây, thời gian là vàng, không có chỗ cho sự do dự hay chậm rãi.
Mặc dù đang là F0 "chính hiệu" nhưng bác sĩ Lâm Thị Trang vẫn không cho phép mình một ngày ngơi nghỉ. Có lúc bị sốt cao, đau mỏi người nhưng sau khi hạ cơn sốt chị Trang lại khoác trên mình đồ bảo hộ cùng đồng nghiệp tiếp tục công việc bởi theo nữ bác sĩ "nếu mình nghỉ ngơi thì đồng nghiệp sẽ vất vả, gánh thêm phần việc của mình".
"Hiện tại, nhân viên y tế trở thành F0 rất nhiều. Ngay cả Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Tôn Thất Tùng cũng như cơ sở tại Hoàng Mai chiếm 1/3, thậm chí 1/2 nhân viên y tế là F0.
Nếu chúng tôi mà nghỉ thì gần như không còn ai. Do vậy những ai F0 nhưng triệu chứng nhẹ mọi người vẫn đi làm. Mình cố gắng hết sức, dồn 200-300% sức lực vì bệnh nhân. Nhìn khối lượng công việc như vậy nếu mình nghỉ ngơi thì đồng nghiệp sẽ vất vả. Tôi không thể chỉ nghĩ cho riêng mình mà còn vì đồng nghiệp, vì người bệnh nữa", chị Trang chia sẻ.
Tại khu điều trị người bệnh Covid-19 (ĐH Y Hà Nội) thời gian là vàng, không có chỗ cho sự do dự hay chậm rãi.
Vợ chồng cùng công tác trong ngành y nên có thời điểm cả hai đều tham gia chống dịch. Với chị Trang những lúc như vậy thật may vì được hai bên gia đình hỗ trợ chăm sóc con nhỏ. Có thời gian kéo dài hơn 2 tháng liên tục chị Trang không được về với con nhưng bản thân những người thầy thuốc không thể bỏ mặc được bệnh nhân của mình.
"Nhiều lúc nhớ con lắm nhưng vì dịch bệnh căng thẳng nên gửi gắm nỗi nhớ đó qua điện thoại. Vợ chồng cùng ngành nên thấu hiểu công việc của nhau và thường xuyên trao đổi, chia sẻ. Đó cũng là động lực để cùng phấn đấu, cố gắng vì người bệnh", chị Trang tâm sự.
Cũng đang là F0 tham gia điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu, điều dưỡng Đỗ Tân Minh chia sẻ tuy anh đang làm việc nhưng trong người vẫn mệt do mắc bệnh nhưng rồi anh cùng đồng nghiệp vẫn cố gắng vì người bệnh.
Tham gia điều trị tại đây đến nay được 4 tháng, anh Minh không thể nhớ hết mình đã hỗ trợ cấp cứu cho bao nhiêu bệnh nhân. Theo anh bệnh nhân nào cũng đã nặng, nguy kịch… Mỗi người là một câu chuyện, kỷ niệm.
"Như ca bệnh ở giường số 20, sau hơn 1 tuần đặt ống nội khí quản thì đến nay bệnh nhân đã có thể vận động, thở bình thường, khả năng sống 99%. Lúc đầu khi vào đây bệnh nhân có dấu hiệu rất nặng sau được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, điều trị trong thời gian ngắn sắp được trở về với gia đình.
Hiện bệnh nhân nói chuyện được, tiếp xúc rất tốt. Khi bệnh nhân được rút ống nội khí quản điều đầu tiên anh ấy nói đó là cảm ơn chúng tôi. Điều thứ 2, anh ấy nhớ về bố mẹ, muốn điện về cho gia đình đầu tiên. Ngay giường bệnh phía sau cũng có bệnh nhân vừa trải qua trận thập tử.
Nghe được những lời thân tình từ những người bệnh được cứu chữa, chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng, nó đơn giản nhưng chẳng gì có thể mua được", anh Minh nói.
"Niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân"
Tham gia chống dịch tại đây hơn 1 tuần qua, bạn Lâm Thị Trang (sinh viên năm 4, Đại học Y Hà Nội) cho biết, có vào đây cô mới thấy khối lượng công việc của các y bác sĩ nhiều đến mức nào. Làm việc tại Khoa hồi sức lúc nào cũng căng thẳng và thường xuyên phải chú ý bệnh nhân.
"Vào đây 1 thời gian, tôi dần cũng quen khối lượng công việc, không còn quá căng thẳng như lúc đầu. Với chúng tôi ngày Thầy thuốc Việt Nam công việc vẫn làm như bình thường. Những tấm lòng lời chúc của người thân, mọi người tôi xin cám ơn và tiếp tục cố gắng làm việc. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát.
Mong muốn nhất của chúng tôi nhân dịp 27/2 đó là nhìn thấy bệnh nhân được rút ống nội khí quản, trở về với gia đình. Đó là món quà, điều hy vọng lớn nhất của tất cả nhân viên điều trị tại đây. Covid-19 có thể làm gục ngã nhiều thứ nhưng không thể gục ngã được tinh thần, sức mạnh của các y bác sĩ", Trang chia sẻ.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện có 250 nhân viên y tế đang ngày đêm tham gia điều trị cho gần 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
"Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam chúng tôi cảm ơn và chia sẻ với các đồng nghiệp rất vất vả, bận rộn. Nhiều người cũng đã hy sinh tình cảm riêng để tham gia công việc, chăm sóc các bệnh nhân F0 trong suốt gần 3 năm qua.
Hiện nay đặc biệt chủng virus Omicron rất nhiều nhân viên y tế, có hơn nửa nhân viên y tế bệnh viện bị nhiễm. Mặc dù là F0 nhưng vẫn tham gia để điều trị cho F0 khác mặc dù cũng có triệu chứng. Đây là sự hy sinh rất lớn.
Có người nói 'tôi còn có sức tôi còn tham gia được' khiến tôi rất cảm động. Mong đồng nghiệp luôn giữ được tinh thần với nghề, yêu nghề và đoàn kết hơn nữa, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc. Mong dịch bệnh sớm qua, hy vọng dịch thời gian tới sẽ lắng xuống để mọi người có thời gian hồi phục sức khỏe để tiếp tục chiến đấu lâu dài", ông Hải chia sẻ.