8/3 hoa ly làng Tây Tựu vẫn mất giá, người dân bình thản bảo nhau: "Không sao đâu, mùa sau sẽ phất!"
Từ vụ hoa Tết đến 8/3, hoa ly liên tục nở trái mùa, mất giá, nhưng người dân làng hoa Tây Tựu vẫn không ngừng lạc quan và hy vọng.
Vốn nổi tiếng là một trong những làng trồng hoa ly lớn nhất Việt Nam, thế nhưng chưa năm nào Tây Tựu được quan tâm như năm nay. Bởi theo chính lời người dân làng hoa: "3 năm trở lại đây là 3 năm giá hoa ly thấp kỷ lục, nhưng năm 2018 là thấp kỷ lục của kỷ lục".
3 năm trở lại đây là 3 năm giá hoa ly thấp kỷ lục.
Dịp Tết Nguyên Đán, dư luận xôn xao về thông tin hoa ly nở trái mùa, mất giá, lỗ hàng trăm triệu đồng. Đến 8/3, theo dự đoán, giá hoa ly sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế, giá hoa ly có tăng nhưng chỉ tăng rất nhẹ, không đáng kể. Vẫn mất giá, vẫn lỗ vốn, vẫn phải bỏ uổng không ít hoa nở trái mùa, thế mà người dân làng hoa Tây Tựu vẫn bình thản động viên nhau: "Không sao đâu, mùa sau sẽ phất!".
Mỗi ruộng hoa ly thế này, người dân Tây Tựu phải đầu tư đến cả trăm triệu đồng.
Sở hữu 2 ruộng hoa ly với diện tích hơn 1ha, đầu tư vốn mạnh tay cho loại hoa ly đắt tiền nhất, anh Lâm (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu) thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi: "Tất cả bà con Tây Tựu đều trồng ly với tinh thần 5 ăn - 5 thua, như đánh một canh bạc". Anh cũng cho biết thêm, không một ruộng ly nào có vốn đầu tư dưới 50 triệu, hoa ly là loại hoa có vốn đầu tư cao nhất ở đây. Nhưng đồng thời, nó cũng là loài hoa "đỏng đảnh", ngắn ngày, chỉ cần tính toán sai ngày hoa nở là đi tong cả trăm triệu đồng.
Chỉ cần tính toán sai ngày hoa nở là đi tong cả trăm triệu đồng.
Cũng vì hiểu rõ giống hoa này hơn bất cứ ai, bà con Tây Tựu khi đã đầu tư trồng hoa ly đều xác định sẵn tinh thần cho mọi "sự cố" có thể xảy ra và bình tĩnh đón nhận nó. Sau vụ Tết, nếu thu nhập từ hoa ly không được như mong đợi, người trồng hoa sẽ chuyển ngay sang trồng loại hoa màu khác để cứu vốn.
Anh Lâm và cả nhà đã chuyển sang trồng rau, trồng hoa hồng để cứu vốn.
Người dân ở đây cũng trải lòng thêm: "Hoa mất giá thì ai mà chẳng buồn, nhưng buồn mãi sao được, cái nghề của mình nó là như vậy, nó là lộc trời cho. Nghề nào chẳng có lúc nọ, lúc kia, ít ra mình tự do tự tại, mùng 8/3 người ta phải đi mua hoa thì mình có cả ruộng hoa để ngắm".
8/3 người ta phải đi mua hoa, còn người dân làng hoa Tây Tựu lại đùa nhau mình có cả ruộng hoa để ngắm.
Đến ngày hôm nay 8/3, giá hoa ly vẫn chỉ tăng rất nhẹ, trung bình dao động khoảng từ 50.000 đồng - 80.000 đồng với bó 10 cành. Hơn nữa, cũng có đa dạng sự lựa chọn về hoa hơn nên không phải ai cũng chọn mua hoa ly. Thế nhưng ở làng hoa Tây Tựu, dường như những chuyện đó chẳng sao hết. Từng bó hoa ly vẫn thoăn thoắt theo tay người trồng chất lên xe, rồi lại theo những chuyến xe ra nội thành Thủ đô, đến tay người mua, làm đẹp cho đời.
Những bó hoa ly dẫu có mất giá, vẫn cứ từng bó chất lên xe, chuẩn bị sứ mệnh làm đẹp cho đời, mang lại niềm vui cho chị em phụ nữ ngày 8/3.
Từng bó hoa ly vẫn kiêu hãnh, thẳng thắn vươn lên trước mọi loại hoa, như chính tinh thần bản lĩnh đối diện với khó khăn của người dân làng hoa Tây Tựu.
Và dù chúng có giá thấp ra sao, có bị vứt bỏ thế nào...
Thì ở làng hoa Tây Tựu, những người nông dân vẫn không nguôi hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, vào một vụ hoa ly không phụ lòng người.
Chia tay chúng tôi, anh Lâm dặn dò mà không giấu được nỗi xúc động: "Người làng Tây Tựu không bao giờ bỏ được nghề trồng hoa ly, nên mong báo chí đừng viết về hoa ly như thể "bán rẻ thối cho không ai lấy", người ta đọc được lại hạnh họe người bán sao bán đắt thế. Không sao đâu, mùa sau sẽ phất!".
Tạm biệt anh Lâm và những người dân đáng yêu, đáng mến nơi làng hoa Tây Tựu. Chúc cho nỗ lực của người trồng hoa sẽ có ngày hái quả. Cũng chúc cho chị em một ngày 8/3 vui vẻ, hạnh phúc, luôn bình thản, xinh đẹp như hoa ly và những người đang miệt mài trồng ra nó.