7 món bún Việt Nam tuy nặng mùi nhưng đã thử thì rất dễ nghiện
Đều sử dụng gia vị là các loại mắm nặng mùi nhưng sức hấp dẫn của các món bún như bún đậu mắm tôm, bún giả cầy hay bún mắm thì khó ai có thể phủ nhận.
Những món ăn nặng mùi thường khiến người ta đến là bối rối khi phải giao tiếp với nhau. Nhưng nhiều khi vì những món ăn ấy quá ngon, quá hấp dẫn mà người ăn vẫn nhắm mắt, liều ăn để rồi xong thì tìm cách khắc phục sau.
1. Bún giả cầy
Bún giả cầy là món ăn ngon nhưng cách chế biến kì công, do đó không có quá nhiều nơi bán món này. Để làm món này, chân giò lợn được nướng vàng bì, ướp cùng rất nhiều loại gia vị, trong đó không được thiếu giềng, mẻ và chút mắm tôm cho dậy mùi. Bởi thành phần có mắm tôm nên món bún này có vị đậm đà và mùi rất đặc trưng.
Tô giả cây ngon đúng chuẩn người miền Bắc là nước dùng có mùi thơm của giềng mẻ, vị chua của măng và hương vị mắm tôm. Với tô giả cầy như thế, khi cắn miếng chân giò, bạn sẽ cảm nhận được độ đậm đà, giòn, béo lại mềm vì được ninh đủ lửa. Và bát bún giả cầy như thế, thực sự có thể gây nghiện cho bất cứ ai, đặc biệt trong những ngày lạnh.
2. Bún bò Huế
Sở dĩ bún bò Huế cũng lot top món bún nặng mùi bởi trong thành phần của món này có mắm ruốc. Tuy vậy chính vị nồng của mắm ruốc kết hợp với sả đã mang đến cho món này hương vị đặc trưng rất riêng biệt. Đặc biệt, bún bò Huế bản thân nước dùng đã có độ cay nhất định nên rất hợp vị với người ưa món cay.
Tô bún bò Huế là sự kết hợp của những miếng thịt bò được thái mỏng, một miếng thịt chân giò cỡ lớn ninh đủ lâu để mềm nhưng không nhừ, một viên chả cua chất lượng và dày đủ cắn ngập răng, miếng huyết bò. Ăn một tô bún bò Huế đúng chuẩn, bạn sẽ vương vấn mãi bởi cái đậm đà của mắm ruốc, vị thơm của sả và cả vị cay đặc trưng của món ăn người miền Trung.
3. Bún đậu mắm tôm
Mắm tôm, loại mắm chỉ nghe thôi đã thấy nặng mùi chính là bí quyết tạo nên sự hấp dẫn cho món bún nổi tiếng từ Bắc đến Nam này. Trên thực tế, với món bún đậu mắm tôm, cho dù đậu, bún, chả cốm mà ăn kèm với thứ mắm tôm không ngon, pha không đủ mặn ngọt thì ăn rất dễ bị cảm giác... "phí mồm".
Ngược lại, một bát măm tôm ngon sẽ là thứ phụ gia tuyệt vời để đưa đẩy cho bún, đậu, rau sống hòa quyện, ăn đến đâu đã đến đấy. Vẫn biết, ăn bún đậu mắm tôm xong, có thể bạn sẽ phải đính kèm vài cốc trà, nhai thêm chiếc cái kẹo cao su để "đè mùi", nhưng cũng phải thừa nhận món này dễ rất ăn, mùa nóng, chỉ cần đợi cho đậu nguội một chút, mùa lạnh khi đậu vừa rán nóng hổi, giòn rụm nên tranh thủ ăn ngay là được.
Thêm nữa, bún đậu mắm tôm cũng rất bình dân, tùy chốn vỉa hè hay quán xá tử tế mà giá cũng chỉ từ 20 đến khoảng 50 ngàn/suất đầy đủ với đủ loại đậu, chả cốm, thịt chân giò luộc, lòng ăn kèm. Có lẽ vì thế nên bất chấp nhược điểm nặng mùi, dân công sở vẫn coi món này là một lựa chọn ăn trưa lý tưởng.
4. Bún mắm nêm
Món bún này được xem là món đặc sản bình dân ở Đà Nẵng. Ban đầu, thành phần của tô bún chỉ đơn giản gồm bún, mắm nêm và mít non luộc. Về sau, người ta thêm vào các món ăn kèm như thịt heo quay, thịt ba chỉ, chả bò, nem, tai heo... để tô bún bắt mắt, hấp dẫn hơn.
Nhưng dù phần nhân biến tấu thế nào, người ta cũng không thể bỏ qua linh hồn của món bún này: mắm nêm. Mắm nêm được chế biến từ các loại cá như cá thu, cá cơm, cá nục bé... Mắm đựng trong những chiếc vại nhỏ, đến ngày chín có màu đỏ hây. Sau vài công đoạn gạn lọc, đun sôi, thành quả thu được là thứ mắm màu nâu, sền sệt và có mùi mắm đặc trưng từ cá biển.
winbro91
Mắm nêm mặn, có sẵn vị cay và dĩ nhiên mùi khá nồng, thế nhưng trộn mắm nêm cùng bún, heo quay, rau sống ăn sẽ cảm nhận được cái ngon, cái đậm đà của món ăn dân dã này.
5. Bún mắm
Khác với bún mắm nêm của Đà Nẵng ở dạng trộn, bún mắm nấu kiểu có dạng nước, nhưng độ nồng nàn về mùi của nó cũng không kém phần long trọng khi được nấu từ mắm cá linh hoặc mắm cá sặc. Nhiều người nghe nói đến "mắm" thì ngại nặng mùi và nồng nhưng ăn bún mắm quả có cái thú rất riêng.
lynatran_105
Nguyên liệu của tô bún mắm cực đa dạng và chất lượng với tôm, thịt, mực, nạc cá, chả, cà tím, kèo nèo và không thể thiếu rau sống. Cách ăn là cứ một đũa bún thì một đũa rau. Sau đó húp một muỗng nước lèo thơm mùi mắm nhẹ thoang thoảng. Nếu ăn được cay, cho thêm chút ớt vào tô bún thì món này càng ngon và dễ nghiện hơn.
6. Bún riêu cua
Bún riêu cua là món ăn giải ngấy được nhiều người ưa thích bởi sự thanh nhẹ của nước dùng vị cua. Thành phần của bát bún riêu cua chuẩn thực ra vô cùng đơn giản, chỉ là bún, nước riêu, gạch ăn kèm với rổ rau sống. Thế nhưng dù cua có nhiều, nấu có khéo mà thiếu đi chút mắm tôm thì bát bún riêu ấy không thể được gọi là ngon.
Ngày nay, bún riêu cua có thể được ăn kèm với đủ loại thức ăn từ đậu đến giò, thịt bò, tuy nhiên dù nhiều đồ ăn kèm đến đây mà không có mắm tôm thì với người sành ăn, bát bún đó khó có thể làm họ thỏa mãn. Cho mắm tôm, bát bún riêu sẽ hơi nồng, nhưng không thể phủ nhận hương vị bát bún sẽ đậm đà và đặc biệt hơn hẳn.
7. Bún chả
Thực ra xét về thành phẩm mắm trong món ăn, chắc chắn thứ nước mắm pha của bún chả không thể đọ được độ nặng mùi với mắm nêm hay mắm tôm, nhưng xếp bún chả vào thứ bún nặng mùi bởi có lẽ ai cũng phải đồng ý rằng đi ăn bún chả... rất dễ bị ám mùi.
Cái thứ chả nướng thơm là thế, ăn mềm ngọt là thế, nhưng cái khói nướng chả quả là thứ khiến nhiều người bối rối. Bởi chỉ cần vô cùng đi xuyên qua làn khói mỏng manh, thơm lừng ấy là lúc về nhà hay bước vào văn phòng, chẳng cần khai, khối người cũng biết bạn vừa đi ăn bún chả về.
2uang_