7 cách tự kiểm tra sức khỏe tại nhà bằng phương pháp đơn giản không ngờ
Không chỉ chứng thiếu máu, sa sút trí tuệ mà các phương pháp này còn giúp phát hiện những bệnh khác như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, Parkinson...
Giữ thăng bằng trên một chân
Đứng thẳng nhưng chỉ trên một chân, đặc biệt mắt phải mở chứ không nhắm và giữ tư thế này khoảng 60 giây. Nếu bạn chỉ mới trong khoảng 20 tuổi, nhưng người cứ lung lay không đứng vững thì bạn có thể gặp nguy cơ cao mắc các vấn đề về não trong tương lai. Một nghiên cứu Nhật Bản cho biết rằng, 30% người trưởng thành không thể cân bằng trên một chân đều có siêu vi trong não và tăng nguy cơ đột quỵ hoặc sa sút trí tuệ sớm.
Chạm tay vào ngón chân
Bạn ngồi vững trên sàn nhà, chân duỗi thẳng về trước, sau đó ép người sát chân đồng thời đưa tay với chạm ngón chân. Nếu bạn không làm được đều này và tay còn quá xa so với ngón chân thì nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch có thể cao.
Giải thích sự liên quan này, các nhà nghiên cứu tại Đại học North Texas cho biết rằng, nếu bạn quá cứng người đến mức tay không thể chạm vào ngón chân cho thấy động mạch cơ thể đàn hồi ít, máu tuần hoàn kém hiệu quả, lúc này tim phải làm việc vất vả hơn để bơm đủ máu nên lâu ngày làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Để khắc phục điều này, bạn có thể căng duỗi cơ thể mỗi đêm trước khi ngủ sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe.
Vừa leo cầu thang vừa nói chuyện hoặc hát
Từ lâu, thói quen leo cầu thang luôn được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích bởi nó giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt hơn. Đặc biệt, bạn có thể sử dụng việc leo cầu thang để kiểm tra sức khỏe tim mạch của bản thân nhanh chóng.
Để thực hiện bài kiểm tra này bạn chỉ việc vừa leo cầu thang vừa nói chuyện hoặc hát một bài hát nào đó. Lúc này, nếu bạn cảm thấy căng thẳng, khó thở, khó nói chuyện hoặc hát, thậm chí cảm thấy đau thắt ngực thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Đang nằm và bật dậy
Chóng mặt khi đứng dậy là một trong những dấu hiệu của thiếu chất sắt, thậm chí có thể là thiếu máu, huyết áp thấp, mất nước... Do đó, bạn có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe bằng cách đang nằm trên sàn thì lập tức ngồi dậy rồi đứng lên thật nhanh, nếu thấy xuất hiện triệu chứng chóng mặt thì bạn cần lưu ý ngay.
Bác sĩ Caudle cho biết, không chỉ là dấu hiệu thiếu sắt, thiếu máu mà việc thay đổi vị trí đột ngột từ đang nằm sang ngồi rồi đứng dậy có thể liên quan đến nhiều hệ thống trong cơ thể như tim, huyết áp, não, hệ thống thần kinh... Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng chóng mặt khi thực hiện bài kiểm tra này thì bạn cần lưu ý sức khỏe và đi kiểm tra ngay để khắc phục kịp thời.
Dùng đầu bút chì chạm vào ngón chân
Một trong những triệu chứng tiểu đường thầm lặng là cảm giác tê cứng ở bàn chân. Ngoài bệnh tiểu đường thì có thể đây còn là dấu hiệu của bệnh tự miễn dịch như lupus và các bệnh nhiễm trùng như bệnh Lyme.
Bạn có thể kiểm tra bằng cách nhờ người khác dùng đầu bút chì đâm nhẹ vào các ngón chân nhưng với điều kiện là bạn không được nhìn thấy. Lúc này, nếu bạn nói đúng ngón chân nào mới bị đầu bút chì chạm vào thì có nghĩa là cảm giác ở ngón chân vẫn đang rất tốt.
Ngược lại, nếu bạn không cảm giác được ngón chân nào bị đầu bút chì đâm vào thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh ở chân đang bị tổn thương và cần đi khám ngay để biết nguyên nhân nào gây ra, có thể là dấu hiệu của tiểu đường hoặc một căn bệnh nào khác đang tiềm ẩn trong cơ thể.
Ngồi xuống đứng dậy
Bạn đang đứng thẳng rồi ngồi xổm xuống mà không hề dùng hai tay vịn vào bất cứ đâu, thậm chí cả đầu gối. Sau đó, cũng tương tự như vậy, bạn hãy tự mình đứng lên và cũng không dùng sự trợ giúp của đôi tay. Nếu bạn thực hiện điều này liên tục vài lần mà không gặp phải trở ngại gì thì chứng tỏ bạn đang có sức khỏe đáng ngưỡng mộ.
Ngược lại, nếu bạn khó khăn trong việc đứng lên ngồi xuống như thế thì nó phản ánh khá xấu về sức khỏe, ví dụ như mức độ linh hoạt cơ thể kém, sức mạnh cơ bắp không đủ, tỷ lệ cân nặng cơ thể không phù hợp... thậm chí các nhà nghiên cứu ở Brazil còn cho biết rằng, cách kiểm tra sức khỏe này phản ánh tuổi thọ của cơ thể.
Đặt một tờ giấy trên lưng bàn tay
Bàn tay run rẩy có thể là dấu hiệu khá chắc chắn tố cáo một số bệnh thường gặp như Parkinson, tuyến giáp hoạt động quá mức, thiếu hụt vitamin, các vấn đề về hormone... Để kiểm tra chính xác điều này thì bạn hãy đặt một tờ giấy mỏng lên lưng bàn tay và quan sát. Nếu bàn tay run thì tờ giấy cũng rung theo rất dễ nhận thấy. Và nếu phát hiện điều bất thường này thì bạn cũng nên đi khám bác sĩ xem vấn đề sức khỏe đang nằm ở đâu để chữa trị kịp thời.
Nguồn: RD