6 điều khó nói chốn công sở khiến chị em bực bội trong lòng nhưng chẳng dám bộc lộ ra
Đây là những tình huống xảy ra thường ngày nơi làm việc, đặc biệt gây khó chịu cho những chị em nhạy cảm.
Với cương vị một nhân viên thấp cổ bé họng, hẳn là chị em đã từng trải qua những cảm xúc khó chịu vì hành vi của ai đó. Họ sợ bị ghét, bị tẩy chay và khiến người khác mích lòng. Thế nên đôi lúc cứ nhắm mắt chịu đựng, ngậm bồ hòn làm ngọt. Dưới đây sẽ là 6 trường hợp như thế và cách xử lý khôn khéo nhất nha!
1. Đèn quá sáng, điều hòa quá lạnh nhưng chẳng dám ho he
Môi trường làm việc ổn sẽ cung cấp cho bạn nhiều yếu tố khiến cơ thể dễ chịu để tập trung làm việc. Như là đèn không được quá sáng, điều hòa để đủ độ, bàn làm việc rộng rãi, nước nôi đầy đủ... Thế nhưng, với một số loại đèn huỳnh quang, hoặc điều hòa tổng, thì đôi lúc sẽ dễ khiến bạn nôn nao khó chịu. Thậm chí, chúng còn làm chị em mệt mỏi và gặp các vấn đề sức khỏe ở mắt, phổi...
Tất nhiên, việc đề xuất lên sếp để thay thiết bị là điều khá bất khả thi vì nó còn liên quan đến yếu tố tài chính. Thay vào đó, hãy tự mình thay đổi để không làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp, đến ngân sách cơ quan. Ví dụ như mang đến công ty chiếc đèn bàn và một hộp nến.
2. Mùi của đồng nghiệp quá nồng nàn nhưng không dám góp ý
Có hai loại mùi nồng nàn chốn công sở dễ khiến chị em phát điên. Thứ nhất là mùi nước hoa đậm đặc của những cô nàng chơi sang không phải lối. Thứ hai là mùi hôi bốc ra từ những anh trai công sở kém tắm. Nhưng giờ mà bạn góp ý họ thì dễ làm đồng nghiệp phật lòng, hơn nữa người ta dễ nói lại bạn là kiểu người khó tính.
Giờ đây giải pháp không phải là bạn thẳng thắn góp ý với đối phương. Hãy khôn ngoan hơn và trình ý kiến lên sếp để xin đổi chỗ ngồi. Thay đổi được thói quen của người khác là vất vả lắm đấy, nên tốt nhất bỏ qua đi!
3. Sếp giao deadline gấp nhưng không dám từ chối hoặc nói không thể
Đôi khi, cấp trên ép chúng ta vào một deadline gấp gáp với mức độ công việc không nhỏ. Thật khó để từ chối hoặc nói không thể ở hoàn cảnh này, đặc biệt là khi bạn muốn được sếp trọng dụng, thăng chức. Nhưng việc quá tải công việc về lâu về dài sẽ khiến chị em rơi vào mệt mỏi, làm các nhiệm vụ một cách hời hợt thiếu năng suất. Có khi, cuối cùng bạn vừa chẳng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn bị đuổi việc.
Do đó, trong trường hợp này hãy thật thẳng thắn với sếp để đề ra phương án thích hợp nhất cho cả hai. Bạn nên biết khả năng của mình ở đâu để đề xuất với sếp cho khôn ngoan. Còn với người sếp vô tổ chức và thích hành nhân viên, hãy lên một thời gian biểu làm việc chi tiết và đề xuất với anh ta chỉ được giao việc gấp vào những khung giờ nào.
4. Đồng nghiệp cứ bắt mình phải để ý cảm xúc của họ dù mình không muốn tốn thời gian
Những đồng nghiệp hay lải nhải kể lể và đem lại cảm xúc tiêu cực vừa làm tốn thời gian của các chị em mà còn rút cạn năng lượng của chúng ta. Tại sao trong khi chúng ta còn lo thân chưa xong lại phải để ý và đồng cảm với tâm trạng người khác chứ?
Điều tốt nhất có thể làm được ở hoàn cảnh này là bạn cắt đuôi được đồng nghiệp để họ không lèm bèm nữa. Thử giả vờ đánh rơi một cái bút, nhặt lên và chuyển chủ đề xem. Bạn sẽ khiến họ bị mất tập trung vào câu chuyện của họ đấy! Còn nếu không cắt đuôi được, hãy cứ học cách tiếp nhận mọi loại cảm xúc và không để chúng ảnh hưởng gì tới cảm xúc của bạn. Bạn càng thản nhiên bao nhiêu, người kia sẽ dễ bị cụt hứng mà chính bạn cũng không khó chịu.
5. Các kỹ năng mềm quý báu không được công nhận
Người ta thường chỉ xem trọng nghiệp vụ chuyên môn mà đánh giá thấp các kỹ năng mềm. Ví dụ trong một dự án, các sếp sẽ để ý đến nhân viên làm năng suất và vận dụng nhiều chuyên môn nhất. Chứ nào có ai ngó ngàng gì đến những nhân tố X - gắn kết cả nhóm, quản lý thời gian hiệu quả. Điều này về lâu dài sẽ khiến bạn mất tiếng nói và khó được thăng tiến.
Để giải quyết tình huống này, bạn nhất định phải lên tiếng vì quyền lợi của chính bản thân mình. Nhưng đừng vì thế mà hạ bệ các đồng nghiệp. Còn nếu đã trình bày mà sếp chẳng chịu hiểu, có lẽ bạn nên rời đi. Đừng phí thời gian công sức làm việc ở môi trường sếp không coi trọng cố gắng của mình.
6. Công việc không đem lại giá trị gì ngoài tiền lương
Một số người thực dụng sẽ nói họ đi làm chỉ vì lấy đồng lương cuối tháng. Nhưng hầu hết các chị em công sở đều muốn được là một cá nhân đóng góp cho sức mạnh của công ty và để họ hăng say cống hiến hơn. Có rất nhiều giá trị không đong đếm được bằng tiền. Một khi bạn có suy nghĩ công việc này chỉ mang đến lương, tức là công việc ấy đang rất nhàm chán.
Có nhiều phương án cho trường hợp này. Thứ nhất là thay đổi môi trường làm việc. Bạn hoàn toàn được quyền trao đổi với sếp để thay đổi vị trí và các nhiệm vụ hàng ngày. Mặt khác, các chị em còn nên làm những điều ý nghĩa liên quan tới đam mê khi rảnh rỗi. Và đừng quên thay đổi CV, Resume của bản thân để có bước đà sự nghiệp tốt nha!
6 điều trên đây, khó chịu thật nhưng để nói ra thì không đơn giản. Có những chuyện giải quyết bằng thương lượng, nhưng có những thứ không thể. Điều quan trọng là hãy khôn khéo và biết bản thân mình cần gì để xử lý thật trơn tru nhé các chị em công sở!