6 điểm mấu chốt để nuôi dạy con trai trưởng thành giỏi giang, bản lĩnh, cha mẹ biết càng sớm càng tốt
Trong quá trình trưởng thành, con trai làm việc nhà hoặc lao động càng nhiều thì càng trở nên có trách nhiệm, và dần trở thành một người đàn ông tuyệt vời.
Mới đây, một bà mẹ Trung Quốc chia sẻ câu chuyện: "Tôi về thăm quê ngoại một thời gian, và nói chuyện thường xuyên với chị dâu của mình. Có thể thấy, khi nói đến công việc và gia đình, chị dâu tôi luôn có tâm trạng thoải mái. Nhưng khi nói đến chuyện nuôi dạy con cái, chị dâu tôi trông vô cùng bất lực.
Có lần chị dâu nói: "Nếu đó không phải là máu mủ của chị chắc ngày nào chị cũng đánh cháu mất", và ngay khi vừa dứt lời, Xiao Ji (con trai chị, cháu trai tôi), khi đó đang chơi với con trai tôi ngoài cửa bỗng chạy vào và kéo mẹ ra ngoài bằng được để mua đồ chơi và kem, nếu không thì mẹ là một bà mẹ tồi".
Khi nhìn vào cảnh đó, cô không khỏi có suy nghĩ so sánh giữa con trai và cháu trai mình.
Xiaoji năm nay 8 tuổi, bố Xiaoji phải đi làm xa, thi thoảng mới về nhà. Được mẹ chiều nên cháu trai ngày càng ương bướng, ích kỷ, muốn gì là phải đòi cho bằng được.
Còn với con trai của người mẹ này, cô chia sẻ từ trước khi sinh con, cô và chồng đã thống nhất với nhau, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì cả hai vợ chồng sẽ phải ở gần con, cùng nhau nuôi dạy con mình. Cứ mỗi khi có dịp, cả nhà lại cùng nhau về quê để cậu bé tự làm mọi việc, khám phá cuộc sống. Cũng chính vì thế, cậu con trai rất ngoan, biết cách cư xử, được rất nhiều người khen ngợi.
6 điểm mấu chốt trong nuôi dạy con trai, cha mẹ biết càng sớm càng tốt
1. Hãy để con tương tác thật nhiều với bố
Nhiều gia đình bỏ mặc con cái cho người mẹ chăm nom, giáo dục vì nhiều lý do khác nhau, vì bố còn bận công việc, vì bố đi làm xa... Một nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) chứng minh, khi tương tác với bố ít nhất 2 tiếng mỗi ngày, trẻ sẽ thông minh hơn và thành công hơn. Thêm vào đó, các bé trai mạnh mẽ hơn trong tương tác xã hội khi trưởng thành so với những đứa trẻ chỉ do mẹ chăm sóc, dạy dỗ.
2. Hãy để con làm nhiều việc vặt trong nhà
Giao cho con làm các việc vặt trong nhà, qua đó con sẽ hiểu được sự vất vả, cực nhọc của bố mẹ, biết tôn trọng thành quả lao động, đồng thời rèn luyện được khả năng sống tự lập.
Có thể cho con bắt đầu từ những việc như tự mặc quần áo, đi giày dép, tự dọn đồ chơi, không làm rơi cơm xuống sàn khi ăn, tự dọn dẹp phòng... Thực tế đã chứng minh khi để cho các cậu con trai làm việc nhà hoặc tham gia lao động càng nhiều thì chúng càng trở nên có trách nhiệm và dần trở thành một người đàn ông tuyệt vời.
3. Bồi dưỡng ý thức cạnh tranh của các cậu bé
Bạn có thể cho con tham gia các trò chơi có tính cạnh tranh như bóng đá, bóng rổ, hay luyện võ… cũng rất tốt. Qua các bộ môn đó, các cậu bé sẽ dần hiểu ra một chân lý: Nếu muốn chiến thắng, sẽ cần phải nỗ lực và dốc toàn lực cho công việc hiện tại. Nếu không vận dụng tay chân hay trí óc, sẽ không thể làm bất cứ điều gì. Qua đó bồi dưỡng năng lực phấn đấu, cạnh tranh của trẻ.
Quan trọng hơn, qua các bộ môn trên con sẽ nắm được cách để giành chiến thắng không chỉ là phải biết tấn công mà còn phải biết phòng thủ, hiểu luật và sử dụng thành thạo luật.
4. Hãy để trẻ được thất vọng
Nếu một bé trai muốn thứ gì bố mẹ cũng sẵn sàng cung cấp không chút thắc mắc hay ngăn cản, thì khi lớn lên sẽ không có động lực để phấn đấu. Trong lòng những đứa trẻ này luôn sẵn niềm tin dù mình muốn thứ gì thì cuối cùng bố mẹ cũng đáp ứng.
Điều các bố mẹ nên làm là chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, bình thường trong cuộc sống, cho việc học tập của con và để con chủ động phấn đấu cho những nhu cầu không thiết yếu khác. Hãy cho con biết rằng tiền của cha mẹ là của cha mẹ, không phải tiền của con và có những hạn chế nhất định đối với nhu cầu của con.
Con trai khi ra ngoài xã hội sẽ luôn phải đối mặt với rất nhiều những cám dỗ, cơ hội và thách thức. Khi con học được cách phấn đấu để có được những thứ mình muốn thì lúc này con sẽ trở nên mạnh mẽ và dũng cảm hơn, nhạy bén và chủ động nghĩ ra cách giải quyết vấn đề.
5. Cho trẻ được phép mắc lỗi và dạy trẻ cách chủ động hòa nhập
Khi con chơi cùng với một nhóm bạn, bố mẹ hãy dạy con cách để chủ động hòa nhập, chủ động tham gia vào các hoạt động của nhóm, dám nói, dám thể hiện.
Trong quá trình trẻ học được cách để trở thành người dẫn đầu, trẻ vừa rèn luyện được EQ và IQ, vừa cải thiện được khả năng biểu đạt của bản thân.
Dù con có mắc sai lầm, cha mẹ không nên mù quáng chỉ trích mà hãy đưa ra những chỉ dẫn, hướng dẫn đúng đắn, để con có thể từ từ khám phá ra giải pháp và học được cách lắng nghe ý kiến của người khác.
6. Không nuông chiều quá mức
Việc nuôi dạy một đứa con trai là cả một quá trình dài, nếu bố mẹ mãi mãi chỉ coi con trai mình như một cậu bé, thì con sẽ không bao giờ có thể trưởng thành. Cha mẹ cần chú trọng giáo dục con ở cả đạo đức và nhân sinh quan.
Một cậu trai mới lớn có thể hơi ngốc nghếch nhưng không thể lười biếng. Nếu thấy con lười biếng mà không giúp con sửa đổi thì khi lớn lên sẽ trở thành một người đàn ông không có thành tựu gì lớn lao, còn tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
Bởi lẽ đó, các bậc cha mẹ hãy gạt bỏ sự nuông chiều quá mức của mình với con, để con trưởng thành đúng cách, tự phấn đấu, hiểu được giá trị của sự trưởng thành và trách nhiệm của bản thân.