5 loại vitamin đặc biệt quan trọng nhưng không nên lạm dụng
Thừa vitamin cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Vitamin là những dưỡng chất đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sống của con người. Thiếu vitamin sẽ dẫn đến suy giảm sức đề kháng, dễ mắc nhiều loại bệnh tật về tim mạch, nội tiết, da, mắt... Tuy nhiên thừa vitamin cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Dưới đây là 5 loại vitamin tổng hợp đòi hỏi bạn phải rất thận trọng khi sử dụng và chỉ nên bổ sung theo chỉ định của bác sĩ:
1. Vitamin C
Có lẽ đây là loại vitamin phổ biến nhất trong cuộc sống, có rất nhiều trong rau củ và trái cây tươi. Nó được coi là chất chống oxy hóa quan trọng cho xương, cơ bắp, và đẩy lùi sự lão hóa nhanh chóng.
Mặc dù vitamin C nhìn chung là an toàn, nhưng dùng nhiều hơn 2000 miligram mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và đục thủy tinh thế khi về già.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến khích bạn nên bổ sung vitamin C từ các loại trái cây và rau quả sẽ tốt hơn, ví dụ như từ cam, chanh, bưởi, kiwi…
Ảnh minh họa
2. Vitamin A và beta-carotene
Vitamin A là thành phần thiết yếu của sắc tố võng mạc nên rất quan trọng đối với mắt. Ngoài ra, nó còn giúp giữ toàn vẹn lớp tế bào biểu mô bao phủ bề mặt và các khoang trong cơ thể, có ảnh hưởng tích cực tới sự tăng trưởng và đề kháng của cơ thể.
Vitamin A đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, thừa vitamin A sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như: đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, da khô, rụng tóc, đau xương khớp, thậm chí là ngộ độc nếu uống trên 40.000 IU mỗi ngày. Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu dùng quá 10.000 IU mỗi ngày có thể khiến thai nhi dị dạng. Thừa beta-caroten, một tiền tố của vitamin A có hoạt tính cao, có thể gây vàng da, nhất là ở gan bàn tay, bàn chân.
3. Vitamin E
Được xem là thần dược chống lão hóa và ung thư, vitamin E cũng là loại vitamin tổng hợp và cần được bổ sung hàng ngày. Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn diện đã chỉ ra rằng, thừa vitamin E ở nam giới có thể gia tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Nhiều bằng chứng cũng cho thấy việc sử dụng vitamin E liều cao một cách thường xuyên (trên 400 IU/ngày) sẽ thúc đẩy các tổn hại do quá trình oxy hóa và khống chế các tác nhân chống lão hóa khác. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi dùng vitamin E quá liều là tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, suy nhược. Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ rằng vitamin E đối kháng với tác dụng vitamin K và sẽ làm tăng thời gian đông máu.
Mỗi ngày, cơ thể chỉ cần bổ sung trung bình 8-10 miligram vitamin E. Tốt nhất nên hấp thụ qua đường ăn uống từ các thực phẩm như dầu thực vật, dầu mầm lúa mì, dầu hướng dương, trứng, sữa, gan, thịt bò, các loại hạt, đậu, ngũ cốc, khoai lang, quả bơ, cà chua, cà rốt, rau lá màu xanh,… Ngoài ra, vitamin E còn có nhiều trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa non.
Ảnh minh họa
4. Vitamin B6
Vitamin B6 có trong nhiều loại thực phẩm hàng ngày như thịt gia cầm, thịt heo, trứng, ngũ cốc, cá, rau, trái cây, và hiếm khi bị thiếu hụt do cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ loại vitamin này. Cung cấp đầy đủ vitamin B6 giúp tăng cường năng lượng hoặc chống lại stress. B6 cũng thường được kết hợp với magie để trị căn bệnh tự kỷ.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng, ở người lớn, việc bổ sung vitamin B6 quá 100 mg mỗi ngày sẽ dẫn đến nguy cơ tổn hại thần kinh. Bổ sung quá nhiều vitamin B6 còn có thể gây tê bàn chân, bàn tay hoặc thậm chí gây mất cảm giác.
5. Vitamin D
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin D không có nhiều tác động tích cực đến việc điều trị bệnh như người ta vẫn lầm tưởng. Thay vào đó, hàm lượng vitamin D trong cơ thể thấp là kết quả của sức khỏe kém chứ không phải là nguyên nhân. Thừa vitamin D, đặc biệt D2, D3 có liều cao gấp hàng nghìn lần liều chuẩn có thể gây ngộ độc. Các triệu chứng hay gặp là kém ăn, buồn nôn, tiểu nhiều, ngừng lớn, xanh xao, đôi khi gây co giật, khó thở. Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam khuyến nghị: trẻ nhỏ, trẻ em và người lớn (20 – 50 tuổi) cần 200 IU/ngày, từ 51 – 65 tuổi là 400 IU/ngày, trên 65 tuổi là 600 IU/ngày là vừa đủ.
Không quá khó để thu nhận đủ vitamin D trong chế độ ăn uống bình thường, hãy quan tâm nhiều đến những loại thực phẩm như nấm, gan, trứng, sữa hay cá hồi. Hoặc chỉ cần 10 phút tắm nắng mỗi ngày sẽ cho bạn đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Từ trên có thể thấy, việc bổ sung các loại vitamin tổng hợp thường mang đến rất ít lợi ích, mà còn có thể gây hại cho cơ thể. Thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh, không ngăn ngừa bệnh mãn tính hoặc cái chết, và nó cũng như thuốc, cần phải sử dụng với sự cẩn trọng. Nếu bạn đang dùng vitamin thường xuyên bổ sung, hãy cân nhắc và hỏi ý kiến bác sĩ trước. Và nếu cơ thể bạn không có sự thiếu hụt dinh dưỡng thì không có lý do gì để sử dụng bất kỳ loại vitamin uống nào ở đây cả.