5 cách tốt nhất chị em nên làm để tránh bệnh phụ khoa
Để tránh bệnh phụ khoa, bạn cần thường xuyên chú ý đến cơ quan sinh sản, tiến hành các khám xét cần thiết và có lối sống lành mạnh...
Tôi đã bị nấm âm đạo một lần, cảm giác vô cùng khó chịu và phải mất mấy tuần mới trị khỏi bệnh được. Tôi được biết nấm âm đạo là một trong những bệnh phụ khoa mà rất nhiều chị em mắc phải. Chỉ cần kém vệ sinh hoặc không thay quần chip là có thể dễ dàng bị bệnh.
Mặc dù bệnh nấm đã được chữa khỏi nhưng tôi lo lắng bệnh sẽ tái phát. Hơn nữa, nếu đã bị bệnh phụ khoa một lần thì có thể dễ dàng bị các bệnh phụ khoa khác ở những lần sau. Tôi chưa lập gia đình, chưa có con nên tôi sợ bệnh này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi về sau này.
Xin hỏi bác sĩ, để phòng bệnh phụ khoa, tôi nên làm thế nào là tốt nhất? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (Hải Hà)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Hải Hà thân mến,
Có một sự thật hiển nhiên là nếu không chú ý giữ gìn sức khỏe phụ khoa thì chị em có thể gặp phải rất nhiều vấn đề sức khỏe nói chung, bao gồm cả nguy cơ ung thư phụ khoa và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Thế nhưng, không phải chị em nào cũng "cởi mở" trao đổi về vấn đề này, chính vì vậy mà nhiều chị em đã mắc bệnh phụ khoa mà không biết, để bệnh phát nặng và cuối cùng dẫn đến hậu quả nặng nề, ví dụ như hiếm muộn, vô sinh.
Đối với phụ nữ, các bệnh ung thư phụ khoa phổ biến nhất bao gồm: Ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung. Những bệnh ung thư phụ khoa hoàn toàn có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phòng bệnh hiệu quả nếu chị em chú ý chăm sóc cơ thể mình cẩn thận hơn.
Ảnh minh họa
Bạn đã may mắn chữa khỏi bệnh nấm âm đạo thì nên rút kinh nghiệm để phòng bệnh thật tốt, không chỉ phòng bệnh nấm mà còn cả những bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác. Để giữ gìn sức khỏe phụ khoa tốt, bạn cần thường xuyên chú ý đến cơ quan sinh sản, tiến hành các khám xét cần thiết và có lối sống lành mạnh...
Dưới đây là những việc mà bạn cần thực hiện để "đánh bay" các rắc rối về phụ khoa.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh nhằm duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Trọng lượng khỏe mạnh thì mới không ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt của bạn, từ đó, bạn cũng giảm được nguy cơ rối loạn nội tiết, mất cân bằng môi trường bên trong âm đạo - một điều kiện gây ra bệnh phụ khoa.
- Khám phụ khoa đều đặn: Ngay từ khi có kinh nguyệt, bạn nên bắt đầu tiến hành khám phụ khoa theo định kì. Từ khi có quan hệ tình dục, bạn cần làm thêm xét nghiệm Pap (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) - biện pháp giúp phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất, từ đó làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Không thức khuya: Thức khuya không những khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mà còn có thể gây rối loạn nội tiết tố, khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa. Một số bệnh phụ khoa mà phái yếu dễ gặp do thức khuya bao gồm: viêm nhiễm "vùng kín", u xơ tử cung, kinh nguyệt không đều, u xơ tuyến vú...
- Vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ: Cách tốt nhất để chăm sóc âm đạo và âm hộ hàng ngày là vệ sinh với nước sạch, đặc biệt là trong những ngày có kinh nguyệt, trước và sau khi có quan hệ tình dục. Chị em không nên lạm dụng các dung dịch vệ sinh để vệ sinh "vùng kín".
- Chăm chỉ thể dục, rèn luyện sức khỏe: Thể dục tác động đến hệ thần kinh trung ương, các động tác thể dục tác động lên cơ thể, tạo ra những phản xạ có điều kiện, làm thay đổi những hiện tượng sinh lý bất thường và bệnh lý trong sản phụ khoa.
Chúc bạn vui, khỏe!
Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email:suckhoe@afamily.vn |
Có những chị em bị ngứa "vùng kín" lại không phải do mất vệ sinh mà có thể do quá sạch sẽ hoặc do stress gây ra.