3 món ăn sáng "bổ tựa nhân sâm" của người Việt nhưng khi ăn nên nhớ vài lưu ý để tránh hại các cơ quan nội tạng
Bữa sáng lành mạnh, đầy đủ về dinh dưỡng sẽ giúp người Việt phục hồi cơ thể, tái tạo năng lượng làm việc tốt hơn. Dưới đây là 3 bữa sáng quen thuộc của các gia đình, tuy nhiên khi ăn nên lưu ý vài điều.
1. Ăn sáng bằng trứng vịt lộn
Với người Việt, trứng vịt lộn không chỉ là một món ăn mà còn là một "liều thuốc" để bồi bổ thể lực mỗi khi ốm yếu. Một quả trứng vịt lộn thường chứa khoảng 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phốt pho, 600mg cholesterol, 182kcal năng lượng...
Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho rằng, "thời điểm vàng" để ăn trứng vịt lộn chính là vào buổi sáng, bởi loại thực phẩm này giàu chất đạm, rất phù hợp để cung cấp dinh dưỡng cho ngày dài. Ngược lại, nên tránh ăn vào bữa tối vì lúc này quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm hơn nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi...
Lưu ý khi ăn:
- Theo PGS.TS. Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng), những người bị viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch tránh ăn nhiều trứng vịt lộn vì sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, tăng nguy cơ vữa xơ động mạch gây tắc nghẽn động mạch...
- Người bệnh thận nên hạn chế ăn trứng vịt lộn, ăn nhiều sẽ khiến cho lượng urê trong cơ thể tăng cao, gây tổn thương thận, thậm chí nhiễm độc đường tiết niệu.
- Người bệnh gút, cao huyết áp cũng nên tránh ăn thực phẩm này kẻo tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
- Khi ăn trứng vịt lộn nhất định phải kèm theo rau răm để điều hòa âm dương, tránh gây lạnh bụng.
- Trứng vịt lộn giàu chất bổ vì thế không nên ăn quá nhiều trứng vịt lộn trong một lúc, với người lớn chỉ nên ăn mỗi tuần 2 quả, trẻ em mỗi tuần 1 quả.
2. Ăn sáng bằng bún, phở
"Đặc sản" trong các bữa sáng của người Việt Nam thường là bún phở. Du khách nước ngoài mỗi khi đến đều không thể nào khước từ sự hấp dẫn bởi các bát bún ốc, phở bò, bún thang, bún chả... thơm lừng. Bún phở là thực phẩm rất ngon lành và bổ dưỡng cho bữa sáng. Nhưng khi ăn nên lưu ý một số điều dưới đây.
Lưu ý khi ăn:
- Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia), bún là nhóm thức ăn không thích hợp với những người có bệnh ở đường tiêu hóa. Vì bún được làm từ tinh bột sẽ bị lên men, tạo ra vị chua. Nếu đang mắc bệnh về tiêu hóa mà tiêu thụ nhiều bún thì dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu...
- Phụ nữ sau sinh cũng không nên ăn nhiều bún phở bởi đây là thực phẩm được làm từ gạo ngâm nở chua, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của người mẹ do sau sinh sức khỏe còn yếu.
- Người đang có sức khỏe kém có thể thay thế bằng cháo hoặc súp để giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa.
- Bún, phở thường được ăn với nước dùng, vì vậy người ăn có xu hướng nhai ít, nuốt nhanh, điều này có thể gây hại đến dạ dày. Tốt nhất bạn nên nhai thật kỹ mỗi khi ăn sáng bằng bún, phở.
3. Ăn khoai lang vào bữa sáng
Khoai lang là loại củ "quốc dân" mà cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều yêu thích. Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, "thời điểm vàng" để ăn khoai lang là vào buổi sáng. Loại củ này giàu chất xơ, vitamin giúp no lâu, làm đẹp da, bổ sung năng lượng cho ngày mới. Đặc biệt, loại củ này chứa ít tinh bột nên có thể khiến bạn no lâu mà không béo, hỗ trợ giảm cân vô cùng tốt.
Lưu ý khi ăn:
- Dù khoai lang được coi là món ăn rất tốt cho sức khỏe, thế nhưng theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) ăn quá nhiều khoai lang có thể gây nóng trong, từ đó tác động không tốt đến đường tiêu hóa, dạ dày.
- Để tránh gây ợ nóng, trướng bụng, bạn nên nấu, luộc hoặc nướng khoai thật chín để phá hủy chất men.
- Người bị bệnh thận không nên ăn nhiều khoai lang vì loại củ này chứa nhiều kali, chất xơ, vitamin A… ăn quá nhiều khoai lang có thể gián tiếp gây hại cho đối tượng này.
- Nếu có hệ tiêu hóa không tốt, biểu hiện là thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng thì bạn không nên ăn khoai lang vì khi ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, đầy bụng.