3 bước "xử đẹp" đồng nghiệp có tính hiếu chiến quá đà, đố ai dám chơi lại được chị em công sở!

Quiry,
Chia sẻ

Với những đồng nghiệp máu chiến và hay thích so đo thắng thua, chúng ta cần hành xử khôn khéo để họ phục sát đất!

Mỗi ngày đi làm sẽ là một ngày vui nếu như deadline không dồn dập, sếp nhẹ nhàng và đồng nghiệp vui tính hòa thuận. Đúng vậy, đồng nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến chị em công sở. Đồng nghiệp tốt thì công việc nở hoa, đời sống vui vẻ. Ngược lại, mọi thứ sẽ ra sao nếu chúng ta phải đương đầu với những "con ngựa máu chiến"?

Nhà tâm lý học, tác giả và diễn giả nổi tiếng - Esther Perel đã chỉ ra ba dấu hiệu của một môi trường làm việc độc hại: Thiếu sự gắn kết, tin tưởng và mọi người chỉ lo cạnh tranh với nhau! Tất cả những điều này không chỉ tạo ra văn hóa làm việc tiêu cực mà về lâu dài, còn khiến công ty lâm vào tình trạng khó khăn nếu không sớm được khắc phục.

Theo nghiên cứu của Esther Perel, 3 bước dưới đây sẽ giúp chị em để giải quyết thành công những đồng nghiệp hiếu chiến trong văn phòng:

1. Tìm hiểu về động lực cạnh tranh của họ

Đầu tiên, cần xem xét liệu việc cạnh tranh của họ trong công việc có bất chấp quyền lợi của người khác hay không?

Nếu họ cạnh tranh công bằng thì không có vấn đề gì. Chị em cũng cần tìm hiểu về những điều thúc đẩy họ. Chẳng hạn, việc dự định có thêm con cái, phải hỗ trợ tài chính cho cha mẹ... cũng khiến họ chăm chỉ làm việc hơn rất nhiều.

3 bước "xử đẹp" đồng nghiệp có tính hiếu chiến quá đà, đố ai dám chơi lại được chị em công sở!  - Ảnh 1.

Hãy thấu hiểu những động cơ, những trách nhiệm mà đồng nghiệp bạn đang có bằng thái độ đồng cảm và khách quan, thay vì khó chịu với họ.

2. Xem xét ảnh hưởng của việc cạnh tranh với các đồng nghiệp khác

Một đồng nghiệp hơn thua, sẵn sàng cạnh tranh không công bằng có thể tìm mọi cách để thành công: che giấu những thông tin bí mật cho riêng mình, đặt quyền lợi của bản thân ở trên hết, lấy dự án của đồng nghiệp bằng nhiều thủ đoạn…

Nếu tình huống này đang xảy ra, chị em có thể hỏi ý kiến của các đồng nghiệp khác về những hành vi như vậy. Theo nhà tâm lý học Howard Markman, ba yếu tố xung đột ở nơi làm việc đó là:

- Quyền lực kiểm soát: Ai có quyền quyết định?

- Tin tưởng: Ai sẽ luôn giúp đỡ tôi?

- Tôn trọng: Tôi có đáng được công nhận?

3 bước "xử đẹp" đồng nghiệp có tính hiếu chiến quá đà, đố ai dám chơi lại được chị em công sở!  - Ảnh 2.

Khi có một đồng nghiệp cạnh tranh bẩn trong cùng một nhóm làm việc, các thành viên trong nhóm rất dễ mất niềm tin vào nhau và khó có thể cùng hoàn thành công việc chung một cách tốt nhất. Nếu nhiều người trong một nhóm cảm thấy như vậy, có lẽ đã đến lúc sự việc cần được xử lý bởi những ai có thẩm quyền!

3. Để những ai có thẩm quyền trong công ty quyết định

Đừng chỉ trình bày với sếp những vấn đề đang diễn ra, tốt nhất bạn nên chuẩn bị các đề xuất của riêng mình về cách cải thiện tình hình chung nhé!

Nếu không chắc chắn về cách đánh giá của mình về sự việc, bạn có thể hỏi ý kiến từ sếp để biết thêm bối cảnh đằng sau việc đồng nghiệp cạnh tranh quá đà. Chẳng hạn, họ có thể đang phải đối mặt với áp lực từ các khách hàng hay được sếp giao riêng những nhiệm vụ khác mà bạn không biết.

3 bước "xử đẹp" đồng nghiệp có tính hiếu chiến quá đà, đố ai dám chơi lại được chị em công sở!  - Ảnh 3.

Một lưu ý nữa, trong việc giải trình với cấp trên, hãy khách quan và đừng để cảm xúc cá nhân của bạn lấn át. Sự chỉ trích người khác quá đà sẽ khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt lãnh đạo. Ngoài ra, hãy nêu rõ về việc phân công trách nhiệm của nhóm từ ban đầu để giúp cấp trên nhận biết rõ ai đang giành lấy nhiệm vụ của người khác hay lạm quyền…

Trong môi trường công sở lắm thị phi, điều quan trọng là chị em cần tỉnh táo để biết “chọn bạn mà chơi”, văn phòng thì cũng có đồng nghiệp này, đồng nghiệp kia nhưng chúng ta cũng đừng vội đánh đồng họ mà hãy cố gắng tìm hiểu, cư xử công bằng, khách quan chị em nhé!

3 bước "xử đẹp" đồng nghiệp có tính hiếu chiến quá đà, đố ai dám chơi lại được chị em công sở!  - Ảnh 4.

(Tổng hợp)

Chia sẻ