5 nguyên tắc phải nhớ khi bóc mẽ đồng nghiệp để chị em công sở vẫn tự hào mình không sống lỗi!
Bóc mẽ đồng nghiệp là cả một nghệ thuật, đặc biệt khi bạn vẫn muốn mình thật tốt đẹp trong mắt người khác.
Người ta thường khuyên, đừng nên đi nói xấu ai, bởi như vậy là đặt điều, tạo nghiệp. Nhưng đôi khi có những đồng nghiệp giời ơi đất hỡi lắm cơ! Xấu người, xấu nết, xấu cả giấc mơ. Làm việc cùng những người này khiến cho chị em công sở phát điên và chẳng thể vui vẻ mỗi ngày tới cơ quan.
Khi ấy, thay vì từ nói xấu, chúng ta hãy nghĩ đơn giản chỉ là mình đang bóc mẽ bản chất của họ cho người khác biết. Tuy vậy, tồn tại một ranh giới rất mong manh giữa nêu lên chính kiến cá nhân, sự thật với việc bạn đang đặt điều, săm soi. Nếu không cẩn thận, thậm chí chị em công sở còn rơi vào thị phi. Vậy phải làm thế nào để chúng ta được bày tỏ hết suy nghĩ của mình mà vẫn thanh lịch, thảo mai vừa đủ?
Cùng ghi nhớ 5 nguyên tắc dưới đây nha!
1. Không chê bai, nói xấu đồng nghiệp qua tin nhắn
Bạn nghĩ rằng một đồng nghiệp mà bạn cho là thân thiết sẽ giữ bí mật ư? Không đời nào, một khi bạn đã kể ra, bạn phải chấp nhận rủi ro rằng rất có thể nó sẽ đến tai người khác, và sau cùng là đến tai của kẻ bị nói xấu. Nhất là khi chúng ta nhắn tin qua điện thoại, ứng dụng. Những đoạn chụp màn hình sẽ là bằng chứng tố cáo bạn và chỉ ra rằng bạn là một người ngồi lê đôi mách. Thậm chí, nếu ảnh chụp màn hình đến tai sếp, không chừng bạn còn bị đuổi việc vì đã chia rẽ nội bộ.
Tốt hơn hết, nếu có bất mãn đồng nghiệp nào, đừng kể lể qua tin nhắn. Hãy chủ động gặp riêng một người bạn để tâm sự. Lời nói gió bay, chẳng ai có thể tố cáo bạn được cả. Những điều bạn nói ra, chỉ trời biết, đất biết, người đối diện biết mà thôi!
2. Đừng thao thao bất tuyệt một cách chủ quan
Vẫn biết khi ức chế với đồng nghiệp khác, lòng chị em công sở sẽ sục sôi và chỉ muốn xả hết một tràng cho người bạn mình. Thế nhưng đôi khi vì cảm tính mà bạn mất đi lý trí. Điều quan trọng là bạn cần giữ cái đầu lạnh. Chia sẻ quá nhiều cảm xúc cá nhân sẽ khiến đối phương nghĩ rằng vì bạn ghét một đồng nghiệp nào đó nên mới nghĩ xấu cho họ. Chắc gì người kia đã như lời bạn kể?
3. Thay vào đó, hãy nói một cách thảo mai, tinh tế và mang tính "mồi nhử"
Làm ơn đừng nói câu khẳng định, ví dụ "Con A nó thực sự xấu xa, mình biết hết những điều A làm đấy!". Bạn có thể nói kiểu khác "Mình nghe nói rằng A có vấn đề gì đó trong công việc đúng không nhỉ? Mình thấy bình thường mà sao mọi người hay nói về A thế?". Câu trên là bạn đang nhử một đồng nghiệp khác kể hết tật xấu về A cho bạn nghe.
Có một sự thật khá thú vị trong việc nói xấu: Chúng ta thích nghe những người khác nói xấu về một đối tượng hơn là tự mình nói xấu về đối tượng ấy. Vì thế, hãy thu thập nhiều thông tin trái chiều, khách quan nhất có thể để bạn kiểm chứng được liệu một đồng nghiệp nào đó có như cách bạn suy nghĩ hay không.
4. Nói xấu thì nói cũng đừng tỏ thái độ
Hãy thể hiện ra ngoài bằng một thái độ bình thản nhất. Bạn càng lồng lộn, tức tối, người đồng nghiệp kia sẽ càng được đà lấn tới. Họ nghĩ rằng giá trị của bạn chỉ dừng lại ở dăm ba câu nói xấu mà thôi. Khi bạn thản nhiên, anh ta sẽ không biết bạn nghĩ gì, sẽ luôn tò mò và chú ý bạn nhiều hơn. Điều ấy cũng khiến chị em công sở không còn tiêu cực và chủ quan. Dù gì người ta cũng là đồng nghiệp, nước sông không nên phạm nước giếng nha!
5. Suy xét mọi việc dưới ánh mắt bao dung
Ở đời ai mà chẳng có lỗi lầm đúng không nào? Ngay cả bản thân chúng ta cũng chưa hoàn thiện, vậy tại sao lại khắt khe quá mức với người khác? Hãy nhìn những đồng nghiệp xung quanh một cách thiện cảm hơn, bạn sẽ thấy nhiều điều tốt đẹp ở người ta đó! Kể cả khi nói xấu, bóc mẽ họ, hãy cố gắng nói những sự thật chứ không phải đi đặt điều. Chuyện gì ra chuyện nấy, đều nên thật logic và mang tính lý trí.
Khẩu nghiệp thì có vẻ vui và là thứ chẳng bao giờ thiếu ở chốn công sở. Điều mà chị em cần ghi nhớ là luôn biết mình, biết ta để suy nghĩ, hành xử một cách có văn hóa, khôn ngoan nhưng vẫn tinh tế. Chắc chắn, bạn sẽ thực sự trở thành một người được đồng lòng trong công ty sớm thôi!