2 người nước ngoài tử vong ở Hội An do uống rượu pha bằng cồn y tế: Methanol nguy hiểm đến mức nào?

Phạm Trang (T/h),
Chia sẻ

Mới đây, vụ việc hai người nước ngoài tử vong do trúng độc methanol từ một loại rượu mà họ đã sử dụng trước đó tại một nhà hàng ở TP Hội An (Quảng Nam) đã gây xôn xao dư luận.

Theo đó, vào lúc 15h30 ngày 24/12/2024, Lê Tấn Gia (SN 1979, trú phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam) – nhân viên pha chế của một nhà hàng - đã sử dụng cồn y tế 70 độ (loại chỉ dùng để sát khuẩn, không được uống hay sử dụng trong chế biến thực phẩm), pha với nước lọc, vỏ chanh, đường cát trắng để tạo thành hai chai rượu Limoncello (rượu mùi) và giao cho hai du khách. Sau khi uống, cả hai bị trúng độc methanol nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.

2 người nước ngoài tử vong ở Hội An do uống rượu pha bằng cồn y tế: Methanol nguy hiểm đến mức nào? - Ảnh 1.

Ngày 7/2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Tấn Gia để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Tại sao người ta khó để phân biệt rượu pha methanol?

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ thủ đô, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết - khi uống rượu pha methanol sẽ thấy có vị hơi ngọt, không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.

Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng cho hay, người ngộ độc rượu sẽ có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực.

2 người nước ngoài tử vong ở Hội An do uống rượu pha bằng cồn y tế: Methanol nguy hiểm đến mức nào? - Ảnh 2.

Nặng hơn, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…

Để xử lý, sơ cứu cho người bị ngộ độc rượu methanol, cần lưu ý và thực hiện theo các bước cơ bản sau:

Cố gắng cho người bệnh nôn.

Cho bệnh uống trà đặc ấm hoặc sữa nóng để giúp bệnh nhân tỉnh táo.

Nới lỏng quần áo cho người bị ngộ độc.

Để người bệnh nằm tại nơi thoáng mát, tránh bị gió lùa trực tiếp vào.  Tư thế nằm của người bị ngộ độc rượu nên được áp dụng là nằm úp xuống giường, mặt hơi nghiêng về bên trái và 2 tay duỗi ra sau. 

Trong thời gian sơ cứu cho người bệnh, cần nhanh chóng gọi tới các cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự trợ giúp y tế kịp thời. Đặc biệt là khi người bệnh có các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, khó thở, hôn mê,... 

Lưu ý: khi người bệnh có triệu chứng bị ngộ độc bởi rượu methanol, tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng các chất chống nôn (khiến chất độc bị giữ lại cơ thể lâu hơn) hoặc uống paracetamol (gây hại trực tiếp cho gan).

Chia sẻ