18 tháng, toàn quốc có hơn 200 vụ ngộ độc thực phẩm làm chết 28 người
Đó là con số cực kỳ báo động mà Bộ Y tế đã thống kê trước tình trạng vệ sinh thực phẩm đang diễn ra phức tạp.
Cụ thể trong năm 2016, cả nước xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.139 người mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện là gần 57.000.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện nhưng có đến 16 trường hợp tử vong, và số cơ sở vi phạm lên tới 81.115, tăng rất cao so với toàn năm 2016.
Một vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra tại TP.HCM lúc nửa đêm.
Điều này nói lên tính cấp bách của vấn để an toàn thực phẩm hiện nay. Nguồn cung cấp thực phẩm khó đáp ứng với mức độ dân số tăng trưởng mạnh. Bối cảnh này dẫn đến việc sử dụng bừa bãi và phổ biến các hoá chất độc hại để kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, phẩm màu độc hại không theo đúng quy định trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Chính vì điều này, Ban quản lý An toàn Thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội Chợ Xanh theo văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM.
Trình diễn thời trang thân thiện với môi trường tại buổi ra mắt Hội chợ xanh do BQL ATTP TP.HCM tổ chức.
Thông qua hội chợ, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ của các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp tại thành phố và các tỉnh sẽ được giới thiệu, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Có tổng cộng gần 100 gian hàng gồm thực phẩm tươi sống, đông lạnh, chế biến sẵn; thực phẩm đóng gói như bánh kẹo, đồ uống; thực phẩm chức năng; các dịch vụ ăn uống và thực phẩm như hóa mỹ phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Những ngày diễn ra hội chợ, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM sẽ tổ chức các buổi hội thảo vớichuyên đề an toàn thực phẩm, sản phẩm organic... Các chuyên gia đầu ngành về thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng hiểu thật tỉ mỉ những khái niệm như thể nào là Natural? Bio? Organic? Cách phân biệt tâm lý người tiêu dùng có phải "vì sạch nên mắc"? Làm thế nào để hiểu rõ thực phẩm sạch an toàn và làm sao trở thành người tiêu dùng thông thái?
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở, cá nhân vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
"Tất cả chúng ta đều quyết tâm chống lại thực phẩm bẩn, nhưng chỉ dừng lại ở mức chống là chưa đủ. Nỗi lo nguồn thực phẩm của người dân vẫn còn đó, người dân không chỉ cần ăn no mà cần phải ăn ngon và an toàn.
Nhiều vụ việc sai phạm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm bị phát hiện như rau chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức, heo bị tiêm thuốc an thần khiến một bộ phận người dân có thành kiến xấu về thực phẩm Việt. Do đó chúng tôi quyết định đi đôi giữa chống thực phẩm bẩn và xây dựng nguồn thực phẩm sạch.
Việt Nam có thể làm được thực phẩm sạch, nhưng tại sao cái gì sạch, tốt thì chúng ta đem đi xuất khẩu. Cơ quan chức năng không thể để doanh nghiệp và nông dân tự xoay sở mà phải trải thảm đỏ hỗ trợ, khuyến khích phát triển thực phẩm sạch. Ban ATVSTP sẽ xây dựng và phát triển đề án chuỗi thực phẩm an toàn, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân phải sản xuất thực phẩm an toàn, sau đó đến tận nơi để thẩm định, cấp phép. Chúng tôi cũng thanh kiểm tra, xử lý kỹ càng các vi phạm, làm sao để lấy lại niềm tin của người dân. Để người dân biết được, TP.HCM có những chuỗi thực phẩm an toàn" – bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Hội chợ "Mua thực phẩm xanh – Đón Tết an lành" lần đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 25-28/1/2018 tại Nhà thi đấu quân khu 7 TP.HCM.