15 siêu thực phẩm giúp tăng cường năng lượng và thải độc cho cơ thể trong mùa xuân
Để thải độc cho cơ thể trong mùa xuân, chỉ cần thêm các thực phẩm phù hợp vào chế độ ăn uống của bạn là đã có thể làm tăng sự trao đổi chất, ổn định tiêu hóa và khôi phục mức năng lượng...
Tăng cường quá trình trao đổi chất, ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm, chữa lành đường ruột và bổ sung nhiều năng lượng là công dụng thải độc cho cơ thể của những loại thực phẩm phổ biến dưới đây.
1. Rau lá có màu xanh đậm
Những "nhà vô địch" về dưỡng chất của thế giới rau không thể không nhắc tới rau bina, cải kale, xà lách rocket (arugula) và xà lách romaine. Chúng rất giàu các chất chống oxy hóa, có thể loại bỏ độc tố gây hại khỏi cơ thể và chống lại tác động tiêu cực của gốc tự do (các phân tử có thể hủy hoại tế bào và giảm đáp ứng miễn dịch của chúng ta).
Chất chống oxy hóa hoạt động như những siêu anh hùng tí hon, có thể đính vào các gốc tự do và làm cho chúng trở nên vô tác dụng. Rau lá có màu xanh đậm còn chứa nhiều vitamin C và beta-carotene, giúp tươi trẻ mái tóc và tế bào da - vốn đã chịu nhiều thương tổn trong mùa đông lạnh giá. Vitamin C còn có công dụng hỗ trợ sản sinh collagen – thành tố chủ chốt của một làn da đẹp và khớp chắc khỏe.
2. Tỏi
Là một loại thực phẩm thanh lọc cơ thể cực kỳ tuyệt vời, tỏi hỗ trợ enzyme gan và các quá trình quan trọng với cơ chế làm sạch tự nhiên của cơ thể. Tỏi còn là chất kháng vi trùng hiệu quả nhất (với gần 40 thành phần kháng virus, ký sinh, vi khuẩn, nấm khác nhau). Trong tỏi cũng có hàm lượng lớn vitamin C, giúp thúc đẩy miễn dịch và hỗ trợ chức năng gan.
3. Thì là
Sau một mùa đông tận hưởng nhiều món súp, canh đậm vị, chắc hẳn bạn đã trải nghiệm cảm giác bụng đầy hơi, khó tiêu. Hãy tìm đến thì là như một cách điều trị đơn giản mà hiệu quả. Sydney Greene, chuyên gia dinh dưỡng tại Middleberg Nutrition (New York), cho biết: "Hạt và cây thì là có tác dụng như một loại thuốc trị co thắt với ruột, từ đó, giảm đầy hơi, chướng bụng".
Kết hợp thì là với vài loại trái cây họ cam chanh trong đĩa salad đơn giản là công thức trị đầy hơi tuyệt vời. Vitamin C có trong trái cây họ cam chanh còn giúp chống lại tình trạng trữ nước thông qua việc giảm viêm cho cơ thể.
4. Hạt lanh xay
Mỗi thìa hạt lanh đã được xay nhỏ chứa khoảng 1,8g omega-3 có nguồn gốc thực vật – đây là loại axit béo quan trọng giúp kháng viêm. Nó cũng chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, nhờ đó, làm giảm cholesterol, giữ cho đường ruột hoạt động trơn tru và gắn vào độc tố để loại bỏ các chất gây hại này ra khỏi cơ thể.
Bởi vì hạt lanh xay cải thiện lượng đường huyết và ức chế cảm giác thèm ăn, nó có thể được thêm vào vô số món ăn khác nhau như sinh tố, salad, cháo yến mạch. Và hiệu quả giảm cân của nó cũng sẽ khiến bạn bất ngờ.
5. Cải Brussel
Đây là đối tác xuất sắc cho bất cứ ai đang có ý định giảm cân để eo thon, dáng đẹp. Một chén cải Brussel chứa hơn 100% khuyến nghị hàng ngày về lượng vitamin C và 3g chất xơ, trong khi chỉ tương đương 38 calo. Loại rau này còn rất giàu hợp chất có chứa sulfur – công dụng giảm viêm và vô hiệu hóa các chất sinh ung thư.
6. Lúa mạch
Một nghiên cứu vào năm 2015 do Đại học Lund (Thụy Điển) tiến hành cho thấy, lúa mạch có thể giảm cả lượng đường huyết và cảm giác thèm ăn. Sau khi ăn bánh mì lúa mạch trong 3 ngày vào bữa sáng, trưa và tối, những người tham gia nghiên cứu nhận thấy sự tăng trưởng hormone đường ruột vốn giữ nhiệm vụ điều hòa quá trình trao đổi chất và cảm giác thèm ăn cũng như loại hormone giúp giảm tình trạng viêm cấp độ thấp.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, đó là nhờ vai trò của chất xơ đối với việc kích thích lợi khuẩn đường ruột và kích hoạt việc giải phóng những hormone quan trọng. Điều đáng nói nhất là hiệu quả trao đổi chất của những người tham gia nghiên cứu khi ăn bánh mì lúa mạch kéo dài tới tận 14 giờ!
7. Măng tây
Bên cạnh các thành phần chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm, loại rau rất ngon này còn chứa glutathione, một hợp chất có khả năng gắn với độc tố, cho phép cơ thể loại bỏ chúng dễ dàng. Măng tây cũng chứa loại chất xơ thích hợp làm nguồn thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột.
Lisa Booth, chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe, cho hay: "Lợi khuẩn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, như duy trì cân nặng khỏe mạnh và tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất". Không những thế, măng tây còn chứa hàm lượng asparagine cao. Đây là loại axit amin, có công dụng như một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên, giúp cơ thể loại bỏ muối và nước dư thừa. (Tạm biệt nhé, tình trạng đầy hơi!).
8. Bông cải xanh
Những loại rau thuộc họ cải như bông cải xanh, về cơ bản, là bạn đồng hành của gan – cơ quan chịu trách nhiệm thải độc chính của cơ thể. Tương tự măng tây, bông cải xanh chứa hợp chất có tác dụng tăng cường quá trình thanh lọc cơ thể. Nó cũng giàu chất xơ – giúp đường ruột khỏe mạnh và hỗ trợ việc loại bỏ độc tố.
Tuy nhiên, cần lưu ý: Rau họ cải chứa raffinose, một loại đường mà vi khuẩn đường ruột rất ưa thích. Vì vậy, ăn quá nhiều bông cải xanh có thể dẫn tới tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Dần dần kết hợp những thực phẩm này vào chế độ ăn – ví dụ, cách vài ngày mới thêm một khẩu phần – và nấu chín kĩ sẽ giúp giảm tác hại trên.
9. Trứng
Trứng được xem là tiêu chuẩn vàng của protein bởi khả năng dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất, đồng thời phát huy tác dụng của dưỡng chất. Ngoài việc giàu protein, trứng còn chứa 9 loại axit amin thiết yếu, giúp tái tạo mô và phân giải thực phẩm. Trứng cũng chứa hợp chất organosulfur có tác dụng chống lại gốc tự do và trung hòa độc tố của cơ thể.
10. Củ cải đường
Củ cải đường chứa vô số chất chống oxy hóa, có công dụng thanh lọc và thải độc. Một số thành phần trong đó giúp phân giải chất thải trong gan, đẩy nhanh quá trình bài tiết ra khỏi cơ thể. Chúng còn là nguồn chất xơ và vitamin C tuyệt vời – đây chính là đội ngũ làm sạch tự nhiên của hệ tiêu hóa.
11. Sữa chua không đường
Nghiên cứu chỉ ra rằng, hệ vi sinh - cộng đồng vi khuẩn sống trong ruột - khỏe mạnh là chìa khóa để cơ thể vận hành tốt nhất. Trên thực tế, đường ruột khỏe mạnh đồng nghĩa với sự ổn định của hệ tiêu hóa và giảm đầy hơi. Sữa chua không đường chính là loại thực phẩm cực kỳ giàu lợi khuẩn, giúp tăng cường sức mạnh của hệ vi sinh đường ruột.
Hãy kiểm tra nhãn mác để đảm bảo sản phẩm sữa chua không đường mà bạn chọn có chứa lợi khuẩn Lactobacillus acidophilus. Ngoài ra, hãy bổ sung vào chế độ ăn những thực phẩm giàu lợi khuẩn khác như chuối và các loại dâu. Điều thú vị là cả hai thực phẩm này đều rất hợp để ăn với sữa chua!
12. Ớt chuông
Bất kể màu sắc ra sao, các loại ớt chuông đều có hàm lượng calo thấp, trong khi lại rất giàu chất chống oxy hóa. Do đó, chúng có tác dụng giảm viêm cho cơ thể. Ớt chuông còn chứa hàm lượng chất xơ đáng kể. Chúng giúp lưu thông suôn sẻ, tránh tình trạng "tắc đường" trong ruột.
Đặc biệt, ớt chuông đỏ có tác dụng thúc đẩy trao đổi chất thông qua việc kích hoạt thermogenesis (quá trình trao đổi chất mà cơ thể đốt cháy calo để sinh nhiệt) – theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Physiology & Behavior.
13. Lựu
Nửa chén hạt lựu cung cấp 3,5g chất xơ, giúp thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa cũng như tạo cảm giác no. Có thể nói, lựu là siêu trái cây chứa nhiều polyphenol – nhóm các chất chống oxy hóa có tác dụng làm sạch các tổn thương do gốc tự do gây ra và chống lại tình trạng viêm.
14. Kefir
Loại sữa uống lên men này có vị tương tự và kết cấu như sữa chua thông thường. Kefir rất giàu lợi khuẩn, giúp giảm nhẹ các vấn đề tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, chức năng não và thậm chí kiểm soát cân nặng. Không giống các loại thực phẩm có chứa lợi khuẩn khác, kefir bao gồm nhiều chủng khuẩn khác nhau và nó không hề có đường (lactose).
15. Nước
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu nước là mệt mỏi. Do đó, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể là cách nhanh nhất để bảo tồn nguồn năng lượng và giữ cho hoạt động của quá trình trao đổi chất được diễn ra bình thường.
Bạn có thể uống nước ấm pha chút cốt chanh - đặc biệt vào buổi sáng – như một cách trị đầy hơi. Nước ấm giúp tăng cường độ săn chắc, thúc đẩy hoạt động đều đặn của đường ruột. Trong khi đó, axit citric có trong cốt chanh giúp loại bỏ độc tố gây đầy hơi khỏi cơ
Nguồn: Eatthis