10 điều không nên nín nhịn kẻo bị kẻ khác trèo lên cổ lên đầu!
Bạn cần phân biệt giữa chịu đựng khổ sở, vất vả một chút để hoàn thành công việc với chịu đựng kẻ khác hạ thấp giá trị bản thân mình. Đừng im lặng nếu rơi vào 1 trong X hoàn cảnh dưới đây!
1. Gánh vác một đống trách nhiệm ngoài lề trên lưng
Khi được tuyển dụng vào công ty, chị em cần xác định rõ vị trí của mình là gì trên hợp đồng lao động. Điều đó có nghĩa phạm vi công việc của bạn ở thời điểm này chỉ xoay quanh mô tả thỏa thuận hai bên, mọi nhiệm vụ không liên quan ngoài lề đều là vi phạm nguyên tắc hợp đồng.
Đừng vì vài lời hứa ngon ngọt của sếp mà gánh trên vai hàng đống nhiệm vụ để rồi bị quá tải và rơi vào trạng thái làm việc kém năng suất nhé! Hãy chỉ tiếp quản thêm công việc nếu điều đó giúp bạn thăng quan tiến chức và hưởng quyền lợi bổ sung.
2. Không được bàn luận về những vấn đề quan trọng
Bạn hoàn toàn có quyền thảo luận về lợi ích của mình với sếp, chẳng hạn như lương thưởng, chế độ làm việc, thâm niên, cơ hội thăng tiến.
Nếu như một người sếp luôn cố tình phớt lờ đi mọi chuyện và khiến bạn cảm thấy tội lỗi, xấu hổ vì đấu tranh cho quyền lợi cá nhân, chắc chắn công ty này không phải môi trường để chị em phát triển đâu! Hai bên luôn cần sự bình đẳng bày tỏ để đi đến đàm phán về quyền lợi.
3. Làm việc cùng những "bóng ma"
"Bóng ma" là những người sếp, thậm chí là đồng nghiệp luôn lảng tránh những vấn đề, nhiệm vụ quan trọng hàng ngày. Họ thay vì trả lời bạn để công việc tiếp tục thực hiện đúng tiến độ thì lại biến mất không dấu vết.
Những đoạn tin nhắn vô vọng dưới đây chắc chị em đã từng trải qua ít nhất một lần trong đời rồi chứ đúng không nào? Đừng dễ tính bỏ qua hành vi thiếu chuyên nghiệp này nhé.
4. Luôn nhận những lời hứa mơ hồ
Khi bạn luôn trong trạng thái tò mò, nghi hoặc rằng liệu khi nào mình mới được thăng quan tiến chức sau hàng tá lời hứa của sếp thì tức là điều ấy sẽ chẳng xảy ra đâu!
Chẳng qua cấp trên rót mật vào tai chị em là để chúng ta ngoan ngoãn ở lại làm việc cho anh ta mà thôi! Đừng chìm trong những sự mơ hồ như thế nữa, mọi thứ về quyền lợi cần rõ ràng để chính bản thân bạn còn vạch ra kế hoạch phấn đấu chứ!
5. Sếp lợi dụng tình cảm để cưỡng ép nhân viên
Đôi khi cấp trên tỏ ra thân thiện với chị em một chút là vì anh ta muốn bạn luôn trung thành với công ty.
Để rồi mỗi khi sếp yêu cầu bạn ở lại làm thêm giờ không tăng lương hoặc gánh thêm nhiều trách nhiệm khác thì bạn khó lòng từ chối. Tốt nhất đừng quá lệ thuộc vào ai đó. Chị em cần hiểu mối quan hệ giữa nhân viên - sếp là kiểu quan hệ win-win, tức là đôi bên đều có lợi chứ không thể xuất hiện sự cưỡng ép quá đáng được!
6. Không được hưởng quyền nghỉ ốm chính đáng
Một công ty, một vị sếp tồi là khi bạn bị ốm, gặp vấn đề về sức khỏe mà vẫn phải đi làm trong tâm thế mệt mỏi, bệ rạc. Chỉ vì anh ta tiếc dăm ba đồng ngày công mà bắt ép bạn đày đọa bản thân mình. Hãy cứng rắn và thẳng thắn để sếp biết rằng bạn hoàn toàn có quyền được nghỉ trong trường hợp bị ốm.
7. Sếp không coi ngày nghỉ của nhân viên là điều hiển nhiên
Có những vị lãnh đạo luôn tư duy rất khó hiểu, mặc dù trong hợp đồng lao động ghi rõ ràng làm 5 ngày/tuần nhưng anh ta vẫn bắt bạn đến cơ quan Chủ Nhật và xử lý hàng tá công việc cả team chưa hoàn thành. Đừng im lặng cho qua, bạn cần nói cho anh ấy biết ai cũng xứng đáng được nghỉ cuối tuần để có nhiều năng lượng bước vào tuần mới nhé!
8. Lấy khó khăn của công ty để thao túng
Một người sếp tốt sẽ biết thưởng phạt xứng đáng dù tình hình của công ty có đang khó khăn ra sao. Ngược lại, sếp tồi là kẻ lấy vấn đề đó ra để yêu cầu nhân viên phải hết mình dốc sức hơn nữa, đồng thời luôn mắng mỏ họ vì đẩy tình hình của công ty xấu hơn.
9. Sếp mỉa mai quyền lợi chính đáng của chúng ta
Lại là câu chuyện về nghỉ phép. Thông thường trong năm chị em sẽ có những ngày được nghỉ phép mà vẫn hưởng lương. Ấy vậy mà hễ gia đình bạn có công việc bận hay sức khỏe bạn có vấn đề, bạn xin nghỉ với sếp thì anh ta sẽ đáp lại rất mỉa mai, cạnh khóe: "Công ty phải trả lương cho ngày nghỉ của bạn đấy!". Đừng cảm thấy xấu hổ vì đây là quyền lợi chính đáng của chị em đó!
10. Bị phân biệt đối xử giới tính
Hành vi phân biệt đối xử giới tính có thể xuất hiện ở ngay từ lúc chị em phỏng vấn công ty hoặc khi đã trúng tuyển. Ấy là khi sếp luôn lôi vấn đề giới tính ra để so sánh giữa nhân viên nam và nhân viên nữ.
Tuy nhiên bạn hãy nhớ rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bình đẳng, ai cũng có quyền phát triển và không được xúc phạm đến danh dự của người khác. Công ty nào mà có vị sếp như thế thì nên "chạy ngay còn kịp" nha!
Theo B.S